Đổi thay ở Hang Hớt

05:06, 22/06/2018

(LĐ online) - Thôn Hang Hớt, xã Mê Linh là địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn của huyện Lâm Hà. Những năm qua, việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương này còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân thiếu đất sản xuất, không chủ động được nguồn nước nên năm nào khô hạn thì đồng nghĩa với thất thu, đói kém.

(LĐ online) - Thôn Hang Hớt, xã Mê Linh là địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn của huyện Lâm Hà. Những năm qua, việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương này còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân thiếu đất sản xuất, không chủ động được nguồn nước nên năm nào khô hạn thì đồng nghĩa với thất thu, đói kém. Ngoài ra, một số hộ dân vẫn còn thói quen du canh, du cư, bởi vậy tình trạng chặt phá rừng lấy đất làm nương rẫy đã làm địa phương bất ổn trong một thời gian khá dài.
 

Tuy nhiên, trở lại Hang Hớt trong những ngày đầu mùa mưa, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy không khỏi bất ngờ trước những đổi thay nhanh chóng của vùng đất được xác định là nhóm “về sau” của huyện Lâm Hà trong xây dựng nông thôn mới. Ấn tượng đầu tiên là con đường nối liền trung tâm xã Mê Linh dẫn vào thôn đã được khởi công xây dựng (dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành), ngay đầu thôn ngôi Trường Tiểu học Cilcus trên khuôn viên rộng gần 01 ha sắp hoàn thành với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Ngoài ra, không ít con đường giao thông liên thôn đã được bê tông hóa…
 
Trao đổi với đoàn công tác, ông K’Bôn - Bí thư thôn phấn khởi nói: được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ về vốn, vật tư, giống; các chương trình 30 a, 135 của Chính phủ về hỗ trợ sản xuất được thực hiện nghiêm túc và giám sát chặt chẽ; các đoàn thể của huyện tổ chức lớp học xóa mù chữ góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhận thức và chấp hành pháp luật của nhân dân đặc biệt là đối với bà con người đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân nhằm nâng cao năng suất cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả… Nhờ vậy đời sống của 162 hộ, với 745 khẩu trong thôn đã đi vào ổn định, tình hình an ninh trật tự được giữ vững. 
 
Nhờ được cập nhật kiến thức về khoa học kỹ thuật và sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Cil Ha Trong đã chuyển đổi mô hình sản xuất, vừa cà phê kết hợp với trồng dâu nuôi tằm. Trao đổi với đồng chí Trần Văn Hiệp - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Cil Ha Trong làm một phép tính nhanh, gia đình có 5 sào (3 sào trồng cà phê, 2 sào trồng dâu nuôi tằm), cà phê cho thu nhập trung bình khoảng 40 triệu/năm và 70 triệu/năm đối với dâu tằm - chưa giàu nhưng cuộc sống ổn rồi cán bộ. Anh còn cho biết thêm, thế mạnh của thôn trước đây vẫn là cây cà phê, tuy nhiên giờ còn có thêm nhiều mặt hàng nông sản khác như tiêu, rau, hoa,… và nhiều gia đình giống như anh đang có thu nhập ổn định từ nghề trồng dâu nuôi tằm.
 
“Những thành quả bước đầu của Hang Hớt đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đảng viên tại địa phương trước những khó khăn của nhân dân, thường xuyên bám sát cơ sở, mạnh mẽ trong vận động, tuyên truyền và đồng lòng, đồng tình trong triển khai thực hiện” - Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hải chia sẽ.
 

Trao đổi với lãnh đạo xã, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Văn Hiệp đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tại địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định về mặt chỗ ở, tạo được sự  bình yên trong cuộc sống và nhấn mạnh “khi cuộc sống khá dần lên thì những bất ổn sẽ dần đi xuống”, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, thâm canh, xen canh để tăng giá trị trên một diện tích đất; quan tâm đến cảnh quan, vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe trong nhân dân.
 
Đồng thời, đồng chí Trần Văn Hiệp đã khái quát về cách làm của nhiều đơn vị, địa phương có điều kiện tương đồng với Mê Linh để có sự so sánh, học tập kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, làm tốt công tác giảm nghèo nhanh, bền vững… Hiện, Hang Hớt còn 54 hộ nghèo, địa phương cần có lộ trình thích hợp để xóa nghèo và đề nghị phải giải quyết dứt điểm 9 hộ có nhu cầu triển khai mô hình trồng dâu, nuôi tằm nhưng chưa được hỗ trợ về giống, kỹ thuật.
 
Vương Tôn Kiên