
Ðứng trước những thay đổi của cả dòng chảy văn hóa đọc, dù có nhiều nỗ lực và có được thành tích đáng ghi nhận nhưng đối với những người làm thư viện ở Ðơn Dương, vẫn còn đó nhiều khó khăn cần nỗ lực tháo gỡ.
Ðứng trước những thay đổi của cả dòng chảy văn hóa đọc, dù có nhiều nỗ lực và có được thành tích đáng ghi nhận nhưng đối với những người làm thư viện ở Ðơn Dương, vẫn còn đó nhiều khó khăn cần nỗ lực tháo gỡ.
 |
Dù thường xuyên bổ sung thêm đầu sách nhưng hằng ngày Thư viện huyện Đơn Dương vẫn vắng bóng người đọc. Ảnh: H.T |
Ðẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách
Ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa thông tin, hệ thống thư viện trên toàn huyện chủ yếu phát huy vai trò trong việc cung cấp tài liệu tham khảo cho bà con nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với tủ sách pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân.
Ngoài thư viện huyện, địa phương cũng đã nỗ lực mở rộng và xây dựng thêm thư viện ở 5 xã, thị trấn là Ka Đô, Lạc Lâm, Lạc Xuân, Quảng Lập và thị trấn Thạnh Mỹ.
Theo ông Vinh, mặc dù hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng với một số địa phương vùng sâu, người dân vẫn chưa thực sự tiếp cận với công nghệ cao, đặc biệt là người lớn tuổi, người đồng bào dân tộc thiểu số… Nhiều người không biết sử dụng internet, điện thoại thông minh nên vẫn tìm đến các phương tiện nghe nhìn truyền thống như ti vi, sách, báo…
Chị Dương Thị Bích Hà - cán bộ phụ trách thư viện huyện cho biết, hiện tại ở mỗi xã, thị trấn, thư viện được trang bị trên 1.000 đầu sách ở đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học... Riêng thư viện huyện thì có số lượng đầu sách phong phú hơn với trên 11.400 cuốn.
Hằng năm, với sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh, huyện Đơn Dương cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để đẩy mạnh phong trào đọc sách của người dân. Các buổi giới thiệu, thuyết trình về các cuốn sách hay được lồng ghép trong các cuộc họp, hội thảo. Đặc biệt, mỗi năm thư viện huyện phối hợp với các trường học để tổ chức cho các em học sinh tham gia các hội thi xếp sách, kể chuyện thiếu nhi, kể chuyện Bác Hồ...
Hoạt động này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, được lãnh đạo thư viện tỉnh đánh giá cao. Phòng mượn sách của thư viện cũng ghi nhận phần lớn đối tượng mượn sách thường xuyên là các em học sinh, đặc biệt là trong các dịp hè, cuối tuần, hay lễ, tết.
“Thành công nhất là chúng tôi đã kết hợp với các trường học vào các dịp như khai giảng, tọa đàm... để trưng bày, giới thiệu nhiều đầu sách hay. Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa còn hỗ trợ xây dựng hệ thống “Thư viện xanh” để giúp các em dễ dàng tiếp cận sách, đồng thời tạo không gian thoải mái, tận hưởng cảm giác thư giãn trong quá trình đọc. Hàng năm, chúng tôi phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển các đầu sách hay cho thiếu nhi, nhất là các em người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn khó khăn. Cũ người mới ta. Khác với ở các thành phố, các em thiếu nhi ở đây vẫn chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận với các loại sách phù hợp với độ tuổi của mình như truyện tranh, truyện cổ tích...”, ông Đặng Huệ Chí - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện cho biết.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Mặc dù rất nỗ lực trong việc đưa sách về nông thôn đến mọi đối tượng, lứa tuổi nhưng có một thực tế mà những người làm công tác phụ trách thư viện ở Đơn Dương phải thừa nhận rằng đây đang là giai đoạn vô cùng khó khăn.
Ở các xã, không có trụ sở độc lập nên thư viện được bố trí 1 phòng trong nhà văn hóa xã. Đồng thời, cán bộ phụ trách thư viện cũng là cán bộ bán chuyên trách, thông thường là cán bộ văn hóa xã hội kiêm phụ trách thư viện. Chính vì thế mà theo ông Đặng Huệ Chí, ngoài nhiệm vụ chính là mở, đóng cửa, sắp xếp, bảo quản sách... thì những cán bộ thư viện này không có nhiều kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để tổ chức quảng bá, giới thiệu sách hay, thu hút người dân. Hằng năm, huyện vẫn tổ chức tập huấn cho cán bộ thư viện ở cơ sở với sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh tuy nhiên vì là cán bộ bán chuyên trách nên không có nhiều thời gian để tự rèn luyện, trau dồi.
“Lịch mở cửa của thư viện là thứ hai, tư, sáu hàng tuần và đã thông báo rộng rãi cho bà con. Tuy nhiên, người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, vì bận rộn nên ngày thường rất ít người lui tới thư viện để đọc, mượn sách. Chỉ những dịp xã có các cuộc họp hay có chương trình thì mình tới sớm mở cửa để bà con tranh thủ đọc sách trong thời gian chờ đợi, giải lao... Thư viện vẫn mở cửa để “chờ” người đọc tới nhưng dường như người dân không thực sự mặn mà”, chị Đỗ Thị Lan Hương - cán bộ phụ trách thư viện xã Lạc Lâm cho hay.
“Chúng tôi xác định phải nắm bắt đúng nhu cầu của người dân để từ đó đưa sách có nội dung phù hợp phục vụ bà con. Trong thời gian tới, Thư viện huyện sẽ tăng cường và cập nhật thường xuyên các loại sách về nông nghiệp, kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm Văn hóa đang lên kế hoạch phối hợp Ban chỉ đạo Nông thôn mới để tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp công nghệ cao, từ đó kích thích người dân tìm hiểu các tài liệu liên quan. Thông qua đó, không chỉ phong trào đọc sách được nhân rộng mà bản thân người dân cũng tích lũy cho mình những kiến thức, kinh nghiệm quý báu”, ông Đặng Huệ Chí cho biết thêm.
HỒNG THẮM