Người khuyết tật tìm kiếm cơ hội bán hàng trên Internet

08:05, 22/05/2018

Công nghệ phát triển mở ra những ngành nghề mới. Nghề bán hàng online có thể xem là một điển hình. Nhiều người đã chọn nghề này để khởi sự kinh doanh, trong đó có cả người khuyết tật. 

Công nghệ phát triển mở ra những ngành nghề mới. Nghề bán hàng online có thể xem là một điển hình. Nhiều người đã chọn nghề này để khởi sự kinh doanh, trong đó có cả người khuyết tật. 
 
Các học viên khuyết tật đang trao đổi những kỹ năng bán hàng online. Ảnh: T.Chu
Các học viên khuyết tật đang trao đổi những kỹ năng bán hàng online. Ảnh: T.Chu
Chị Bùi Xuân Thy Phụng, hội viên Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, người hiện có nghề làm móc len. Các sản phẩm của chị độc đáo về mẫu mã, đẹp về hình thức. Tuy nhiên, chị Phụng lại đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Mới đây, chị tham gia lớp học bán hàng online do Trung tâm Đào tạo Sao Mai và Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc tổ chức tại TP Bảo Lộc, với mong muốn học hỏi kinh nghiệm bán hàng từ những người đi trước, cũng như tìm kiếm những khách hàng tiềm năng trên Internet. “Tôi sức khỏe thì yếu, đi lại cũng rất khó khăn. Nếu bán được các sản phẩm do mình làm ra thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn”, chị Phụng cho biết. 
 
Một người khuyết tật khác là anh Đinh Trường Giang, người có hơn 20 năm sửa chữa đồng hồ, đến với lớp học bán hàng online để học cách giao lưu, kết bạn với những người cùng nghề thông qua Internet; từ đó, học cách tìm kiếm thêm khách hàng. Có cùng mong muốn như chị Phụng, anh Giang, bà Nguyễn Thị Bích Liên, hội viên Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, làm nghề may áo dài, âu phục... bày tỏ: “Tôi già rồi nên thường đau mỏi lưng, không thể ngồi may quần áo trong một thời gian dài. Vì thế, tôi muốn tìm một công việc nào đó phù hợp với sức khỏe của mình”. Ông Ngô Quang Chiếu (thợ cắt tóc), ông Trần Chí Thành (thợ sửa xe máy), bà Phạm Thị Thu Nguyệt (thợ may)... đều có ước muốn sống được bằng nghề. Chị Vũ Thị Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, chia sẻ: “Vừa qua, ngày 18/4 là Ngày Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe người khuyết tật Việt Nam. Nhân ngày này, Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc đã tổ chức cho các anh chị em trong Hội đi tham quan và giao lưu tại Đà Lạt. Chuyến đi đó, các anh chị em trong Hội ghé thăm sieuthidalat.com.vn do ông Lê Văn Tiến, người sáng lập Trung tâm Đào tạo Sao Mai, quản lý và điều hành. Ông Tiến chia sẻ với anh chị em trong Hội về việc bán hàng online”. 
 
Sau lần gặp đó, ông Tiến đã xuống Bảo Lộc để hướng dẫn trực tiếp cho các anh chị em trong Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc cách thức tận dụng Facebook, Zalo, YouTube, Website... để triển khai bán hàng online. “Tôi muốn chia sẻ những cái mình biết với những người yếm thế, đặc biệt là người khuyết tật, giúp họ biết sử dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ để làm những công việc nuôi sống bản thân, phát triển bản thân. Công nghệ giúp giảm bớt sức người, giảm bớt sự khó khăn về đi lại của người khuyết tật”.
 
Ông Tiến đã chia sẻ các kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân trên Facebook, cách tìm kiếm sản phẩm và chọn sản phẩm để kinh doanh, cách tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng trên Internet với các anh chị em trong Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc. Theo kinh nghiệm bản thân, ông Tiến cho rằng, bán hàng online có khả năng tự khởi nghiệp rất cao, ai cũng có thể kinh doanh được, vì không tốn quá nhiều chi phí, vấn đề là người khởi nghiệp nên tìm hiểu và tạo lập các đầu mối mua hàng đầu vào, cũng như hiểu biết thấu đáo cách tìm nguồn hàng giá gốc, biết mặt hàng nào hiện đang bán chạy ngay khi chỉ cần nhìn thấy quảng cáo trên mạng, biết sử dụng thành thạo các công cụ bán hàng online như Zalo, Facebook, Website... và chạy quảng cáo trên Google, YouTube dễ dàng. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp cũng cần học các kỹ năng về quản trị khách hàng, tìm hiểu kỹ các thông tin khách hàng và những vấn đề liên quan đến đơn hàng, các kỹ năng viết bài mô tả sản phẩm để khách hàng biết đến sản phẩm, kỹ năng trả lời khách hàng... 
 
Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc Vũ Thị Nguyệt Ánh nhận định: “Tôi nghĩ việc bán hàng online là phù hợp với người khuyết tật. Bởi, mọi người có thể bán các mặt hàng do mình làm ra, cũng có thể bán nông sản, bán quà quê, hoặc bán các mặt hàng đã có sẵn trên sieuthidalat.com.vn”. Chị Ánh nói thêm: “Cái chúng tôi cần là được hỗ trợ thêm về cách viết bài, chụp ảnh, livetream, video clip... giới thiệu sản phẩm”. Trao đổi về nội dung này, ông Tiến cho biết: “Điều này phải cần thêm thời gian. Vì công nghệ nói thì nghe đơn giản nhưng khi làm thì không hề đơn giản chút nào. Các anh chị em trong Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc cần phải thực hành liên tục, thường xuyên thì mới tạo thành thói quen được”. 
 
Với những kiến thức thu nhận được, phát triển nghề nghiệp cùng các công cụ thông qua môi trường mạng đang được những người khuyết tật ở Bảo Lộc tập trung kết nối, xây dựng để tìm chỗ đứng riêng giữa những cơ hội rộng mở… 
 
TRỊNH CHU