Ðình Nghệ Tĩnh - Ngôi đình ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn

09:09, 13/09/2018

Trong lịch sử 125 năm hình thành và phát triển của Ðà Lạt có dấu ấn của những người con từ xứ Nghệ đến đây lập làng lập ấp từ những năm 20 của thế kỷ trước. Ở đâu có đình, ở đó có làng, có nước; đình Nghệ Tĩnh được dựng lên là biểu tượng tâm linh gắn kết cộng đồng với miền đất lành và ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn.

Trong lịch sử 125 năm hình thành và phát triển của Ðà Lạt có dấu ấn của những người con từ xứ Nghệ đến đây lập làng lập ấp từ những năm 20 của thế kỷ trước. Ở đâu có đình, ở đó có làng, có nước; đình Nghệ Tĩnh được dựng lên là biểu tượng tâm linh gắn kết cộng đồng với miền đất lành và ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn.
 
Đình Nghệ Tĩnh được xây dựng từ năm 1941 trên khu đất bằng phẳng ngay giữa tổ dân phố Nghệ Tĩnh (Phường 8 - Đà Lạt). Ngôi đình là căn nhà ba gian hai chái theo kiến trúc truyền thống của người miền Trung Bắc Bộ. Mặt trước đình là ba cửa ra vào ở ba gian chính, hai chái có hai cửa tò vò hình tròn với khung sắt tạo ba vòng tròn đồng tâm mang ý nghĩa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Hai đầu hồi thoáng mát với 6 cửa sổ (4 cửa tròn, 2 cửa vuông) đối xứng từng cặp với ý nghĩa mong cho mọi sự vuông tròn. Mái đình uốn cong bốn góc với phù điêu rồng mây uốn lượn lên trời mong cầu thịnh vượng. Giữa nóc mái là phù điêu song long chầu nguyệt được tạo tác công phu theo kiến trúc đình chùa truyền thống. Cổng tam quan bước vào sân đình là bốn trụ trên gắn búp sen cách điệu, hai bên tượng hai con nghê - vật thiêng tín ngưỡng của người Việt tạo nên vẻ uy nghiêm. Khoảng sân rộng ở giữa có bức bình phong hình rồng đắp nổi, hai bên có họa tiết cây mai, cây trúc tượng trưng cho hai mùa xuân - thu. Hai bên cửa chính trước thềm có đôi câu đối bằng tiếng Việt “Cây có gốc mới tốt cành xanh lá/Nước có nguồn mới bể cả sông sâu”.
 
Bước vào trong đình, sự thanh tịnh, dấu thời gian đã in vào nét chữ trên hoành phi, câu đối. Ba ban thờ được đặt trang trọng với ba cặp lọng thêu rồng phượng rực rỡ. Ban thờ chính giữa với bức hoành phi 4 chữ “Truy niệm tiền ân”; bốn cột có hai cặp đôi câu đối mang ý nghĩa cháu con đời đời ghi nhớ công đức những bậc tiền nhân đã có công khai sơn, phá thạch, mở đất: “Tiên tổ sáng lập phương danh lưu quốc sửu/ Tử tôn kính thành tích học kế gia phong”, “Công đức tổ tông tiền khai lưu vạn thế/ Ân thâm tôn tử hậu thế tạc thiên thu”. Hai cột chính giữa cạnh cửa chính ra vào có đôi câu đối “Điện vũ huy hoàng nhân kiệt địa linh thiên cổ tích/ Thần uy hiệu đãng diên khang vật phụ vạn niên xuân”. Hai ban thờ hai bên, một bên thờ “phụng nữ linh hương” vẽ chim phượng ngậm sách bút nhằm tôn vinh đạo học; một bên thờ “phụng nam linh hương” vẽ cá chép và rồng mây mang ý nghĩa nếu vượt qua gian nan thử thách sẽ đạt được những thành công như “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Hai ban thờ đều dành thờ phụng những người dân cả nam và nữ trong ấp đã sống ở đây và qua đời ở đất này. Quanh tường hàng trăm hình ảnh, kỷ vật về ngôi đình qua nhiều thế hệ được treo trang trọng. Quanh sân đình, trồng hơn 20 cây liễu rủ, ra hoa đỏ tía, tỏa bóng râm mát, tạo không gian xanh, tĩnh lặng và bình yên. 
 
Cụ Nguyễn Thái Huyền (92 tuổi) đến Đà Lạt khi 14 tuổi, là người lớn lên ở ấp kể: Năm 1927, ông Nguyễn Thái Hiến (quê Nghệ An) và ông Nghiêm Trang (quê Hà Tĩnh) vào Đà Lạt trồng cây cảnh và lái xe cho Khách sạn Palace. Sau khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930), người dân nổi dậy bị Pháp quay lại đàn áp, biết tin có người cùng quê ở Đà Lạt, một số người tìm vào lánh nạn; trong đó có ông Nguyễn Thái Điền mở đất làm vườn trồng rau hoa tại ấp Xuân An. Khi đồ án thiết kế xây dựng thị tứ Đà Lạt được phê duyệt, người dân các tỉnh miền Trung làm thợ xây, làm đường ngày càng nhiều; hai tỉnh Nghệ - Tĩnh, cha đưa con, anh dẫn em vào Đà Lạt làm ăn sinh sống ngày càng đông thành lập nên hội “Hoan châu ái hữu” để đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau tìm việc làm, đùm bọc nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Năm 1938, Hội đã liên hệ với ông Phạm Khắc Hòe (quê Hà Tĩnh) làm quản đạo Đà Lạt lúc bấy giờ xin một vùng đất để lập ấp và được chấp thuận cho vùng đất rộng hơn 40 ha; năm 1940 dân ấp cùng nhau khai phá và chia lô phân cho 70 hộ gia đình với 400 khẩu, ra sức trồng rau, hoa để sinh sống. Năm 1941, đình Nghệ Tĩnh được bà con dựng lên giữa ấp, là nơi tập hợp bà con trao đổi cách làm ăn, nhớ về cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi tập hợp nhân dân đánh Nhật, đuổi Tây. 
 
Trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền, người dân trong ấp tập trung tại sân đình cùng cờ đỏ, vũ khí thô sơ tiến lên Chợ Hòa Bình hòa cùng dòng người bao vây Dinh Tỉnh trưởng, Dinh Tổng đốc, buộc Pháp phải đầu hàng vào ngày 23/8/1945.
 
Khi người Pháp quay trở lại, ban ngày ngôi đình là trường học của trẻ con trong ấp, tối là nơi hoạt động bí mật của những thầy giáo - chiến sĩ; dân ấp nuôi giấu cán bộ cách mạng và cùng đóng góp mua thuốc men chuyển vào chiến khu Tuyên Đức. Trong kháng chiến chống Pháp, dân ấp có 11 người hy sinh, 17 người bị địch bắt tù đày; trong kháng chiến chống Mỹ, có 4 người hy sinh, 7 người bị địch bắt giam, 16 người vào chiến khu. Mỗi năm, người dân ấp Nghệ Tĩnh làm lễ tế hai lần tại đình vào mùa xuân và mùa thu. Nghi lễ cúng tế trở thành một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, năm 2008 đình Nghệ Tĩnh được UBND tỉnh Lâm Đồng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là niềm tự hào của người dân ấp Nghệ Tĩnh - một trong những nhóm cư dân đầu tiên của Đà Lạt. 
 
Năm nay, Lễ tế Thu lần thứ 78 cũng diễn ra long trọng tại đình. Từ sáng sớm, những người đàn ông trong tổ dân phố đã đến dọn dẹp trước sân, bày cỗ, những người phụ nữ tất bật việc bếp núc làm cỗ cúng tế. Người đổ về đình mỗi lúc một đông, khoảng sân rộng rộn rã tiếng cười, lời thăm hỏi. Hơn 300 người, già trẻ, gái trai quây quần, không gia đình nào vắng mặt, nhiều người đi xa cũng trở về. Các cụ thuộc thế hệ có công khai phá lập làng lập ấp đã về với đất, thế hệ đầu tiên sinh ra ở Đà Lạt người còn, người mất vẫn giữ tiếng quê nằng nặng, những người trẻ tuổi qua hai đời đã pha giọng Đà Lạt nhẹ nhàng. Nhưng chẳng thể mất gốc, vì đình Nghệ Tĩnh làm cho những nét đẹp quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh: nghĩa tình, chung thủy, chịu thương chịu khó, cần cù lao động, coi trọng đạo học vẫn tiếp tục chảy trong máu các thế hệ tiếp nối. Vẻ đẹp đó hòa chung với vẻ đẹp của cư dân đến từ mọi vùng miền khác làm nên phong cách con người Đà Lạt. 
 
Và trong dòng chảy 125 năm ấy của Đà Lạt có dấu ấn của những người con Nghệ Tĩnh.
 
QUỲNH UYỂN