Tác hại của thuốc lá và phòng, chống thời gian tới

09:05, 04/05/2018

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới. Hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã và đang là một hoạt động y tế công cộng hết sức quan trọng đối với các nước trên thế giới và tại Việt Nam. Tổng kinh phí cho các hoạt động của chương trình PCTHTL năm 2017 - 2018 do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế cấp cho Lâm Ðồng là 2.840 triệu đồng.

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới. Hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã và đang là một hoạt động y tế công cộng hết sức quan trọng đối với các nước trên thế giới và tại Việt Nam. Tổng kinh phí cho các hoạt động của chương trình PCTHTL năm 2017 - 2018 do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế cấp cho Lâm Ðồng là 2.840 triệu đồng.
 
Mỗi ngày Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, gấp đến 4 lần số ca tai nạn giao thông đường bộ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu không có biện pháp ngăn chặn, đến năm 2030 có gần 10% dân số Việt Nam tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá hằng ngày, con số đáng báo động này đang có xu hướng tăng và có nguy cơ trẻ hóa ngày một cao. Việc bán thuốc lá diễn ra ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá thấp là yếu tố thuận lợi cho thanh thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận với thuốc lá. Theo điều tra gần đây nhất của Khảo sát toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) cho thấy, tỉ lệ hút thuốc thụ động tại Việt Nam rất cao với 67,6% những người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc. Nguy cơ bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động ở gia đình, nhà hàng, quán bar, quán cà phê cũng rất lớn.
 
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người lao động những kiến thức về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi hút thuốc, giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, trong năm 2017-2018, Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và nâng cao năng lực cho các cán bộ tham gia thực hiện hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc trên địa bàn tỉnh với 3 mục tiêu cụ thể như sau:
 
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của PCTHTL và các văn bản hướng dẫn. Hoạt động chính là phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng tổ chức phát các thông điệp tuyên truyền Luật PCTHTL; tác hại của thuốc lá; cách bỏ thuốc lá; thực hiện chuyên mục Sức khỏe cho mọi người trên sóng truyền hình và giao lưu bác sỹ của bạn trên sóng phát thanh. Phối hợp với Báo Lâm Đồng thực hiện 42 trang chuyên đề (1 trang/1số báo) tuyên truyền PCTHTL gồm các nội dung phổ biến kiến thức, đưa tin, phóng sự, bài phản ánh, giới thiệu mô hình hoạt động PCTHTL, xây dựng môi trường không khói thuốc ở cơ quan hành chính, trung tâm y tế, bệnh viện, trường học, các công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách. Đồng thời, tuyên truyền trên Bản tin Sức khỏe ngành Y tế, Website Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Lâm Đồng. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế huyện, thành phố và 147 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức phát thông điệp tuyên truyền PCTHTL trên hệ thống loa phát thanh của đơn vị. 
 
Thứ hai: Tăng cường việc thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc, cai nghiện thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá; giám sát, đánh giá tình hình các hoạt động PCTHTL. Hoạt động chính là nghiên cứu đánh giá tình hình triển khai Luật PCTHTL tại tỉnh Lâm Đồng; tổ chức 2 hội thảo chia sẻ kết quả và kinh nghiệm thực hiện các hoạt động PCTHTL. Phối hợp tổ chức các hoạt động mittinh hưởng ứng “Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5” tại thành phố Đà Lạt. Sản xuất các tài liệu truyền thông gồm 100 băng rôn, 40.000 tờ rơi, 202 pano tuyên truyền, 5.700 biển báo bằng decan “Cấm hút thuốc” cấp phát cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các đơn vị y tế, trường học trong tỉnh. Phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức Hội thi tìm hiểu về PCTHTL cho học sinh. Tổ chức 27 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về PCTH thuốc lá cho khoảng 1.350 người tại các khu công nghiệp, nhà máy, công ty xe khách, bến xe, ga tàu, nhà hàng, khách sạn và các tổ dân phố, khu phố, thôn trong địa bàn toàn tỉnh; 50 buổi nói chuyện chuyên đề về môi trường không khói thuốc tại các trường học cho giáo viên, CBCNV, sinh viên, học sinh tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh; mở 31 lớp tập huấn cho khoảng 1.500 cán bộ là thanh tra, công an, cộng tác viên và các cán bộ tham gia vào hoạt động PCTHTL tại trường học, TTYT, bệnh viện, cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh về thực hiện môi trường không khói thuốc, Luật PCTHTL và các văn bản liên quan. Đồng thời, tổ chức 10 đợt giám sát liên ngành việc thực hiện các hoạt động môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.  
 
Thứ ba: Tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL và tăng cường các hoạt động giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật PCTH thuốc lá. Hoạt động chính là tổ chức 4 lớp tập huấn cho 146 người là thanh tra, công an về các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn liên quan; 5 đợt thanh kiểm tra liên ngành việc thực thi Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh. 
 
THỤY HỢP