Tín hiệu vui sau 15 năm đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:05, 08/05/2018

Ðường sá, nhà cửa khang trang, tỷ lệ hộ nghèo giảm... là những minh chứng sống động cho 15 năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị để mang lại đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng.

Ðường sá, nhà cửa khang trang, tỷ lệ hộ nghèo giảm... là những minh chứng sống động cho 15 năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị để mang lại đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn đó những khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo động lực cho đồng bào DTTS vươn lên. 
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi bà con DTTS ở thôn K67 xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng. Ảnh: N.N
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi bà con DTTS ở thôn K67
xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng. Ảnh: N.N

Nhiều nguồn lực đầu tư vào vùng DTTS
 
Lấy năm 2003 là cột mốc để xem xét bức tranh toàn cảnh vùng đồng bào DTTS cho thấy, vào thời điểm đó, toàn tỉnh có 49 xã, 64 thôn diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 24% (theo tiêu chí mới), nhiều hộ đói giáp hạt; nhiều xã chưa có trường học, trạm y tế và bác sĩ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên 30%, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; giao thông đến trung tâm nhiều xã phần lớn chỉ đi được mùa nắng. Tỷ lệ hộ vùng đồng bào DTTS dùng nước hợp vệ sinh dưới 50%, tỷ lệ dùng điện dưới 60%...
 
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - cơ quan tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy về công tác dân tộc: Trong 15 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, bằng nhiều nguồn lực, Lâm Đồng đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. 
 
Cụ thể, trong thực hiện phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, Chương trình 135 có tổng vốn đầu tư trên 97 tỷ đồng tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), thôn đặc biệt khó khăn. Chương trình 134 với tổng vốn đầu tư trên 78 tỷ đồng để xóa 15 ngàn căn nhà tạm; cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi còn quỹ đất, khai hoang phục hóa, thu hồi đất từ những dự án không có hiệu quả để giao cho đồng bào DTTS nghèo thiếu đất; tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi, xuất khẩu lao động… Chương trình các mặt hàng chính sách miền núi (Chương trình 168), hàng cấp không thu tiền, với trên 134 ngàn khẩu được hỗ trợ. Các chương trình cho vay vốn, chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên, chính sách đối với người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số... cũng được thực hiện với hàng trăm tỷ đồng trong vòng 15 năm. 
 
Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo, Lâm Đồng đã tập trung nguồn vốn, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu, xóa nhà tạm, giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS còn thiếu đất. Tổ chức hướng dẫn cho hộ nghèo cách làm ăn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn và cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; hỗ trợ học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo… Ngoài 8 xã thuộc huyện Đam Rông được đầu tư theo chương trình của Trung ương, Lâm Đồng đã xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cho 29 xã và 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% để tạo điều kiện thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo vùng DTTS.
 
Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế hàng hóa từng bước hình thành và phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào DTTS dần được ổn định và từng bước cải thiện.
 
Sau 15 năm, số hộ nghèo đồng bào DTTS giảm đáng kể, hộ giàu tăng lên hàng năm. Đến cuối năm 2017, giảm còn 12,2%, không còn hộ đói; 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 70% số hộ đồng bào DTTS được dùng điện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả hai mùa khô và mùa mưa, nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã có đường bê tông nhựa...
 
Còn không ít bất cập nảy sinh
 
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Ban Dân vận Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân còn ở mức cao. Sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nên thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS còn thấp. 
 
Lý giải về điều này, Ban Dân tộc tỉnh - Cơ quan trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh về việc thực hiện các chương trình đầu tư vào vùng DTTS cho rằng: Nhìn chung, hiện nay nguồn vốn đầu tư cho vùng DTTS còn dàn trải, chưa tập trung, hiệu quả đầu tư chưa cao. Công tác quản lý các chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn còn hạn chế; chưa lồng ghép tốt giữa các chương trình đầu tư cùng địa bàn, cùng đối tượng thụ hưởng. Cơ cấu vốn đầu tư chưa hợp lý, chủ yếu là dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất ít, dẫn đến sản xuất chậm phát triển, thu nhập thấp. 
 
Bên cạnh đó, tại các địa phương còn tồn tại nhiều khó khăn khác nhau. Tại huyện Lạc Dương, ông Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Vùng đồng bào DTTS tại địa phương tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập thấp; tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân... Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân còn thiếu đất sản xuất, vốn, khoa học kỹ thuật và thiếu đầu ra cho sản phẩm; sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể chưa quyết liệt, tinh thần trách nhiệm chưa cao. 
 
Riêng tại huyện nghèo Đam Rông, ông Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông bày tỏ: Trong khi huyện vẫn đang là huyện nghèo, việc định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân tại chỗ gặp nhiều khó khăn thì còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi luồng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Từ trước khi thành lập huyện cho đến nay đã có 1.323 hộ với 6.670 khẩu di cư vào, chủ yếu là đồng bào các DTTS Mông, Dao, Tày, Nùng. Họ sống thành từng nhóm rải rác trong rừng sâu nên gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, phá vỡ kế hoạch, quy hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nguồn vốn đầu tư vào vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh rất nhiều, có những địa phương được đầu tư từ sớm, song sự phát triển vẫn không được như kỳ vọng. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị liên quan, cũng như các địa phương cần xác định mục tiêu cụ thể có tính khả thi thiết thực trong vùng đồng bào DTTS đến năm 2025. Rà soát lại các dự án đầu tư vào vùng DTTS để có sự điều chỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư giàn trải đẩy nhanh quyết tâm thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác.
 
N. NGÀ