Phòng chống bạo hành thầy thuốc

10:05, 21/05/2018

Công đoàn ngành Y tế Lâm Đồng đã lên tiếng về việc cần phải có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng cho cán bộ, đoàn viên của ngành trong khi làm nhiệm vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Công đoàn ngành Y tế Lâm Đồng đã lên tiếng về việc cần phải có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng cho cán bộ, đoàn viên của ngành trong khi làm nhiệm vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
 
Từ năm 2016, BVĐK Lâm Đồng đã ký kết quy chế phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 83) - Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an thành phố Đà Lạt nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại bệnh viện. Ảnh: A.N
Từ năm 2016, BVĐK Lâm Đồng đã ký kết quy chế phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 83) - Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an thành phố Đà Lạt nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại bệnh viện. Ảnh: A.N
Theo đánh giá của ngành Y tế Việt Nam, tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành ngay trong cơ sở khám chữa bệnh đang là vấn đề nóng hiện nay. Qua thống kê, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh 60%, tuyến Trung ương 20% và có tới 90% số vụ là xảy ra trong khu vực bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhân viên y tế có nguy cơ bị bạo lực cao trên toàn thế giới. Khoảng 8%  - 38% nhân viên y tế bị bạo lực thể xác tại một số thời điểm trong sự nghiệp của họ. 
 
Mức độ của các vụ việc bạo hành y tế ngày càng trầm trọng, đi từ phá hoại tài sản bệnh viện, chửi bới, nhục mạ cán bộ, nhân viên y tế khi đang làm việc, đến hành hung và gây thương tích cho thầy thuốc, thậm chí gây tử vong. Điển hình, năm 2010, một bác sĩ ở Bệnh viện Vũ Thư - Thái Bình bị đâm tử vong; ngày 20/1/2018, tại BVĐK Lâm Đồng, 1 bác sĩ bị đánh thủng màng nhĩ; ngày 22/2/2018 bạo hành gây thương tích nặng cho 2 bác sĩ bệnh viện Sản Nhi - Yên Bái…
 
BS Nguyễn Xuân Tạo - Phó Giám đốc BVĐK Lâm Đồng nhận định: “Trong tất cả các sự cố bạo hành trên, phản ứng của nhân viên y tế còn quá yếu ớt và đa phần những vụ bạo hành thầy thuốc đều rơi vào im lặng. Người bị bạo hành im lặng, cơ sở y tế im lặng. Hầu hết chúng ta chỉ mới chú ý đến bạo hành thể xác như bị đánh đập phá phách, còn bạo hành tinh thần lại ít được chú ý và coi trọng. Mặc dù, bạo hành tinh thần (chửi bới, xúc phạm, đe dọa) diễn ra hằng ngày dưới nhiều hình thức tinh vi hơn và chúng ta thường cam chịu rồi lặng lẽ cho qua, nhưng đâu biết rằng nó cũng để lại nhiều hệ lụy về lâu dài đối với nhân viên y tế hay bất cứ ai bị bạo hành”.
 
Để tìm nguyên nhân cho các sự cố bạo hành y tế có thuộc về bản thân nhân viên y tế hay không, theo số liệu thống kê về đường dây nóng của Bộ Y tế thì nhóm nguyên nhân này rất thấp, chỉ có 4,5% số cuộc gọi đường dây nóng là phản ánh về thái độ, tinh thần của y bác sĩ và chỉ có 1,7% số cuộc gọi phản ánh về các vấn đề tiêu cực như vòi vĩnh, nhận hối lộ. Nhưng chính các nhân viên y tế lại là người phải hứng chịu tất cả bức xúc của người bệnh gây ra bởi những bất cập của ngành y tế. Họ vẫn phải khám chữa bệnh cho dù không biết sẽ bị hành hung bất cứ khi nào và ở đâu. Nguy hiểm nhất là tình trạng nhiều băng nhóm đánh nhau bên ngoài dẫn đến thương tích đưa vào bệnh viện cấp cứu, các băng nhóm lại tiếp tục truy sát đến tận bệnh viện và hành hung thầy thuốc đang làm nhiệm vụ. Một lãnh đạo BVĐK tỉnh đã từng bày tỏ sự thất vọng vì những vụ hành hung thầy thuốc, đập phá thiết bị máy móc để cấp cứu bệnh nhân nhưng việc chế tài xử lý đối với những kẻ hành hung chưa đủ sức răn đe. Nhìn rộng ra toàn ngành y tế cả nước đã xảy ra nhiều vụ bác sĩ bị đánh, nhưng chỉ một số vụ bị khởi tố, còn lại chủ yếu phạt hành chính hoặc nhắc nhở. 
 
Theo Công đoàn ngành Y tế Lâm Đồng, các nguyên nhân bạo hành y tế đó là: Một số người nhà bệnh nhân, ý thức hiểu biết và tuân thủ pháp luật còn hạn chế; thiếu sự cảm thông, chia sẻ với khó khăn của thầy thuốc, của ngành y tế. Định kiến với thầy thuốc do một số nhân viên y tế có thái độ phục vụ chưa tốt, nhũng nhiễu bệnh nhân, hình thành định kiến, suy nghĩ thiếu thiện chí, khách quan của người dân đối với thầy thuốc. Nhân viên y tế bị ràng buộc bởi các qui định về y đức, bởi sự khắt khe của xã hội; chính tấm áo Blouse trắng lại là vật trói buộc, không cho họ phản kháng tại chỗ đối với bạo lực nhắm vào họ; mặc dù nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên có võ thuật, nhưng họ vẫn không được phép đánh trả, dù chỉ là để tự vệ, đó cũng chính là một trong các nguyên nhân bạo lực nhắm vào thầy thuốc gia tăng. Tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lạm dụng rượu bia gây tình trạng tăng động dễ gây hấn, đập phá trang thiết bị bệnh viện; thậm chí nhiều nhóm người do mâu thuẫn, thù hằn lẫn nhau rồi kéo vào bệnh viện ẩu đả, hành hung, đập phá. Biện pháp an ninh của các bệnh viện nói chung chưa được quan tâm đúng mức; chưa đưa ra các quy chuẩn thiết kế, xây dựng bệnh viện có tính đến an ninh, an toàn; cơ sở hạ tầng về an ninh như hệ thống camera, hệ thống cửa từ, cửa sổ, chuông báo động, kiểm soát ra vào chưa có, chưa đủ, hay còn quá sơ sài.
 
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương đã triển khai các văn bản như:  Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế phù hợp với tình hình tại địa phương; Chỉ thị số 03/CT-BYT, ngày 19/5/2017 về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện. Dựa trên Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013, các cơ sở y tế đã có các quy chế phối hợp giữa bệnh viện với các cơ quan công an địa phương nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại đơn vị mình. Tuy nhiên, cần có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13, cần thiết xem xét ban hành Luật về phòng, chống bạo hành nhân viên y tế. 
 
 Công đoàn ngành Y tế Lâm Đồng đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế tối đa nạn bạo hành thầy thuốc hiện nay, gồm có: Chính quyền, các cơ quan chức năng phải coi nhân viên y tế trong bệnh viện là người thi hành công vụ, có quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, danh dự như những công dân khác trong xã hội. 
 
Kiến nghị với Bộ Tư pháp điều chỉnh khung hình phạt theo hướng tăng nặng đối với hành vi gây rối trong bệnh viện, đe dọa tính mạng, thân thể, nhân phẩm thầy thuốc trong lúc hành nghề. Đó là hoàn thiện khung pháp lý, trong đó, đề nghị có khung riêng cho ngành y tế vì đặc thù các cán bộ, nhân viên y tế đã bị “tước” một phần khả năng tự vệ, phản kháng trong các tình huống khám, chữa bệnh cho người dân. 
 
Thái độ, sự sẻ chia của thầy thuốc đối với bệnh nhân là rất quan trọng; từ bác sỹ đến hộ lý từng khoa, phòng cần nâng cao tính chuyên nghiệp, coi người bệnh là trung tâm, đối tượng phải phục vụ hết mình. Nâng cao  kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý người bệnh, gia đình người bệnh. Chuyên nghiệp hóa nhân viên bảo vệ về các kỹ năng nhận biết nguy cơ bạo hành, cách phòng chống lại; có phương án chủ động để khi cần có lối thoát riêng cho thầy thuốc bệnh viện,  trang bị hệ thống camera, kiểm soát người ra vào, thẻ thăm khám. Cần ký kết Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp giữa bệnh viện với công an trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho bệnh viện, với những biện pháp cụ thể, hiệu quả nhất. Phải có biện pháp khống chế kịp thời kẻ gây rối, vãn hồi trật tự để nhân viên y tế tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh. Cơ quan truyền thông, báo chí có vai trò rất quan trọng trong định hướng dư luận, phê phán, lên án các hành vi tiêu cực trên tinh thần xây dựng; có nhận thức đúng về sự cố y khoa để đưa tin một cách khách quan, khoa học; tránh thông tin một chiều, tạo nên bức xúc không đáng có cho xã hội. 
 
Biện pháp cơ bản và lâu dài là làm lành mạnh hóa đạo đức xã hội, nhìn nhận và tôn trọng vai trò cao cả của người thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, trong tình hình bạo hành y tế gia tăng trên diện rộng hiện nay, bước đột phá đầu tiên cần làm là siết chặt kỉ cương, đưa ra và thực hiện nghiêm túc các biện pháp chế tài đối với các hành vi bạo hành y tế. Bởi siết chặt kỷ cương và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ mới có thể ngăn chặn nạn bạo hành y tế. Nghề y là một nghề đặc biệt, nghề cứu người nên cần phải bảo vệ môi trường làm việc an toàn, để thầy thuốc có tinh thần thoải mái, tập trung trí tuệ, phát huy tay nghề, chuyên môn khi làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.                                     
 
AN NHIÊN