Tiền đề để thực hiện chương trình giáo dục tiểu học mới

08:09, 05/09/2018

Trong những năm học qua, giáo dục tiểu học Lâm Ðồng luôn tiên phong áp dụng đổi mới phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo mô hình trường học mới tại 174 trường TH, áp dụng phương pháp "bàn tay nặn bột" vào dạy học các môn Khoa học, Tự nhiên và Xã hội, dạy học Mĩ thuật theo Dự án của Ðan Mạch và đổi mới đánh giá học sinh TH theo Thông tư 22. 

Trong những năm học qua, giáo dục tiểu học (TH) Lâm Ðồng luôn tiên phong áp dụng đổi mới phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo mô hình trường học mới tại 174 trường TH, áp dụng phương pháp “bàn tay nặn bột” vào dạy học các môn Khoa học, Tự nhiên và Xã hội, dạy học Mĩ thuật theo Dự án của Ðan Mạch và đổi mới đánh giá học sinh TH theo Thông tư 22. Ðây là yếu tố để Lâm Ðồng được Bộ GDÐT lựa chọn thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và các chương trình dự án khác như Chương trình SEQAP, chương trình thư viện thân thiện trường TH, là tiền đề để thực hiện chương trình giáo dục TH mới.
 
Thầy Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTH Bộ GDĐT trao đổi với các em học sinh lớp 3 Trường TH Nghĩa Hiệp, huyện Đức Trọng
Thầy Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTH Bộ GDĐT trao đổi với các em học sinh lớp 3 Trường TH Nghĩa Hiệp, huyện Đức Trọng

Năm học 2017-2018, Lâm Đồng có 255 trường TH và 15 trường TH-THCS, 121.417 em học sinh (HS) với HS dân tộc thiểu số là 32.882 em, tỉ lệ 27,08%. Tổng số giáo viên (GV) 6.328 người, tỉ lệ bình quân 1,5 GV/lớp, số GV đạt chuẩn 6.327/6.328, tỉ lệ 99,9%, trên chuẩn 5.792/6.328, tỉ lệ 91,5%. Chất lượng giáo dục và hiệu quả hàng năm được củng cố và phát triển, đảm bảo quy định về chuẩn kiến thức, kĩ năng. Tỉ lệ HS hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,9%, hoàn thành chương trình TH đạt 100%. Số trường dạy học 2 buổi/ngày (10 buổi/tuần) đạt tỉ lệ 52%, số trường còn lại tổ chức dạy học bình quân 7-8 buổi/tuần. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên TH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
 
Năm học 2018-2019 là năm học bản lề rất quan trọng để các trường TH chuẩn bị mọi điều kiện thật tốt nhằm triển khai chương trình GDPT mới bắt đầu từ lớp 1 năm học 2019-2020. Cấu trúc của chương trình TH mới là dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần). Để thực hiện chương trình mới có hiệu quả, cần chuẩn bị tốt cả 4 yếu tố như: Cơ sở vật chất trường lớp bình quân đạt 1,0 phòng học/lớp; chương trình, tài liệu dạy học thực hiện linh hoạt theo vùng miền; công tác quản lý, quản trị trường học đổi mới; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn cả trình độ chuyên môn và kĩ năng sư phạm, trong đó đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng cho thành công của chương trình. Để chuẩn bị thực hiện chương trình mới đạt hiệu quả, đội ngũ GV TH phải được bồi dưỡng cả về kiến thức chuyên môn và kĩ năng sư phạm.
 
Trong quá trình bồi dưỡng, các trường TH không những chú ý trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực cho GV, trong đó bồi dưỡng kĩ năng tổ chức các hoạt động dạy học, kĩ năng xây dựng lựa chọn nội dung chương trình dạy học, khuyến khích tính sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả của mỗi GV. Các trường học cần thực hiện tốt quản lý hoạt động dạy học, quản lý hoạt động chuyên môn, trong đó cần phát huy vai trò nòng cốt của các tổ khối chuyên môn để có nhiều hoạt động đóng góp cho các trường học thực hiện linh hoạt, hiệu quả, chất lượng. 
 
Chương trình môn học của TH thiết kế đổi mới phương pháp dạy học, GV tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học kết hợp đổi mới đánh giá học sinh TH là yếu tố của chương trình GDPT mới, trong đó chú trọng áp dụng các kỹ thuật nhận xét đánh giá HS diễn ra trong từng hoạt động học.
 
Dạy học không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, trong đó chú ý các phẩm chất “chăm học, chăm làm, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật”, các năng lực “hợp tác, tự quản, tự học và giải quyết vấn đề”. Trong dạy học chương trình GDPT mới thì 3 yếu tố: kiến thức, phẩm chất, năng lực của HS phải được hình thành, phát triển và vững như “kiềng 3 chân”.
 
Muốn hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất của HS TH theo Thông tư 22, các trường TH phải tạo được sân chơi cho các em HS, để từ đó các em được hình thành các kĩ năng sống thông qua các hoạt động thực tiễn, trong đó tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần tổ chức có kế hoạch cụ thể với các nội dung, chủ đề hợp lý để chính các em được tham gia, được tự hoàn thiện bản thân mình.
 
Trong các năng lực cần phát triển cho HS, năng lực tự học và giải quyết vấn đề là rất quan trọng, hình thành tốt năng lực này ở bậc TH chính là tiền đề để các em học tốt cấp THCS và THPT. Kết quả trong các năm học vừa qua, học sinh Lâm Đồng luôn đạt kết quả cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế cũng như các em luôn bình tĩnh tự tin làm bài trong các kỳ thi chính là nhờ năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề.
 
Để hoàn thành nhiệm vụ năm học, hiệu trưởng các trường TH phải thực sự trách nhiệm và cầu tiến, là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho đội ngũ GV. Mỗi cán bộ quản lý phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới của ngôi trường mình phụ trách. Xây dựng mỗi trường TH là một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng, tạo ra một “Thương hiệu riêng” của nhà trường để đội ngũ các thầy cô giáo tự hào, tin tưởng, phấn khởi cống hiến cho hoạt động dạy học; “mỗi tiết học là một hoạt động nghệ thuật sáng tạo trong dạy học của giáo viên” để các em HS thấy hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
 
Kết quả năm học 2017-2018 là động lực, sự quyết tâm, một bước tiến mới để giáo dục TH Lâm Đồng tiếp tục thực hiện kỷ cương trong dạy học và đánh giá học sinh, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực là tiền đề để thực hiện chương trình giáo dục TH mới bắt đầu từ lớp 1 năm học 2019-2020 đạt kết quả.
 
NGUYỄN DUY HẢI