Đức Trọng: Tinh gọn hệ thống tổ chức tổ dân phố ở thị trấn Liên Nghĩa

10:05, 21/05/2018

Nhờ tinh gọn lại hệ thống tổ chức trên địa bàn hướng đến tính hiệu quả, thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng đã sáp nhập, giảm 129 người trong hoạt động các tổ dân phố, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm hơn 2 tỷ đồng.

Nhờ tinh gọn lại hệ thống tổ chức trên địa bàn hướng đến tính hiệu quả, thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng đã sáp nhập, giảm 129 người trong hoạt động các tổ dân phố, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm hơn 2 tỷ đồng.
 
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ (Bộ phận một cửa) - thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. Ảnh: Võ Lan
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ (Bộ phận một cửa) - thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. Ảnh: Võ Lan
Sáp nhập các tổ dân phố
 
Là thị trấn trung tâm của huyện Đức Trọng, nơi có chợ Liên Nghĩa - đầu mối kinh tế thương mại lớn của tỉnh Lâm Đồng, thị trấn Liên Nghĩa hiện có trên 52 nghìn dân cư, 33% dân cư trong đó là các cộng đồng dân tộc thiểu số với 14 dân tộc sinh sống cùng nhau. 
 
Cộng đồng dân cư phát triển nhanh, từ năm 2011, thị trấn này đã chia tách 12 khu phố thành 62 tổ dân phố. Việc chia tách này nhằm đảm bảo ổn định công tác quản lý từ cơ sở.
 
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, như bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Bí thư Đảng ủy thị trấn Liên Nghĩa cho biết, việc có quá nhiều tổ dân phố trên địa bàn đã bộc lộ những hạn chế nhất định. 
 
Trong tổng cộng 62 tổ dân phố trên, chỉ có 28 tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhiều tổ dân phố có quy mô khá nhỏ, thiếu các đoàn thể hoạt động, người đảm nhiệm công việc ở tổ dân phố cũng luôn không ổn định; nhiều chi bộ các tổ dân phố này phải sinh hoạt ghép vì thiếu đảng viên để thành lập chi bộ.
 
Theo bà Hồng, việc tìm nguồn nhân sự cho những người hoạt động không chuyên trách, cho các tổ chức tự quản ở tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn vì đa số những người tham gia đều đã lớn tuổi, còn những người trẻ hơn hầu như lo làm ăn, ít quan tâm đến công tác tổ dân phố; sinh viên khi tốt nghiệp ra trường cũng muốn tìm kiếm việc làm bên ngoài, không muốn tham gia công việc ở tổ dân phố vì phụ cấp rất thấp.
 
Trước tình hình này, Đảng ủy thị trấn xác định việc sáp nhập các tổ dân phố là một vấn đề hết sức cấp thiết bởi nhiều lẽ: giảm số lượng các tổ dân phố thì việc sắp xếp tổ chức bộ máy con người và cơ sở vật chất cho các hoạt động của tổ dân phố cũng giảm bớt khó khăn, việc vận động dân tập trung và thuận tiện hơn...
 
Trong tháng 7/2017, thị trấn Liên Nghĩa sau khi được sự chấp thuận của tỉnh, đã sáp nhập các tổ dân phố lại, từ 62 tổ dân phổ chỉ còn lại 35 tổ dân phố, giảm 27 tổ dân phố.
 
Theo bà Hồng, nếu tính hàng năm ngân sách chi 82 triệu đồng (bao gồm tiền hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ và tiền sinh hoạt phí thực hiện các hoạt động) cho mỗi tổ dân phố thì việc sáp nhập này của thị trấn đã giảm được 129 người hoạt động ở cấp cơ sở và giảm chi phí ngân sách mỗi năm hơn 2 tỷ đồng.
 
Nhất thể hóa - Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng dân phố
 
Đồng thời, với việc sáp nhập tổ dân phố, để tinh giảm số người hoạt động ở cơ sở, thị trấn Liên Nghĩa còn tích cực thực hiện mô hình bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố kiêm trưởng ban công tác Mặt trận hay kiêm luôn trưởng thôn hay tổ trưởng dân phố theo chủ trương của Huyện ủy Đức Trọng.
 
Bước đầu triển khai chủ trương này, theo bà Hồng, cũng có không ít khó khăn khi nhiều người ngại phải gánh vác thêm nhiệm vụ, trách nhiệm khi kiêm nhiệm. Thậm chí có chi bộ còn cương quyết không bố trí cán bộ kiêm nhiệm, Đảng ủy thị trấn phải mất thời gian vận động, thuyết phục khá lâu mới chấp nhận.
 
Đến thời điểm này, thị trấn Liên Nghĩa đã thực hiện rất tốt việc nhất thể hóa ở cấp cơ sở. Trong 35 chi bộ tổ dân phố trên, đã có 11 tổ dân phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng dân phố; 24 tổ dân phố còn lại thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận.
 
Thêm việc, các cán bộ kiêm nhiệm ở các tổ dân phố này cũng được trả thêm phụ cấp trách nhiệm. Cụ thể, từ mức phụ cấp trên 1 triệu đồng/tháng đã tăng lên trên 1,5 triệu đồng/tháng; đồng thời kinh phí sinh hoạt của các tổ dân phố cũng tăng lên từ trên 6 triệu đồng/năm lên gần 12,3 triệu đồng/năm.
 
Vẫn còn có những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, như bà Hồng cho biết, đó chính là khâu cán bộ. Khi thực hiện nhất thể hóa, một người đảm nhiệm cả 2 chức danh chủ chốt ở tổ dân phố nên công việc nhiều; sức ép về thời gian lớn trong khi đó trình độ năng lực của nhiều người chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều chi bộ phần lớn là đảng viên cao tuổi, có kinh nghiệm nhưng sức khỏe không đảm bảo; những nơi có đảng viên trẻ lại chưa có đủ năng lực lẫn kinh nghiệm để đảm nhiệm công việc vận động dân, phải vừa làm vừa học.
 
Tuy nhiên, từ thực tế thực hiện trên địa bàn, như Đảng ủy Liên Nghĩa đánh giá, để thực hiện tốt việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cấp ủy cần có quyết tâm, có giải pháp đúng, phù hợp với điều kiện cơ sở, đồng thời kiên trì với các giải pháp này. 
 
Cùng đó, cũng rất cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Đặc biệt theo bà Hồng, cần giảm những cuộc họp không cần thiết, cần ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải những nội dung lãnh đạo, quản lý cô đọng đến cán bộ tổ dân phố; hoặc nếu cần nên thông báo họp qua tin nhắn điện thoại đến các tổ, phát huy vai trò trách nhiệm của từng cá nhân trong các tổ dân phố hiện có.
 
VIẾT TRỌNG