Bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh

08:09, 11/09/2018

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ðức Trọng là trường chuyên biệt, với hầu hết là con em các đồng bào dân tộc thiểu số đến học tập và ăn ở tại trường. Với đặc thù trên, những năm qua, công tác bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh luôn được nhà trường chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ðức Trọng là trường chuyên biệt, với hầu hết là con em các đồng bào dân tộc thiểu số đến học tập và ăn ở tại trường. Với đặc thù trên, những năm qua, công tác bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh (HS) luôn được nhà trường chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Các em học sinh chăm sóc thảm hoa trong khuôn viên nhà trường. Ảnh: N.M
Các em học sinh chăm sóc thảm hoa trong khuôn viên nhà trường. Ảnh: N.M

Theo cô giáo Nguyễn Thị Tuyến - Hiệu trưởng nhà trường, những năm qua, ngoài nỗ lực truyền dạy kiến thức cho các em, trường cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trải nhiệm sáng tạo, để các em từng bước tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, qua đó giáo dục kỹ năng sống cho các em với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, phong phú.
 
Cụ thể, ngay từ đầu năm học, trường đã xác định và lựa chọn cách thức tổ chức như: Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể (chào cờ đầu tuần, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, các hội thi, cắm trại, giao lưu tập thể...) hoặc thông qua các hoạt động đoàn thể và hoạt động chính trị - xã hội; văn hóa - thể thao, trải nghiệm thực tế... Qua đó, giúp các em học sinh phát triển kỹ năng sống một cách tự nhiên, sinh động, nhẹ nhàng, không gò bó, khô cứng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, cũng như nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.
 
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết thêm, trong quá trình giáo dục kỹ năng sống cho các HS, nhà trường đặc biệt chú trọng đến các em khối lớp 6 mới được tuyển vào trường. Lần đầu tiên xa gia đình, bước vào môi trường nội trú, sẽ không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ, chưa quen với môi trường sống tập thể nên hầu hết các em đều thiếu kỹ năng tự chăm sóc và rèn luyện bản thân. Vì vậy, ngay từ khi HS mới nhập học, nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS lớp trên đón tiếp, hướng dẫn các em lớp 6 tham gia hoạt động trải nghiệm để rèn các kỹ năng như: Sắp xếp đồ dùng cá nhân, vật dụng được cấp phát, chăn màn sao cho ngăn nắp, gọn gàng; phân công nhân viên y tế hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân; cách xử lý tình huống khó khăn gặp phải hay khi bị đau ốm tại trường...
 
Ngoài ra, các thầy cô phụ trách công tác quản lý nội trú, nhân viên cấp dưỡng còn hướng dẫn HS cách ăn uống sao cho thật khoa học, lịch sự, tránh rơi vãi; giáo viên chủ nhiệm thì hướng dẫn các em cách thực hiện các nội quy: học sinh, nội trú, nhà ăn... Qua đó từng bước giúp các em hòa nhập nhanh với cuộc sống nội trú, bước đầu hình thành thói quen tự lập, tự chủ và yên tâm theo học tại trường.
 
Trong suốt cả năm học, trường cũng tổ chức cho HS tham gia nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, các cuộc thi, hội thi trong và ngoài nhà trường như: Hội khỏe Phù Đổng, thi khoa học - kỹ thuật; trò chơi dân gian, thi giai điệu tuổi hồng, văn nghệ đêm trung thu, gói bánh chưng, kể chuyện sách, làm và cắm hoa bằng giấy tặng mẹ và cô... Hay phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức cho HS tham gia Ngày sách Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú như: Tham quan triển lãm sách, tham gia hoạt động đọc sách, tham gia xếp sách nghệ thuật... Các hoạt động này đã góp phần thu hút HS, hình thành cho các em kỹ năng hợp tác, giao tiếp.
 
Cùng đó, nhà trường còn tổ chức cho HS tham gia các hoạt động tại địa phương: Tham gia biểu diễn văn nghệ; thực hiện ngày môi trường thế giới bằng việc làm thiết thực như: nhặt rác, gom túi nilon xung quanh tổ dân phố; tham gia trồng cây nhớ Bác tại khu vực xã Liên Hiệp ngày 19/5... Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hình thức lao động phong phú, như: Lao động tự phục vụ, lao động nghĩa vụ, lao động sản xuất và lao động hướng nghiệp bao gồm: Sắp xếp, trực phòng ở nội trú; trực vệ sinh trường, lớp, nhà ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh HS...; tổ chức cho các nhóm HS tham gia trồng và tỉa cây cảnh, chăm sóc thảm hoa; tổ chức cho các em trồng và chăm sóc rau, bắp, nuôi heo... sau giờ học. Rau các em trồng là nguồn cung cấp cho nhà bếp trong suốt năm học. “Trong năm học vừa qua, các em đã trồng và thu được 1.766 kg rau, tương đương hơn 17 triệu đồng. Số tiền này tuy chưa nhiều, song bước đầu đã thể hiện được môi trường học gắn với sản xuất - kinh doanh, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức cho các em trồng và chăm sóc lan rừng - một ý tưởng khởi nghiệp bởi lan rừng là thế mạnh tự nhiên của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng chưa được khai thác đúng mức. Từ ý thức này đã phần nào giúp định hướng nghề nghiệp cho các em, và cũng góp phần tôn tạo cảnh quan nhà trường luôn xanh - sạch - đẹp” - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyến nói. 
 
N.MINH