Ðam Rông: "Thất bại" trong thực hiện chỉ tiêu trồng rừng

09:09, 05/09/2018

Bước vào tháng 9, cũng là lúc hoạt động trồng rừng trong năm kết thúc. Năm 2018, diện tích được phân bổ trồng rừng của Ðam Rông là 73 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 8 chỉ có 20 ha được trồng theo kế hoạch. Không chỉ "thất bại" trong thực hiện chỉ tiêu trồng rừng năm 2018, mà nửa nhiệm kỳ qua kết quả thực hiện nhiệm vụ này của huyện Ðam Rông cũng hoàn toàn không đạt được con số đề ra. 

Bước vào tháng 9, cũng là lúc hoạt động trồng rừng trong năm kết thúc. Năm 2018, diện tích được phân bổ trồng rừng của Ðam Rông là 73 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 8 chỉ có 20 ha được trồng theo kế hoạch. Không chỉ “thất bại” trong thực hiện chỉ tiêu trồng rừng năm 2018, mà nửa nhiệm kỳ qua kết quả thực hiện nhiệm vụ này của huyện Ðam Rông cũng hoàn toàn không đạt được con số đề ra. 
 
Trạm quản lý bảo vệ rừng ươm cây giống để trồng rừng
Trạm quản lý bảo vệ rừng ươm cây giống để trồng rừng

Cần phủ xanh hơn 700 ha rừng mới đạt chỉ tiêu Nghị quyết
 
Tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đam Rông khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (viết tắt là NQ), nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra đã được lãnh đạo huyện Đam Rông chỉ ra. Trong đó, độ che phủ rừng đạt trên 63,9% (NQ trên 65%). Theo báo cáo của Huyện ủy Đam Rông, sản xuất lâm nghiệp là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu ở địa phương này, tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, giao khoán và bảo vệ rừng. 
 
Từ các nguồn vốn ngân sách và các thành phần kinh tế, nhiều năm qua, Đam Rông đã trồng được hơn 441 ha rừng tập trung. Năm 2017, giao khoán trên 38 ngàn ha cho 3 đơn vị, 1 cộng đồng dân cư và trên 2.400 hộ dân. Tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 253 tỷ đồng, đạt 58,4% NQ.
 
Mặc dù chỉ tiêu này đến cuối nhiệm kỳ rất khó thực hiện, song Huyện ủy Đam Rông xác định không điều chỉnh xin giảm chỉ tiêu NQ. 
 
Ngay tại hội nghị, đồng chí Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông đã yêu cầu những nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị liên quan trong thực hiện chỉ tiêu trồng rừng. Đến cuối nhiệm kỳ chỉ tiêu nào không đạt sẽ xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
 
Trong tổng số 73 ha diện tích trồng rừng được phân bổ cho Đam Rông, Ban Quản lý rừng Phi Liêng được giao trồng 25 ha diện tích rừng sau giải tỏa (hiện đã trồng được 15 ha và 20 ha diện tích trồng rừng thay thế (hiện đã trồng được 5 ha). Chỉ tiêu giao Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sêrêpôk trồng 10 ha rừng sau giải tỏa và 18 ha rừng thay thế.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Ban QLRPH Sêrêpôk được giao quản lý trên 52.600 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có trên 21 ngàn ha rừng phòng hộ, trên 31 ngàn ha rừng sản xuất. Hiện có 10 trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban đóng trên địa bàn 6 xã thuộc huyện. Do diện tích quản lý lớn nên hoạt động của Ban QLRPH Sêrêpôk gần như đóng vai trò quyết định đối với việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến trồng rừng của Đam Rông.
 
Để đạt tỷ lệ che phủ rừng 65%, Đam Rông cần phủ xanh hơn 700 ha rừng, tương đương với 1,1%. Trong khi hằng năm các chủ rừng chỉ trồng được vài chục ha rừng. Đến tận cuối tháng 8, khi thời gian thực hiện nhiệm vụ trồng rừng của năm 2018 đi vào những ngày cuối cùng nhưng “vẫn chưa có cây rừng nào được trồng xuống đất”, ông Vũ Công Tuấn - Phó Trưởng Ban QLRPH Sêrêpôk nói.
 
Cụ thể, năm 2018 Ban QLRPH Sêrêpôk chỉ được giao trồng 28 ha rừng. Thế nhưng, trên thực tế đến thời điểm hiện tại mới chỉ đào hố được khoảng 3 ha rừng trồng sau giải tỏa. Còn 18 ha rừng thay thế đã xử lý thực bì nhưng chưa kịp đốt nên gần như không thể tiến hành các bước để trồng rừng. Theo ông Vũ Công Tuấn, việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng của Đam Rông “u ám” là do kế hoạch phân bổ trồng rừng của tỉnh đến muộn khoảng tháng 4, thời điểm này trên địa bàn huyện xảy ra hiện tượng mưa nhiều, Ban QLRPH Sêrêpôk chưa xử lý thực bì kịp nên chưa thể tiến hành trồng được. Bên cạnh đó, việc trồng rừng không mang lại hiệu quả như mong đợi là do thiếu vốn nên không thể thực hiện việc thuê tư vấn, lập hồ sơ dự án. Ngoài ra, công tác triển khai trồng rừng 30A còn gặp nhiều khó khăn do UBND các xã gửi danh sách đăng ký trồng rừng về đơn vị còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác lập hồ sơ thiết kế ban đầu; công tác thẩm định hồ sơ thiết kế trồng rừng còn chậm, chưa đồng bộ. Việc vận động nhân dân trồng rừng gặp nhiều khó khăn, do “dân không còn mặn mà với rừng 30A”, một số hộ tự ý chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp như cà phê. 
 
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
 
Tuy vậy, cũng theo Ban QLRPH Sêrêpôk, việc thực hiện kế hoạch trồng rừng đã được Ban xây dựng và trình lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nhiệm kỳ 5 năm. Bên cạnh đó, kế hoạch chi tiết hàng năm sẽ được Ban xây dựng từ cuối năm trước để có kế hoạch chi tiết vào đầu năm tiếp theo. Trao đổi với chúng tôi về điều này, ông Nguyễn Trọng Đức - Phó Trưởng Ban QLRPH Sêrêpôk cho rằng: “Do vấn đề hồ sơ còn nhiều vướng mắc, phía Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu phải làm đi làm lại nhiều lần dẫn đến kế hoạch trồng rừng của đơn vị bị chậm”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Đức không có sự lý giải cụ thể cho việc vướng mắc này do Ban hay do đâu. Riêng về 3 ha đã đào hố ông Đức khẳng định sẽ huy động lực lượng đảm bảo trồng xong vào đầu tháng 9. Còn về diện tích trồng rừng năm 2018 không đạt và chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ không đạt, phía Ban sẽ chịu trách nhiệm theo nội dung chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Hởi - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chắc chắn chỉ tiêu về trồng rừng của huyện năm 2018 sẽ không đạt. Một phần là do các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa nghiên cứu chính sách đối với trồng rừng để triển khai tại địa phương dẫn đến kế hoạch thực hiện đạt thấp. Phần nữa là do trong quá trình triển khai trồng rừng thay thế, công tác chọn hiện trạng trồng rừng của các đơn vị chưa phù hợp với mục tiêu trồng thay thế, một số diện tích trồng xen lẫn trong hiện trạng rừng Ic và IIa (hiện trạng không cho phép trồng rừng tập trung) và một số diện tích lại trồng trên đất rẫy của hộ dân. Nếu trách nhiệm thuộc về ai thì xử lý người đó. 
 
“Rút kinh nghiệm năm này, thời gian tới, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phải chủ động trong mọi phương án trồng rừng để khi có được phân bổ nguồn vốn sẽ tập trung làm tốt công tác trồng rừng… Để đạt mục tiêu về độ che phủ, ngoài việc trồng rừng thì phương án tốt nhất của huyện là có thể đưa diện tích rừng lồ ô khoanh nuôi tái sinh để trở thành rừng trong khi huyện không có nguồn vốn” - Chủ tịch UBND huyện cho hay. 
 
HOÀNG MY - HOÀNG YÊN