Cắt tóc miễn phí cho người nghèo

10:09, 10/09/2018

Những gương mặt đáng yêu, ngộ nghĩnh dần hiện ra sau từng lớp tóc bù xù; những tiếng cười khúc khích khi ngắm nhìn diện mạo mới của mình qua gương... là những điều khiến các thành viên trong nhóm cắt tóc miễn phí Lưu Gia Khanh cảm thấy hạnh phúc và nỗ lực gắn bó. Với họ, cắt tóc không chỉ là nghề nghiệp của bản thân, mà còn là cầu nối đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Những gương mặt đáng yêu, ngộ nghĩnh dần hiện ra sau từng lớp tóc bù xù; những tiếng cười khúc khích khi ngắm nhìn diện mạo mới của mình qua gương... là những điều khiến các thành viên trong nhóm cắt tóc miễn phí Lưu Gia Khanh cảm thấy hạnh phúc và nỗ lực gắn bó. Với họ, cắt tóc không chỉ là nghề nghiệp của bản thân, mà còn là cầu nối đem lại hạnh phúc cho mọi người.
 
Hơn 15 năm đồng hành
 
Đội cắt tóc miễn phí Lưu Gia Khanh luôn sẵn sàng tham gia các đợt công tác xã hội hay hoạt động tình nguyện. Ảnh: H.Thắm
Đội cắt tóc miễn phí Lưu Gia Khanh luôn sẵn sàng tham gia các đợt công tác xã hội hay hoạt động tình nguyện. Ảnh: H.Thắm
“Bất cứ khi nào chúng tôi cần, anh đều tham gia nhiệt tình, cả với một số chương trình công tác xã hội của các nhóm từ thiện khác trên địa bàn huyện. Anh còn tự tổ chức cắt tóc miễn phí tại các trường học cho các em học sinh trong năm học mới. Đều đặn như thế cũng đã mười mấy năm rồi. Giờ đây chỉ cần nghe có đội cắt tóc Lưu Gia Khanh là bà con kéo đến rất đông bởi họ luôn tin tưởng và hoàn toàn yên tâm khi đưa con mình đến”, anh Phan Đình Quý - Phó Bí thư Huyện Đoàn Đức Trọng giới thiệu về đội hình cắt tóc tình nguyện Lưu Gia Khanh.
 
18 năm tiệm cắt tóc nam Lưu Gia Khanh hiện hữu ở Ngã ba Tà Hine (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) là cũng xấp xỉ ngần ấy thời gian mà chủ tiệm - anh Lưu Văn Khanh (tên thường gọi là Lưu Gia Khanh) bắt đầu cắt tóc miễn phí. Hỏi anh về lý do bắt đầu công việc này, anh Khanh nói rằng đơn giản vì anh muốn giúp đỡ người khác từ chính công việc của mình. “Trước đây, khi còn đang học nghề, mình và những người bạn đã cắt tóc cho những trẻ em lang thang, cơ nhỡ ở Đà Lạt. Về đây, nếu chỉ cắt tóc miễn phí ở tiệm thì không giúp được bà con ở những nơi khác bởi khó khăn trong việc đi lại nên tôi đã quyết định phối hợp với Huyện Đoàn và các nhóm tình nguyện đi khắp nơi”, anh Khanh cho hay. 
 
Đội hình cắt tóc miễn phí Lưu Gia Khanh thường gồm 6 - 8 người, chủ yếu là thợ đang học và làm việc tại tiệm. Bên cạnh đó, trong những chương trình quy mô lớn, anh Khanh huy động cả những người học trò đã tách ra mở tiệm riêng, hay một số thợ cắt tóc nữ trên địa bàn cùng tham gia. 
 
Theo anh Khanh, điều khó nhất trong những đợt cắt tóc như vậy chính là việc các em nhỏ hay ngọ nguậy, không chịu ngồi yên khi người lạ cầm kéo cắt tóc cho mình. Nhưng rồi mãi thành quen, có những đứa trẻ mỗi năm được anh cắt một vài lần đã trở nên thân thiết. “Nhiều em nhỏ, nhất là các em người dân tộc thiểu số sau khi cắt xong thì cha mẹ chúng vô cùng bất ngờ trước sự thay đổi của con mình. Những gương mặt sáng sủa, đáng yêu tươi cười hiện ra khiến mình cảm thấy yêu nghề, yêu công việc mình đang làm rất nhiều”, anh Khanh chia sẻ.
 
Ngoài ra, mỗi năm nhóm cắt tóc Lưu Gia Khanh cũng tổ chức 3 đợt cắt tóc miễn phí cho các em học sinh ở 2 trường Tiểu học Sơn Trung và Đăng Srônh trên địa bàn. Theo thầy Lê Huỳnh Vĩnh Đức, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Đăng Srônh, mỗi lần như thế, hàng trăm em học sinh ngay ngắn xếp hàng chờ đến lượt mình. 
 
Dạy nghề miễn phí
 
Anh Lưu Gia Khanh chẳng thể nhớ hết số lượng học trò đã từng nhận dạy trong những năm qua. Bởi trong số đó, có người anh chỉ lấy 50% học phí, có người chỉ lấy đủ tiền mua sắm bộ đồ nghề, có em lại đến học hoàn toàn miễn phí... “Đơn giản là các em khó khăn quá, không khác gì hoàn cảnh của mình trước đây. Ai rồi cũng cần lấy cho mình một cái nghề để còn có tương lai, nếu không các em sẽ bị bỏ lại phía sau. Chỉ cần các em yêu mà muốn làm nghề, mình sẵn sàng nhận tại tiệm, dù là bất cứ ai”, anh Khanh nói.
 
Khác xa tưởng tượng của chúng tôi và nhiều người về một salon tóc hoành tráng, bề thế, đó là một tiệm cắt tóc nam nhỏ, nằm khá khuất tại Ngã ba Tà Hine. Trong gian nhà chỉ tầm hơn 30 m2 ấy, 2 tấm kính lớn và một số bàn, ghế bố trí đơn giản nhưng lúc nào cũng tấp nập cả khách lẫn thợ. Hỏi ra mới biết 3 trong số ấy là những thanh niên trẻ tuổi, đang được anh Khanh nhận dạy nghề miễn phí. Những câu hỏi í ới “thầy ơi cái này phải làm sao”, “thầy ơi thế này được chưa”, “thầy ơi kiểm tra lại giúp em”... Anh Khanh cũng thừa nhận rằng, từ ngày nhận nhiều học viên như thế, anh dần bớt khách. Nhưng những khách quen, hiểu được tâm tính ông chủ thì vẫn rất vui vẻ mỗi lần ghé tiệm.
 
Thoăn thoắt những đường kéo không thua kém gì một người thợ chuyên nghiệp, K’Lương (20 tuổi, Tam Bố, Di Linh), người Châu Mạ đã học ở đây được gần 1 năm. Gia đình khó khăn, từ nhỏ K’ Lương đã sống trong Làng SOS. Đang học cơ khí ở Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc nhưng em cảm thấy phù hợp nên đã nhờ người quen xin chuyển qua học cắt tóc tại tiệm Lưu Gia Khanh và nhận ra đây chính là đam mê của mình. “Học ở đây vừa không tốn tiền, lại thường xuyên được cùng thầy ra ngoài cắt tóc cho các em nhỏ tại các buôn làng. Em vui lắm! Giống hệt như hồi nhỏ ở trung tâm, em cũng được các anh chị cắt tóc như vậy”, K’Lương tâm sự. 
 
Hay như em Trần Đại Lộc, chỉ vừa tròn 15 tuổi và cũng vừa được anh Lưu Gia Khanh nhận dạy nghề miễn phí. Lộc bảo rằng, em không thể mãi làm phụ quán cà phê như trước đây, em cần có một nghề nghiệp cho tương lai của mình. Cả Lộc, và K’Lương đều mong ước sau này có thể thành nghề và tiếp tục cùng thầy của mình duy trì công việc cắt tóc miễn phí mà các em đã và đang được tham gia.
 
Hôm ấy, anh Khanh đành dở bữa cơm trưa với vợ vì sực nhớ ra hôm nay là ngày khai trương tiệm mới của một cậu học trò có tay nghề. “Có lẽ, điều giúp mình duy trì mãi việc này đó là chứng kiến các em tận tâm và trưởng thành với nghề”, anh Khanh nói.
 
HỒNG THẮM