Khi đời sống lao động nữ được quan tâm

08:05, 04/05/2018

Với tỷ lệ nữ đoàn viên, công nhân viên chức lao động chiếm gần 60% trên tổng số CNVCLÐ toàn tỉnh (38.598/66.520), nhiệm kỳ qua, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho nữ CNVCLÐ, hàng năm, Ban Nữ công Công đoàn đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Với tỷ lệ nữ đoàn viên (ÐV), công nhân viên chức lao động (CNVCLÐ) chiếm gần 60% trên tổng số CNVCLÐ toàn tỉnh (38.598/66.520), nhiệm kỳ qua, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho nữ CNVCLÐ, hàng năm, Ban Nữ công Công đoàn đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa.
 
Cán bộ công đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh đang hướng dẫn công nhân Công ty Dalat Hasfarm sử dụng máy vắt trữ sữa. Ảnh: T.V
Cán bộ công đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh đang hướng dẫn công nhân Công ty Dalat Hasfarm
sử dụng máy vắt trữ sữa. Ảnh: T.V

Theo bà Vũ Mỹ Hạnh - Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, một trong những hoạt động nổi bật là thường xuyên tuyên truyền về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình; các nghị định hướng dẫn liên quan đến lao động nữ, các chế độ chính sách đối với lao động nữ như BHYT, BHXH... 
 
Song song với đó, thực hiện Chương trình “Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ”, được sự hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí mổ tim và phẫu thuật hở môi vòm miệng cho 4 trường hợp con CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh với số tiền 25 triệu đồng. Năm 2017, LĐLĐ tỉnh đang làm hồ sơ đề nghị Quỹ hỗ trợ cho 2 trường hợp mổ tim và phẫu thuật hở môi vòm miệng. Chị Bùi Phương Dung (huyện Lâm Hà) có con được chương trình hỗ trợ mổ tim đã xúc động nói: “Nói thật, nếu không có những chương trình hỗ trợ này, gia đình tôi không biết phải làm sao, vì cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân Công ty Khai thác và Quản lý công trình công cộng của huyện, lại nuôi hai con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn!”.
 
Mặt khác, để góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành nói chung và nữ CNVCLĐ nói riêng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nuôi, dạy con tốt; thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tiến hành lắp đặt 3 cabin vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ. Qua đó, nhằm quan tâm, hỗ trợ lao động nữ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ khi đi làm lại và thiết lập thói quen hút và trữ sữa trở thành hành vi thường xuyên, phổ biến để nhờ đó, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục được bú mẹ đến 2 tuổi. Chị Cao Thị Thanh Liêm - Chủ tịch Công đoàn Công ty Dalat Hasfarm, một trong 3 đơn vị được lắp đặt cabin vắt trữ sữa cho biết: “Đây là một việc làm thật sự rất thiết thực. Sau khi mô hình trên đưa vào hoạt động, nếu thật sự hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục lắp đặt các cabin vắt trữ sữa tại các cơ sở khác của Công ty”.
 
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh hiện quản lý Quỹ “CNLĐ nghèo” với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng, trong 5 năm qua giải quyết cho gần 3 ngàn lượt hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Cùng đó, từ nguồn vốn vay của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hỗ trợ để tạo việc làm với lãi suất ưu đãi, đã có những hộ gia đình được vay vốn với mức vay từ 10 - 20 triệu đồng trên một dự án (trong đó 80% số dự án do nữ CNVCLĐ làm chủ), cùng với vốn tự có của gia đình và huy động từ các nguồn khác đã đầu tư cho chăn nuôi và trồng trọt, dịch vụ mang lại thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài việc duy trì mô hình làm kinh tế để tăng thu nhập, ổn định đời sống hàng ngày, nhiều hộ gia đình CNVCLĐ đã thực sự thoát nghèo, có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, mua sắm tiện nghi gia đình...
 
Bên cạnh đó, phong trào nữ CNVCLĐ giúp nhau làm kinh tế gia đình, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng được đẩy mạnh. Nhiều ban nữ công CĐCS đã tổ chức các hình thức như: quỹ “xoay vòng vốn”, quỹ “trợ vốn”, quỹ giúp nhau... với hình thức mỗi cá nhân đóng góp từ 100 - 500 ngàn đồng giải quyết cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn nhận trước để làm kinh tế phụ gia đình, giải quyết khó khăn... Nhờ đó, đời sống gia đình nhiều chị được ổn định hơn, giúp nữ CNVCLĐ yên tâm trong công tác, lao động sản xuất. 
 
Song song với các hoạt động trên, bà Vũ Mỹ Hạnh cũng cho biết thêm, trong những năm qua, các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ luôn được các cấp công đoàn quan tâm, đẩy mạnh. Điển hình như phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ luôn được gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... đã được các cấp công đoàn trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện và có sự đổi mới cả về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện. 
 
T.VŨ