
Lâm Ðồng là tỉnh Nam Tây Nguyên, có vị trí địa lý quan trọng, có quan hệ với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; trong đó có nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Lâm Ðồng là tỉnh Nam Tây Nguyên, có vị trí địa lý quan trọng, có quan hệ với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; trong đó có nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Vì vậy, truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn phôm-vi-hản dày công vun đắp, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc, góp phần vào hòa bình, ổn định của nhân dân trên toàn thế giới, được chứng minh qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước và cho tới ngày nay.
 |
Lễ ra mắt Ban vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.Danh |
Với tinh thần đó, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ chiến đấu tại Lào nhằm tập hợp danh sách, giúp giải quyết khen thưởng huân, huy chương hữu nghị của nhà nước Lào cho gần 100 đồng chí hội viên. Gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kết nghĩa với 2 tỉnh Champasak và Bolykhamxay; tổ chức nhiều hoạt động, trao đổi đoàn cấp cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng với hai tỉnh Champasak và Bolykhamxay. Qua đó, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên, sản phẩm du lịch, thúc đẩy quảng bá, giao lưu hợp tác - nhất là lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực... Hiện tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng cho tỉnh Champasak một trường năng khiếu hữu nghị Champasak - Lâm Đồng và một trung tâm thực nghiệm giống nông nghiệp ở PakSong; hàng năm cử giáo viên luân phiên sang giảng dạy, đồng thời cấp học bổng cho 7 em học sinh của Champasak và Bolykhamxay theo học cử nhân ở Trường Đại học Đà Lạt.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ từng công tác, chiến đấu ở nước bạn Lào; nhiều nhất là ở các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh; đã cùng chung lưng đấu cật, đồng cam, cộng khổ, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trên các chiến trường cánh đồng Chum (Xiengkhuang) thấm đượm nghĩa tình vào những năm tháng hào hùng, đầy vinh quang ấy.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Lào trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, theo nguyện vọng của đông đảo những người đã từng công tác, chiến đấu và có quan hệ tình cảm gắn bó với đất nước Lào về thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng. Ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 6981/UBND-NV về việc thống nhất chủ trương cho phép thành lập Ban vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng và ngày 6/11/2017, Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 22/QĐ-NV về việc công nhận Ban vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng.
Qua quá trình vận động, đến nay, toàn tỉnh đã có 524 người tự nguyện viết đơn đăng ký gia nhập Hội. Trên cơ sở đó, ngày 2/2/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 232/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng, tiến tới Đại hội lần thứ nhất của Hội. Đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào của tỉnh Lâm Đồng và tiền đề thúc đẩy hơn nữa tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân tỉnh Lâm Đồng với nhân dân 2 tỉnh Champasak và Bolykhamxay cũng như nước bạn Lào anh em, nhằm mục đích tăng cường hơn nữa sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước cũng như nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, duy trì củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào, phát triển quan hệ rộng rãi với các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp ở Lào vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như nhân dân mỗi tỉnh vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Hội là tổ chức xã hội tập hợp rộng rãi những người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, công tác ở Lào làm nòng cốt, có tâm huyết, có hiểu biết về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước để cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ gìn và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam - Lào; theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí không vì mục đích lợi nhuận, hoạt động đúng pháp luật của Nhà nước; với nhiệm vụ là đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, hội viên và nhân dân về tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam - Lào, về tổ chức hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng trên tinh thần hòa bình, đoàn kết hữu nghị và hợp tác nhân dân, tạo mọi điều kiện cho hội viên và nhân dân tham gia các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao hiểu biết, trao đổi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương.
Để Hội hoạt động có hiệu quả, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới cần tăng cường tập hợp phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tổ chức các hoạt động nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, cổ vũ và hỗ trợ hợp tác giao lưu kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch, khoa học kỹ thuật…; tìm kiếm cơ hội kinh doanh, khảo sát thị trường, tham gia hội chợ thương mại, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Lào và các tỉnh Lâm Đồng kết nghĩa. Hình thành Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng, làm cầu nối giữa doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp của Lào, thông qua các hình thức trao đổi hàng hóa, giao lưu, ký kết hợp tác sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức trong đại gia đình Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đó là cách tốt nhất để thể hiện quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trong việc kế thừa, vun đắp và phát huy hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, quý báu, giữa nhân dân Việt Nam - Lào như Bác Hồ căn dặn:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.
NGUYỄN BẠN