Yêu thương gửi ra biển đảo

08:04, 02/04/2018

Ðối với các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, mỗi món quà gửi từ đất liền là một tình cảm được nâng niu, trân quý. Mỗi năm, Trường Sa lại nhận được rất nhiều món quà thể hiện tình cảm của nhân dân từ đất liền.

Ðối với các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, mỗi món quà gửi từ đất liền là một tình cảm được nâng niu, trân quý. Mỗi năm, Trường Sa lại nhận được rất nhiều món quà thể hiện tình cảm của nhân dân từ đất liền. Ngoài những món quà có giá trị về mặt vật chất thì những món quà đặc biệt mang ý nghĩa tinh thần luôn để lại ấn tượng mạnh, là “liều thuốc tinh thần” giúp cán bộ, chiến sĩ nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cảm thấy ấm lòng.
 
Những chiến sĩ trẻ háo hức với những bức thư được gửi từ đất liền. Ảnh: V.Q
Những chiến sĩ trẻ háo hức với những bức thư được gửi từ đất liền. Ảnh: V.Q

Trong chuyến hải trình ghé thăm Trường Sa trong dịp Tết vừa rồi, chúng tôi đã may mắn biết mấy, và xúc động biết mấy khi đã được gặp, được lắng nghe thật nhiều câu chuyện cảm động xung quanh những món quà được trao đi - nhận lại trên tàu và trên từng điểm đảo. 
 
Những cánh thư gửi tới đảo xa
 
Năm nay đã là năm thứ 2 nhận công tác tại Trường Sa, Binh nhất Nguyễn Thanh Tuấn (điểm đảo Đá Đông B) vẫn cảm thấy quá đỗi hào hứng mỗi lần chào đón các đoàn công tác ghé thăm. Riêng với những chuyến tàu chở hàng tết, ngoài ngóng trông rau xanh và nhiều nhu yếu phẩm, Tuấn còn mong đợi những cánh thư mang hơi ấm từ đất liền. Hai cái tết xa nhà, những cánh thư mang nhiều tình cảm ấy đã góp phần làm ấm lòng người lính Hải quân nơi biển đảo.
 
Trên chuyến tàu ghé thăm Trường Sa trước dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, đã có rất nhiều bức thư gửi từ các em học sinh đã được trao tận tay cho các chiến sĩ. Nằm trong khuôn khổ các hoạt động phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” đã phát động học sinh, sinh viên “Viết thư cho bộ đội Trường Sa”. Từ đó, đã có hàng ngàn bức thư được viết lên bằng tất cả tấm lòng biết ơn những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
 
Trong bức thư của mình, em Thân Thị Ngọc Nga (học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên) đã chân thành viết rằng: “Từ thuở nhỏ, nhiều lần em đã mơ ước trở thành một cô bộ đội, nhưng bây giờ em lại muốn trở thành một cô phóng viên. Biết đâu nếu mơ ước ấy trở thành hiện thực, trong một lần tác nghiệp, em lại được gặp người đã nhận được bức thư của em - những người con tuyệt vời của Tổ quốc”.
 
Còn các em học sinh lớp A1K59 Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc lại chia sẻ rằng: “Qua các bài học trên lớp, qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng em đã biết rằng, khi chúng em đang được sống trong bình yên, được học tập, vui chơi thì các anh đang phải đối mặt với phong ba bão táp nơi đảo xa. Dù các anh phải sống xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân yêu nhất, nhưng tất cả những điều đó cũng không ngăn nổi trái tim của các anh nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nơi hậu phương, luôn có những trái tim hướng về, ủng hộ và tin tưởng các anh”.
 
Những chiến sĩ Trường Sa mười tám đôi mươi “chưa từng hò hẹn”, tâm hồn vẫn nhiều mộng mơ và “ham” bạn bè, nên vui lắm mỗi lần đọc những cánh thư từ những người chưa quen nhưng đong đầy tình cảm trên mọi miền Tổ quốc. Có tận mắt nhìn thấy các anh lính trẻ đón nhận những bức thư và hào hứng cùng nhau đọc thư, mới hiểu được sự trân trọng và niềm vui của bộ đội Trường Sa. Qua từng dòng chữ chân thành và mộc mạc, những bức thư đã trở thành món quà tuy giản dị nhưng sâu nặng nghĩa tình.
 
Những món quà nối gần đất liền - biển đảo
 
Tình cảm ở đất liền dành cho Trường Sa luôn ăm ắp, đong đầy, nên những món quà được gửi ra đảo xa cũng luôn được chuẩn bị bằng rất nhiều tình thương yêu đặc biệt.
 
Buổi tối duy nhất đoàn công tác được ở lại trên đảo Trường Sa, dưới tán cây bàng vuông không còn nhiều lá sau bão, trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo và các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã thật bất ngờ khi nhận được một món quà đặc biệt: Tấm thiệp chúc mừng năm mới của một em bé tự kỷ ở Hà Nội, được chị Hồng Diên (phóng viên Báo Xây dựng) trao lại. Cùng với rất nhiều khăn mặt, xà phòng tắm, bánh kẹo mà mẹ bé trao tặng, tấm thiệp đính kèm chỉ ghi duy nhất một dòng chữ: “Duy Anh chúc các chú bộ đội năm mới 2018 mạnh khỏe, công tác tốt” và ký tên phía dưới. “Tấm thiệp này của ai mà lạ vậy chị? Hình như là của một cháu bé vì nét chữ rất nguệch ngoạc và còn thiếu cả dấu câu!”- trung tá Lương Quốc Anh thắc mắc.
 
Mọi người đã thật xúc động khi biết rằng, tấm thiệp là của cháu Bùi Duy Anh (14 tuổi), học sinh Trường THCS Xã Đàn - trường dành cho những học sinh khuyết tật ở Thủ đô Hà Nội. Duy Anh là trẻ tự kỷ với nhận biết xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi được mẹ cho xem hình ảnh về bộ đội Trường Sa, cậu bé đã nằng nặc đòi mẹ phải dẫn đi mua quà, thiệp chúc mừng năm mới và nhờ người gửi tặng các chú bộ đội. “Qua Facebook, mẹ cháu biết được tôi sắp ra Trường Sa công tác nên đã liên hệ và nhờ gửi món quà này tới các anh”, chị Diên cho biết.
 
Trên chuyến tàu KN490 ra Trường Sa, tôi đã gặp Trung úy Trần Thành Chung (quê Hải Phòng) ra đảo Đá Tây C nhận nhiệm vụ. Đã từng công tác tại đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, anh bảo rằng từ lần đầu tiên ra Trường Sa nhận công tác từ năm 18 tuổi, đến bây giờ là người đàn ông đã 39 tuổi, anh vẫn vẹn nguyên cảm giác nhớ nhà mỗi lần tàu rời bến. Nhưng trên tất cả, anh xác định mình là người anh, người chú, phải động viên tinh thần những chiến sĩ trẻ hơn vững lòng làm nhiệm vụ. Và trong chuyến đi lần này, hành trang anh mang theo có thêm bánh kẹo, chè, thuốc lào Vĩnh Bảo - đều là những đặc sản của quê hương - làm quà cho những chiến sĩ đồng hương ngoài đó phần nào nguôi nỗi nhớ quê.
 
Không chỉ có những món quà đất liền gửi ra Trường Sa mới đặc biệt, mà những món quà từ biển đảo gửi về đất liền cũng đong đầy ý nghĩa. Ngày tàu cập cảng Cam Ranh, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh những người lính kết thúc thời gian công tác trên đảo, trở về đất liền và trên tay là những món quà mang về từ đảo. Đó là những cây bàng vuông, cây tra con mang về trồng ở nhà cho “đỡ nhớ” những ngày trên đảo, là những vỏ ốc to vọng về tiếng gió biển, là những cây hoa ốc thật đẹp đã được các chiến sĩ trẻ chăm chút, nâng niu từ những ngày trên đảo, để dành mang về tặng “người thương”, như là mang về một phần kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.
 
Và rất nhiều thành viên trong đoàn công tác cũng đã thật xúc động khi nhận được món quà giản dị nhưng đầy tình cảm của những người lính đảo. Đôi khi đơn giản chỉ là chiếc lá tra phơi khô, quả bàng vuông hay con ốc biển nhỏ xinh. Nhưng ai cũng hiểu rằng, đó đều là những tình cảm chân thành, nối gần hơn đất liền và biển đảo.
 
VIỆT QUỲNH