
Từ chỗ người tiêu dùng "sính" hàng ngoại, ưa chuộng sử dụng hàng ngoại, trong khi thu nhập của người Việt chưa phù hợp thì đến nay, sau gần 10 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức và thói quen dùng hàng Việt.
Từ chỗ người tiêu dùng “sính” hàng ngoại, ưa chuộng sử dụng hàng ngoại, trong khi thu nhập của người Việt chưa phù hợp thì đến nay, sau gần 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức và thói quen dùng hàng Việt. Việc người Việt sử dụng hàng Việt còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đề cao tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc.
Để giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát về kết quả thực hiện cuộc vận động tại Lâm Đồng, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh xoay quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, được xem là cuộc vận động lớn của Bộ Chính trị, ông có đánh giá như thế nào về kết quả tích cực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh?
 |
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông |
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông: Trước hết, đó là công tác tuyên truyền có chuyển biến tích cực từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đến các cấp cơ sở. Quá trình thực hiện từ năm 2009 đến nay thấy rõ sự chuyển biến tích cực từ 3 phía: sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, vai trò triển khai của chính quyền và vai trò vận động của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội, từ đó ý thức của người dân khi tham gia mua bán trao đổi hàng hóa đều nhận rõ khi ưu tiên dùng hàng Việt sẽ kích thích để phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ dừng lại ở phong trào không thôi. Mà chuyển biến này vừa là động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương. Trong đó, Lâm Đồng xác định rõ 2 khía cạnh về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và du lịch chất lượng cao. Các sản phẩm của Lâm Đồng được thể hiện rất rõ. Cụ thể, nổi bật lên về kết quả đó là vừa qua được chứng nhận thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Cuộc vận động không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm đơn thuần, mà theo đó mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ sở sản xuất đều không còn cách nào khác là phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá cả phù hợp, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Từ 2009 đến nay, đã có sự phát triển khá toàn diện với nhiều chuyển biến tích cực từ khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động tuyên truyền, vận động, quản lý, hỗ trợ triển khai thực hiện cuộc vận động, đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân. Đa số các thành phần trong xã hội đồng tình và khẳng định cuộc vận động là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và ý chí tự lực, tự cường dân tộc… Phần lớn người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh quan tâm đến hàng hóa được sản xuất trong nước, lựa chọn hàng Việt khi tiêu dùng, thực tế cho thấy tại các mạng lưới phân phối hàng hóa tỷ lệ hàng Việt đã chiếm trên 80%. Điều đó cho thấy người dân đã ý thức được trách nhiệm, quyền lợi khi ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là hiểu rõ ưu tiên dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bước đầu hình thành nét đẹp trong văn hóa người tiêu dùng.
Đã thúc đẩy sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tổ chức giới thiệu quảng bá, phát triển hệ thống phân phối, phát triển thị trường nội địa, gắn với đề cao trách nhiệm với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm sản xuất của địa phương đã khẳng định được thương hiệu, được người tiêu dùng đánh giá cao. Người tiêu dùng đã từng bước nhận diện được chất lượng, giá trị sử dụng hàng Việt, nhất là sản phẩm địa phương Lâm Đồng không thua kém hàng ngoại và ngày càng ý thức hơn về cuộc vận động, quan tâm đến hàng Việt trong mua sắm, tiêu dùng, hạn chế tư tưởng dùng hàng ngoại.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc vận động cũng còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định, khi Lâm Đồng là tỉnh miền núi, còn nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số?
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông: Là tỉnh miền núi, trên 24% đồng bào là người dân tộc thiểu số, để giải quyết được việc bà con dân tộc thiểu số dùng hàng Việt không phải dễ dàng mà đòi hỏi sự cố gắng cao của cấp ủy, chính quyền. Quan trọng hơn là ở cách làm như thế nào để đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về với đồng bào dân tộc, điều đó liên quan đến giá cả, chất lượng hàng hóa, để bà con so sánh với các sản phẩm khác. Bà con sử dụng được hàng Việt nhưng phải phù hợp về giá cả, đây là vấn đề không dễ đối với doanh nghiệp. Hạn chế lớn nhất vẫn là một số nơi, cấp ủy còn xem nhẹ cuộc vận động, chưa coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng năm; một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và mục đích ý nghĩa của cuộc vận động, chưa hiểu rõ tác động của nền kinh tế nước ta trong xu hướng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới… dẫn đến có tư tưởng chủ quan, buông lỏng công tác lãnh, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện cuộc vận động ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa chú trọng việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt đến vùng nông thôn, các chợ, đại lý trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở kinh doanh không niêm yết danh mục hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, giá cả… làm cho người tiêu dùng khó phân biệt, không yên tâm khi lựa chọn, mua sắm. Một bộ phận cán bộ và nhân dân, nhất là giới trẻ vẫn còn có tư tưởng, tâm lý thích dùng hàng ngoại…
 |
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng vì đảm bảo chất lượng và sức khỏe. Ảnh: N.T |
PV: Để cuộc vận động thực sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả, UBMTTQ và các đoàn thể sẽ tập trung những giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông: Quá trình nhận thức là quá trình lâu dài, người dân chỉ biết sản phẩm tốt - giá cả phù hợp là thuận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là về nhận thức của cấp ủy trong tiếp tục quán triệt chủ trương, kết luận của Bộ Chính trị để làm sao nâng dần chất lượng sử dụng hàng Việt. Đây là yếu tố quan trọng mà mỗi người dân đều cần phải góp sức nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Có thể, bước đầu chất lượng sản phẩm hàng Việt chưa thực sự hoàn chỉnh nhưng quá trình cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân cùng hiểu rõ và nhận thức đúng thì sẽ góp ý cho doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm. Trong đó vai trò vận động làm thay đổi nhận thức vẫn là phương thức không thể thiếu trong suốt quá trình triển khai cuộc vận động suốt gần 10 năm nay. Làm thế nào để thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng khi sử dụng hàng nội địa và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân đó là vấn đề quan trọng tiếp tục được đặt ra trong thời gian tới. Ngoài việc sử dụng hàng Việt, người dân sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng hóa là để người Việt sử dụng và người tiêu dùng cần được bảo vệ tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất.
Để tiếp tục thực hiện tốt Kết luận 107-KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cần có các giải pháp chế tài xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; nhất là có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Lâm Đồng gắn với cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động, tạo sự lan tỏa, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
NGUYỆT THU (thực hiện)