Tai nạn giao thông: Cần làm gì để hạn chế ở mức tối đa?

10:05, 21/05/2018

Mấy ngày qua, không riêng gì người viết bài này, rất nhiều người khác cũng sửng sốt, bàng hoàng, đau xót trước thông tin vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Đức Trọng hôm 14/5 làm chết 5 người, bị thương 2 người...

Mấy ngày qua, không riêng gì người viết bài này, rất nhiều người khác cũng sửng sốt, bàng hoàng, đau xót trước thông tin vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Đức Trọng hôm 14/5 làm chết 5 người, bị thương 2 người. Nhiều người thật sự “sốc” trước thông tin kết quả giám định của cơ quan chức năng đưa ra vào chiều 17/5. Theo cơ quan chức năng, thời điểm xảy ra tai nạn lần đầu, xe tải BKS 49C - 150.90 do tài xế Trần Trọng Tình điều khiển chạy với tốc độ 73 km/h và ở lần va chạm sau đó vận tốc lên đến 97 km/h. Trong khi đó, tốc độ cho phép là 50 km/h. Chưa kể, xe chỉ được phép chở tối đa 14 tấn nhưng theo kết quả giám địch của cơ quan chức năng, vào thời điểm xảy ra tai nạn, tải trọng của xe là 19 tấn, vượt 5 tấn so với quy định. Đáng chú ý  hơn khi biết rằng, hệ thống phanh (thắng) của chiếc xe tải này vẫn hoạt động bình thường, không hề bị hỏng hóc hay hư hại. Từ đó, cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân của vụ tai nạn là do xe chạy với tốc độ cao, chở quá tải trọng, lái xe không kịp xử lý tình huống dẫn đến hậu quả thảm khốc. 
 
Dư luận hết sức lo lắng và đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có thể ngăn ngừa, có thể tránh được những vụ tai nạn thảm khốc tương tự không? Trăn trở đó xuất phát từ trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. Bởi, từ đầu năm 2018, Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu ngành chức năng tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Vậy mà số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn tiếp diễn. Chỉ chưa đầy 15 ngày (từ 2 - 14/5), trên Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn huyện Đức Trọng, đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 6 người, bị thương 12 người. (Vụ tai nạn hôm 2/5 giữa xe khách BKS 49B - 009.59 và xe tải BKS 49C - 085.41 làm chết 1 người, bị thương 10 người). Chúng ta cần làm gì để hạn chế tai nạn giao thông ở mức tối đa, để không phải chứng kiến những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng? 
 
Theo một số người dân, để dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người điều khiển phương tiện và một phần trách nhiệm thuộc về người chủ chiếc xe (xe tải, xe khách), trong đó có cả trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bởi, theo quy định hiện hành, người lái xe kinh doanh vận tải không được chạy quá 4 tiếng liên tục và không được quá 10 tiếng một ngày, cũng như phải tham gia các đợt tập huấn, hướng dẫn những quy định của pháp luật... Nếu người chủ xe đáp ứng đầy đủ những quy định này, nghĩa là điều kiện lao động của người lái xe kinh doanh vận tải được bảo đảm, thì chắc chắn mức độ vi phạm các quy định pháp luật của tài xế sẽ thấp hơn. Bên cạnh việc tạo điều kiện lao động thuận lợi cho tài xế của chủ xe, ngành chức năng cần siết chặt các quy định, điều kiện hành nghề đối với người lái xe kinh doanh vận tải. Mặt khác, ngành chức năng cần thường xuyên nâng cao giám sát, phát hiện và xử phạt thật nghiêm những hành vi vi phạm. 
 
Cũng theo một số người dân, giám sát không có nghĩa là cứ phải có lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra trên đường, mà nên trang bị hệ thống giám sát ở những vị trí thường xảy ra hành vi vi phạm để tiến hành xử lý. Nếu qua hệ thống giám sát phát hiện hành vi vi phạm ở Đức Trọng thì cần báo ngay cho Cảnh sát giao thông Di Linh, Bảo Lộc, hoặc Đạ Huoai (và ngược lại) xử lý thật nghiêm. Một khi trong suy nghĩ của người lái xe thường trực việc bị xử phạt qua hệ thống giám sát, lập tức tâm lý tuân thủ pháp luật sẽ được thiết lập.
 
T.ĐỒNG