Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt

08:09, 05/09/2018

Năm học 2018-2019 là năm học bản lề để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào năm học 2019-2020. Vì vậy, ngành Giáo dục Lâm Ðồng tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
 

Năm học 2018-2019 là năm học bản lề để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào năm học 2019-2020. Vì vậy, ngành Giáo dục Lâm Ðồng tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDÐT).
 
Đổi mới giáo dục hướng đến phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực của học sinh. Ảnh: V.Hùng
Đổi mới giáo dục hướng đến phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực của học sinh. Ảnh: V.Hùng

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Ngành Giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hành động của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT”. Trong đó, chủ động thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
 
Việc đổi mới đảm bảo các yếu tố: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GDĐT Lâm Đồng đề ra trong năm học 2018 - 2019. 
 
Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục trẻ mầm non
 
Trong những năm qua, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại các trường mầm non (MN), mẫu giáo trong toàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Đến nay, 100% các huyện, thành phố thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đồng thời thực hiện chương trình GDMN cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi vùng khó, thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS. Hiện toàn tỉnh có 103/231 trường MN đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 44,98%. Năm học 2018-2019, phấn đấu mỗi huyện/thành phố tăng ít nhất 3%, toàn tỉnh có ít nhất 50% số trường MN đạt chuẩn quốc gia.
 
Theo Phòng GDMN - Sở GDĐT: “Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bậc học MN. Trong đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ; duy trì, nâng cao tỷ lệ và chất lượng bữa ăn bán trú; xây dựng chế độ ăn cân đối, đa dạng, hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. Đồng thời, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN. Các cơ sở GDMN phát triển chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ. Chú trọng xây dựng môi trường vật chất, môi trường xã hội trong và ngoài lớp học theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Thực hiện chuyên đề “Giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong trường MN”, mỗi huyện/thành phố chọn 3 - 4 trường điểm thực hiện chuyên đề. Đồng thời triển khai nhân rộng chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường MN”. Theo đó, khai thác sử dụng hiệu quả các điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi, môi trường giáo dục phát triển vận động, tăng cường hoạt động trải nghiệm cho trẻ.
 
Ðổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh tiểu học
 
Theo Phòng Giáo dục Tiểu học (TH) - Sở GDĐT, chương trình TH sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành một cách hợp lí. Trong đó, tinh giản, lược bớt những nội dung trùng lặp, không phù hợp đối với học sinh TH nhưng không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả. Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh (HS). Đồng thời, thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục an ninh, quốc phòng trong một số môn học như: Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Lịch sử và Địa lí.
 
Song song đó là vận dụng linh hoạt, sáng tạo các mô hình, các phương pháp dạy học tích cực như: mô hình trường học mới, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học Mĩ thuật mới, dạy học theo Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục, thư viện thân thiện,... một cách linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.
 
Các trường TH tiếp tục giữ vững ổn định và phát triển dạy học theo mô hình trường học mới, khuyến khích đội ngũ giáo viên sáng tạo trong dạy học, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, kết hợp hài hòa cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phát triển phẩm chất và năng lực HS trong từng hoạt động dạy học.
 
Phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh trong đổi mới phương pháp dạy học. Ảnh: V.Hùng
Phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh trong đổi mới phương pháp dạy học. Ảnh: V.Hùng

Tiếp tục triển khai nhân rộng chương trình thư viện thân thiện theo mô hình của tổ chức Room to Read kết hợp hình thành phát triển văn hóa đọc cho HS theo Điều lệ trường tiểu học. Thực hiện các nội dung, chủ đề trải nghiệm trong trường TH theo định hướng chương trình GDPT mới.
 
Việc đánh giá HS TH tiếp tục thực hiện theo Thông tư 22. Trong đó, chú trọng kĩ năng, quy trình ra đề kiểm tra định kỳ, các kỹ thuật nhận xét, đánh giá thường xuyên trên lớp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm quản lí kết quả giáo dục và học tập của HS để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến HS và đổi mới phương pháp dạy học. Triển khai ứng dụng phần mềm hỗ trợ nhận xét, đánh giá HS theo Thông tư 22 kết hợp thực hiện báo cáo thống kê EQMS.
 
Ða dạng hóa các hình thức giáo dục trung học
 
Thực hiện đổi mới giáo dục, theo Phòng Giáo dục Trung học - Sở GDĐT, cần tiếp tục thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của HS. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
 
Để thực hiện đổi mới giáo dục thành công, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) đóng vai trò tiên quyết. Do vậy, công tác bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên trong việc tiếp cận với những yêu cầu của đổi mới giáo dục được chú trọng. Qua đó, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi của đơn vị, làm nòng cốt trong giảng dạy, thực hiện các hoạt động giáo dục liên quan đến đổi mới GDĐT.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trung học. Khuyến khích triển khai dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (như Toán và các môn khoa học) bằng ngoại ngữ tại các trường THPT chuyên và các trường THCS, THPT có đủ điều kiện. Tiếp tục nâng cao năng lực giáo viên ngoại ngữ, ưu tiên môn tiếng Anh để đáp ứng việc triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tại địa phương, cơ sở giáo dục.

Kết quả nổi bật về thi đua - khen thưởng năm học 2017-2018
 
1. Tập thể
 
- Sở Giáo dục và Đào tạo được tặng Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo (6 năm liên tục từ 2013-2018 được tặng Cờ thi đua của Bộ GDĐT).
 
- 1 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
 
- 53 trường, đơn vị trực thuộc Sở được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, trong đó có 21 tập thể được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc.
 
- 3 tập thể, 37 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
 
2. Cá nhân
 
- 3.065 cá nhân được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, trong đó có 454 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 27 cá nhân được đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

VIỆT HÙNG