
Trong trái tim của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau, mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long".
Trong trái tim của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau, mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”. Trải qua bao cuộc bể dâu, hôm nay, các thế hệ cháu con vẫn tiếp tục viết nên những trang sử cho mối quan hệ Việt - Lào “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962 và mặc dù tình hình thế giới có rất nhiều đổi thay, song dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào vẫn chung lòng chung sức, kề vai sát cánh trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Năm 2017, Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” được tổ chức. Đó là cơ hội để nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói riêng ghi lại những dấu mốc lịch sử vẻ vang cũng như viết tiếp những mong muốn, nghĩ suy cho thêm tươi xanh mối quan hệ hai nước.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Ngay sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành công văn về tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi để chỉ đạo, triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh. Sau gần 4 tháng phát động và tổ chức (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2017), toàn tỉnh đã thu được trên 6 ngàn bài dự thi. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi. Nhiều đơn vị đã thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi để chấm bài thi và lựa chọn bài thi xuất sắc nhất tham gia cuộc thi cấp tỉnh. Các bài dự thi đều bám sát vào 12 chủ đề theo thể lệ cuộc thi, được các tác giả chuẩn bị công phu, chu đáo. Trong đó có nhiều bài viết đã cung cấp thêm được nhiều tài liệu quan trọng về mối quan hệ Việt - Lào. Đặc biệt, nhiều bài viết đã thể hiện những kỷ niệm sâu sắc về sự việc, người thật, việc thật trong quá trình công tác và chiến đấu trên đất bạn Lào anh em, có sự liên hệ sâu sắc về đóng góp của nhân dân Lâm Đồng trong quá trình xây dựng tình đoàn kết gắn bó với các địa phương của Lào; qua đó góp phần tô thắm tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào”.
Sau khi chấm sơ loại, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đã chọn 470 bài vào chấm sơ khảo theo từng nhóm chủ đề đảm bảo tính công bằng và khách quan. Qua đó, đã chọn trao 5 giải tập thể cho các địa phương, đơn vị có số lượng bài nhiều và đạt chất lượng cao; 16 giải cá nhân. Trên cơ sở đó, chọn 30 bài xuất sắc nhất tham gia thi toàn quốc.
Chị Trần Thị Hồng (SN 1964) - Phó Phòng Thanh tra bảo vệ và Pháp chế, Công ty Điện lực Lâm Đồng, người đoạt giải nhất cuộc thi này tại Lâm Đồng chia sẻ: “Quá trình thực hiện bài dự thi mình đã phải tìm và đọc rất nhiều tài liệu. Nhờ vậy mình càng hiểu rõ hơn lịch sử, tầm vóc mối quan hệ Việt - Lào. Thế mới thấy trân trọng thành quả và giá trị mối quan hệ hàng chục năm qua lãnh đạo và nhân dân hai nước cùng vun đắp, từ đó thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với việc đóng góp cho sự tươi xanh, bền vững của mối quan hệ anh em vô cùng tốt đẹp này”.
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đây là cuộc thi có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ hai nước về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước; góp phần vun đắp tình hữu nghị thủy chung giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào.
Cuộc thi khép lại, nhưng dư âm của nó đã mở ra trang mới mà ở đó nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng cùng nhân dân cả nước viết tiếp những mốc son vàng trong mối quan hệ hai nước Việt - Lào: Tình sâu hơn cả Hồng Hà - Cửu Long.
Ông Trương Minh Sơn (sinh năm 1946): Nhớ mãi tình cảm của nhân dân Lào
“Mặc dù tôi chỉ có hơn 6 tháng (1966-1967) trực tiếp tham gia chiến đấu ở Lào, nhưng những kỷ niệm “chia nhau từng củ sắn lùi” với nhân dân Lào là những ký ức khó có thể quên. Ngày đó, chúng tôi vừa chiến đấu, vừa làm công tác dân vận nên luôn gần dân, cùng ăn, cùng ở với dân. Nếu không dựa vào nhân dân Lào thì có lẽ bộ đội Việt Nam sẽ không làm được chuyện lớn, bởi những ngày gian nan đó, người dân Lào sẵn sàng cho sắn, cho gạo, bao bọc, cưu mang bộ đội Việt Nam. Nhờ sự đoàn kết giữa bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào, người dân Lào lại giúp đỡ bộ đội hết mình mà cuộc chiến tranh ác liệt mới giành được thắng lợi, thành công. Đến nay, tôi luôn tự hào khi sự hy sinh của bộ đội Việt Nam đã được Chính phủ Lào ghi nhận bằng những huân chương, huy chương mà gần 100 anh em ở Lâm Đồng được trao”.
Ông Phạm Văn Bổn (sinh năm 1948): Bảo vệ nước bạn như bảo vệ đất nước mình
“Từ lúc đất nước còn khó khăn, Việt Nam đã có mối liên hệ mật thiết với Lào. Trong chiến tranh chống Mỹ, 2 dân tộc cũng đã kề vai sát cánh. Chính vì vậy, bộ đội Việt Nam trên chiến trường nước Lào lúc đó đã chiến đấu hết sức mình trên tinh thần tự nguyện, cùng chung chiến hào với quân và nhân dân Lào bằng tinh thần đoàn kết. Chúng tôi đã chiến đấu bảo vệ đất nước bạn như bảo vệ chính đất nước mình, giữ vững tinh thần đó để vượt qua cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt. Mặc dù không có nhiều điều kiện cũng như thời gian tiếp xúc nhiều với nhân dân Lào, nhưng những tình cảm, mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa 2 dân tộc vẫn luôn là động lực cho bộ đội Việt Nam chiến đấu mạnh mẽ và quả cảm. Đến bây giờ, khi hòa bình lập lại, những người lính chúng tôi luôn cảm thấy mãn nguyện khi tình hữu nghị anh em đó vẫn được duy trì và phát triển”.
Ông Võ Ðăng Thạnh (sinh năm 1957): Mong muốn được quay lại thăm chiến trường xưa
“Gần 3 năm tham gia chiến đấu tại Lào (từ cuối năm 1978 đến năm 1981) là khoảng thời gian giúp tôi cảm nhận sâu sắc mối quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc Lào và Việt Nam. Nhân dân và quân đội Lào vô cùng chân thành, luôn dành cho bộ đội Việt Nam những tình cảm chân thành nhất, coi như người nhà. Chính vì vậy mà khi chia tay, cả người dân Lào và bộ đội Việt Nam đều không khỏi lưu luyến. Những tình cảm đó được duy trì đến tận bây giờ, khi mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng mật thiết, gắn bó. Tôi luôn mong muốn có cơ hội được quay lại chiến trường xưa, gặp lại những người dân, những người bạn Lào đã từng cùng chiến đấu, kề vai sát cánh trong chiến tranh ác liệt. Người dân Lào tình cảm nhưng vẫn có một bộ phận người dân còn nghèo và lạc hậu, đây là lúc dân tộc Việt Nam nên đưa tay ra, giúp Lào đào tạo thế hệ trẻ biết về nghề y hay kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến”.
|
NGỌC NGÀ - VIỆT QUỲNH