Những kỷ niệm đẹp về một vị tướng

10:05, 01/05/2018

Mỗi khi có dịp gặp nhau, anh chị em cựu chiến binh chúng tôi thường ôn lại kỷ niệm của một thời đánh giặc. Trong đó, mọi người hay nhắc tới một vị chỉ huy với lòng quý mến, nể phục và ngưỡng mộ rất tự nhiên. Ðó là thủ trưởng Ba Lê (tên gọi thân mật thời đánh mỹ của Thiếu tướng Phạm Văn Kha), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 6, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Ðồng.

Mỗi khi có dịp gặp nhau, anh chị em cựu chiến binh chúng tôi thường ôn lại kỷ niệm của một thời đánh giặc. Trong đó, mọi người hay nhắc tới một vị chỉ huy với lòng quý mến, nể phục và ngưỡng mộ rất tự nhiên. Ðó là thủ trưởng Ba Lê (tên gọi thân mật thời đánh mỹ của Thiếu tướng Phạm Văn Kha), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 6, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Ðồng.
 
Đầu năm 1974, đơn vị tôi được điều về Khu 6. Là chiến trường gian khổ ít đâu bằng nên bất kỳ nhiệm vụ gì muốn hoàn thành cũng phải dựa chủ yếu vào quyết tâm của người thực hiện, tiêu biểu là thủ trưởng Ba Lê. Chẳng thế mà cả quân khu ai cũng biết đến “Quyết tâm ông Ba Lê”. Theo lời kể của cựu chiến binh Vũ Huy Chung, nguyên chiến sĩ lái xe Quân khu 6: Với thủ trưởng Ba Lê, bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào ông cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù đó là cung đường hành quân vượt trọng điểm, hay trắng đêm đi chuẩn bị chiến trường, hoặc tranh thủ tăng gia tự túc... ông đều làm cho kỳ được, cho chắc chắn mới thôi. Có lần địch vừa càn lên căn cứ hòng tiêu diệt lực lượng ta và cắt đứt liên lạc giữa cách mạng với nhân dân. Để phá vỡ âm mưu của địch, ban đêm ta đưa các tổ công tác bí mật luồn sâu vào hậu phương của chúng “đột ấp” để nắm tình hình địch và làm công tác dân vận, giúp cho việc tổ chức phản công được chắc thắng. Là người được tổ chức giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy việc này, thủ trưởng Ba Lê đã cùng anh em bàn kỹ phương án tác chiến và hạ quyết tâm trước khi rời vị trí tập kết, đích thân ông dẫn một tổ tiến nhập về hướng địch. Khi trời vừa tảng sáng, các mũi công tác cũng trở về điểm hẹn đầy đủ, an toàn cả người và trang bị vũ khí, riêng thủ trưởng Ba Lê còn khoác thêm trên vai một bao tượng gạo vừa được dân trong ấp san sẻ cho, khiến cho ai nấy đều nể phục. 
 
Không chỉ nổi tiếng bởi quyết tâm, tài trí đánh giặc, Thiếu tướng Phạm Văn Kha còn được quý mến bởi ông sống rất chan hòa, tình cảm và luôn quan tâm đến mọi người. Khi tới các đơn vị trực thuộc, bao giờ ông cũng kiểm tra nhà ăn, nhà bếp, công trình vệ sinh, thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sỹ và nhắc nhở chỉ huy phải thường xuyên quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của bộ đội. Phát hiện ai có hoàn cảnh đặc biệt, ông đều lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ. Chẳng thế mà trong khói lửa chiến tranh, nhiều người vẫn được ông tạo điều kiện lo về bổn phận với gia đình, không ít cặp đôi đã đến được với nhau, vừa động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, vừa cùng nhau xây hạnh phúc tương lai, bởi ông biết tuổi xuân có thì, chờ đến ngày giải phóng có thể muộn mất.
 
Đức, tài, tầm ảnh hưởng của thủ trưởng Ba Lê trong kháng chiến đã được khẳng định. Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tới nay, những phẩm chất tốt đẹp ấy ở ông vẫn được phát huy trong điều kiện mới với tên gọi quen thuộc: Thiếu tướng Phạm Văn Kha, hay tướng Ba Kha.
 
Còn nhớ sau năm 1975, với cương vị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, tướng Ba Kha không hề quản ngại gian khổ hy sinh, ông thường băng rừng lội suối, bám sát thực địa để chỉ huy chiến đấu truy quét tàn quân địch. Mỗi lần đi truy quét, ngoài vũ khí, trang bị, trong ba lô bao giờ ông cũng mang theo lọ mắm “kho quẹt” do chính tay vợ ông (bác sĩ Lê Thị Thuận) làm để bữa ăn trên đường hành quân của ông thêm phần ấm áp. 
 
Theo lời kể của Thiếu tướng Bùi Minh Hớn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng: Mùa mưa năm 1977 ông đi cùng thủ trưởng Ba Kha làm nhiệm vụ truy quét địch tại khu vực Đam Rông. Chuyến đi dài ngày, ăn mãi thực phẩm do quân nhu cấp nên ai cũng ngán. Bấy giờ, thủ trưởng mới lấy trong túi cóc ba lô ra lọ mắm “kho quẹt” và gọi mọi người tới cùng ăn. Nhờ lọ kho quẹt ấy mà ai cũng cảm thấy ngon miệng, ăn hết suất của mình.
 
Lời kể của Thiếu tướng Bùi Minh Hớn cứ chân chất, mộc mạc và rất thật. Ông không ca ngợi gì nhiều, song vẫn thể hiện đầy đủ sự ngưỡng mộ, lòng quý mến dành cho người thủ trưởng cũ của mình. Nay hai vị tướng đều đã nghỉ hưu từ lâu, thủ trưởng tuổi đã gần trăm, “chiến sỹ” cũng ngoài tám chục mà những kỷ niệm của thời quân ngũ cứ như mới hôm qua, thật quý biết bao!
 
Từ khi nghỉ hưu, hay nói đúng hơn chỉ sau khi bàn giao chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng cho người kế nhiệm, Thiếu tướng Phạm Văn Kha mới thật sự được nghỉ hưu. Về với đời thường, song bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong ông vẫn tỏa sáng.
 
Ở nơi cư trú, tướng Ba Kha là người công dân gương mẫu, hòa nhã, khiêm nhường, tôn trọng mọi người. Gia đình ông luôn đạt “Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Với việc chung của đất nước, của địa phương, ông luôn tham gia hiến kế một cách nhiệt thành và đúng mực. Với đồng chí, đồng đội và anh chị em cựu chiến binh, ông vẫn dành cho họ những tình cảm chân thành, nhắc nhở họ về những việc cần làm cho gia đình và xã hội ngày nay. Trên hết, ông đặc biệt quan tâm đến việc “Đi tìm đồng đội” và cung cấp dữ liệu cho việc viết sử ở những địa phương nơi ông đã từng hoạt động. 
 
Cách đây khoảng hai năm, nghe ông bị bệnh, tôi tới thăm ông tại Khoa Nội II, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Vừa trò chuyện với ông, tôi vừa với tay cầm cuốn sách trên đầu giường bệnh nhân, thì ra ông đang tranh thủ đọc và góp ý cho cuốn “Dự thảo lịch sử Đảng bộ huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng”. Một tuần sau, khi vừa ra viện ông đã điện thoại xin tôi số điện thoại của Đại tá Đỗ Xuân Mạnh, công tác ở Quân khu 5 để nhờ giúp tìm mộ liệt sỹ trong chuyến đi tới. 
 
Trong ký ức của đông đảo cựu chiến binh đã từng hoạt động ở Khu 6 trước đây và tỉnh Lâm Đồng sau này, từ người chiến sỹ bình thường, tới người mang quân hàm cấp tướng đều in đậm những kỷ niệm đẹp về Thiếu tướng Phạm Văn Kha. Ngày nay, trong cuộc sống đời thường, cụ Ba Kha vẫn hoạt động không ngừng nghỉ để vừa tiếp tục đóng góp cho cái chung, vừa được trọn tình vẹn nghĩa với anh em đồng đội, nhất là với các liệt sỹ còn nằm đâu đó chưa được đón về.
 
ÐÀM VĂN QUYỀN