
Đã đến lúc cần lắm, coi quy hoạch, kiến trúc Đà Lạt là một di sản quý hiếm, để từ đó khẩn trương có những chế tài nghiêm ngặt và hệ thống nhằm bảo tồn và định hướng phát triển.
Đã đến lúc cần lắm, coi quy hoạch, kiến trúc Đà Lạt là một di sản quý hiếm, để từ đó khẩn trương có những chế tài nghiêm ngặt và hệ thống nhằm bảo tồn và định hướng phát triển.
Trong đầu tháng 3/2018, một hội thảo khoa học với chủ đề “Đà Lạt, Di sản cho tương lai? - Thách thức của quy hoạch không gian đô thị: Các giải pháp kinh tế bền vững để bảo vệ di sản” do Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp - Việt (AAFV), TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Yersin tổ chức. Hội thảo nhân dịp 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt; 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Việt; 125 năm hình thành thành phố Đà Lạt… Tại đây, có nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư giỏi của Việt Nam và Pháp tham luận, trong đó, ở Lâm Đồng, người duy nhất là kiến trúc sư (KTS), thạc sĩ Trần Đức Lộc, với tư cách là một chuyên gia độc lập. Chia vui với KTS Trần Đức Lộc, tôi đặt vấn đề:
Thưa KTS, khi đặt vấn đề hướng đến di sản quy hoạch - kiến trúc của Đà Lạt, theo tôi, nó vừa khẳng định đến một thương hiệu, vừa hướng điểm nhìn để khai triển đúng cả bảo tồn - phát huy, cả đầu tư - phát triển. Theo anh, có thể nhận diện về di sản quy hoạch - kiến trúc Đà Lạt như thế nào?
KTS Trần Đức Lộc: Hiện nay, tại TP Đà Lạt, một số công trình, vật thể và khu vực cảnh quan thiên nhiên đã được công nhận giá trị di sản văn hóa (DSVH) tầm quốc gia và quốc tế. Bao gồm: các thắng cảnh tự nhiên hồ Xuân Hương (trong đó có cả Đồi Cù, Thủy Tạ), hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, thác Prenn, thác Datanla, thác Cam Ly, Thung lũng Tình Yêu được công nhận “Di tích lịch sử - văn hóa và thắng cảnh quốc gia”. Về kiến trúc, có hai công trình là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Trường Grand Lycée Yersin thời Pháp) và Nhà Ga xe lửa Đà Lạt được công nhận “Di tích kiến trúc quốc gia”. Ngoài ra, UNESCO công nhận Mộc bản triều Nguyễn là “Di sản tư liệu thế giới” và khu vực Lang Bian thuộc vùng lõi là Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, thuộc huyện Lạc Dương và vùng chuyển tiếp là TP Đà Lạt là “Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới”.
Một lần tôi trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông ấy hết lòng ngợi ca đến vốn kiến trúc quý báu, có một không hai ở Việt Nam do người Pháp để lại TP Đà Lạt. Anh có thể nêu một số tài sản - di sản này?
KTS Trần Đức Lộc: Ngoài 2 Di sản kiến trúc quốc gia mà tôi đã nêu, trên địa bàn TP Đà Lạt hiện còn rất nhiều công trình, khu vực hình thành từ thời “Pháp thuộc”, tuy chưa được công nhận là DSVH cấp tỉnh hoặc quốc gia nhưng nó góp phần rất quan trọng làm nên bảo tàng kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt. Liệt kê một số để thấy tính chất đồ sộ và phong phú của mảng này: Khách sạn Palace và Du Parc; Cục Bản đồ; Nhà thờ Chánh tòa; Dòng tu Mai Anh (Domain de Maria); các Dinh I, II, III và Dinh Nguyễn Hữu Hào, Dinh Tỉnh trưởng cũ… Đó là cầu Ông Đạo; các hồ nước cảnh quan như hồ Suối Vàng, hồ Vạn Kiếp; thủy điện Ankroet; đầu máy xe lửa và tuyến đường sắt răng cưa cùng hệ thống các nhà ga xe lửa… Riêng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước hiện có 162 công trình, bao gồm 3 nhóm. Còn có các bản đồ và ý tưởng quy hoạch gắn với lịch sử TP Đà Lạt, như bản đồ thám hiểm Đà Lạt của bác sĩ Yersin từ năm 1893; các bản đồ án quy hoạch lịch sử của TP Đà Lạt, mà chỉ với đồ án quy hoạch sau cùng của KTS Lagisquet, đến nay đã 75 năm… Những vật thể này ẩn chứa những sứ mệnh và giá trị văn hóa theo dòng thời gian của lịch sử, không chỉ riêng cho TP Đà Lạt, mà trở thành DSVH của quốc gia và cả thế giới trong tương lai không xa.
Cũng phải kể đến các công trình kiến trúc mang tính kế thừa, phát triển mới và sẽ phát triển. Ví dụ, Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Khu Trung tâm Hòa Bình, Chợ Đà Lạt (khối A).v.v… Tất cả các công trình này đều mang lại nét đặc trưng rất riêng cho TP Đà Lạt trong suốt quá trình lịch sử 125 năm hình thành và phát triển; đem lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử “mang tính toàn vẹn” (theo UNESCO), về một Đà Lạt là “đô thị di sản” (nói chung), hay “Thành phố của những di sản quy hoạch, kiến trúc Pháp” (nói riêng) - mà trong đó từ ý tưởng đến giải pháp quy hoạch, kiến trúc công trình “kiểu Pháp” đáng được tôn vinh, lưu truyền và kế tục phát triển trong tương lai…
Quý đấy, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận TP Đà Lạt đã và đang đối diện với những thách thức không nhỏ trong quá trình bảo tồn di sản. Khi TP Đà Lạt trở thành di sản quy hoạch - kiến trúc thì lúc đó việc bảo tồn - phát huy trong phát triển mới thực sự có “bà đỡ” hữu hiệu nhất có thể bởi từ những định chế. Quan điểm của KTS thế nào?
KTS Trần Đức Lộc: Xu hướng “phát triển đô thị” hiện đại luôn gắn liền với yếu tố “bảo tồn di tích - di sản”, nhất là với các di sản kiến trúc công trình (dạng đơn lẻ), hay kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên (dạng quần thể, tuyến phố hay cả khu đô thị). Tuy nhiên, trong thực tế, có những quan niệm và cách làm khác biệt về “bảo tồn và phát triển”: Hoặc chú trọng “cấu trúc nguyên gốc” của kiến trúc công trình và chỉ quản lý DSVH theo “giá trị pháp lý” khi được cấp có thẩm quyền công nhận; hoặc xem “nghệ thuật kiến trúc” bền vững với thời gian sẽ quyết định “giá trị văn hóa” của công trình, kể cả khi công trình chưa được công nhận là di sản. Vì vậy, tùy điều kiện cụ thể để nghiên cứu áp dụng đối với các DSVH Pháp tại Đà Lạt. Có thể vận dụng các ưu thế của kỹ thuật quy hoạch và kiến trúc, cho phép hóa giải, dịch chuyển, phục dựng, giả cổ và kể cả làm mới (giống như cũ)… nhằm chuyển tải giá trị văn hóa của di sản kiến trúc công trình và tôn tạo cảnh quan đô thị, nhưng đồng thời phải tạo động lực để phát triển kinh tế bằng các công năng phù hợp để công trình được bảo tồn và phát triển cho đời sau,…
Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và quy hoạch đô thị thông qua dẫn chứng một vài công trình?
KTS Trần Đức Lộc: Tại các nước có DSVH kiến trúc thế giới, kinh nghiệm rất phong phú để nghiên cứu áp dụng. Ví dụ, như Khu đô thị cổ Lệ Giang (Trung Quốc), Nhà thờ Cologne (Đức), Kim tự tháp kính tại Bảo tàng Louvre (Paris - Pháp)… Ở Việt Nam, có thể đúc kết từ một số việc chúng ta đã làm như trùng tu các tuyến phố cổ TP Hà Nội, Hội An, nâng cấp Nhà hát lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với TP Đà Lạt, một số công trình kiến trúc Pháp đã được quy hoạch, cấp phép cải tạo, sửa chữa trong thời gian qua, như: Khu Dinh I, Dinh II, Văn phòng UBND tỉnh, Khách sạn Palace, Du Parc, Café de La Post, Trường Cao đẳng Sư phạm, Đại học Yersin, Cao đẳng Nghề, Cục Bản đồ, Biệt thự Phi Ánh, Khu biệt thự Trần Hưng Đạo, Khu biệt thự Lê Lai…
 |
TP Đà Lạt từ góc nhìn hướng Tây Nam. Ảnh: M.Đ |
Vậy theo KTS, định hướng chung một TP Đà Lạt bắt đầu từ đâu và đâu là những hạn chế đang hiện hữu cần sớm điều chỉnh thưa anh?
KTS Trần Đức Lộc: Từ năm 1994 đến nay, TP Đà Lạt có 3 đồ án quy hoạch chung về “TP Đà Lạt và vùng phụ cận” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 1994, 2002 và 2014), đánh dấu các giai đoạn phát triển mới, mang tính lịch sử của TP. Đặc biệt, với đồ án quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (thường gọi là Quy hoạch 704, được Thủ tướng phê duyệt năm 2014), tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung và góp phần nâng cao vai trò quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Cần cụ thể hóa hơn nữa bằng các đồ án quy hoạch chi tiết, giải pháp thiết kế đô thị tương xứng; kết hợp các chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư; đồng thời đề ra các quy chế - quy định nhằm nâng cao vai trò quy hoạch kiến trúc đô thị và giá trị kiến trúc công trình; đề cao trách nhiệm và cơ chế kiểm soát các hành vi vi phạm trong quá trình quản lý (từ sau khi phê duyệt, cấp phép, xử lý sai phạm…). Theo đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp kiểm soát các chỉ tiêu quản lý quy hoạch, kiến trúc trên các trục phố chính; chú trọng kiến trúc mới để phát triển cảnh quan đô thị và hài hòa với quỹ kiến trúc biệt thự Pháp xưa… Việc nâng cấp, làm mới các biệt thự Pháp thông qua việc bán, cho thuê, chuyển giao, đưa vào quản lý đầu tư và khai thác kinh doanh… trong thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị về kiến trúc công trình “kiểu Pháp”, tôn tạo không gian quy hoạch đô thị Đà Lạt, thông qua các hình thức kinh doanh dịch vụ phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong giải pháp quy hoạch và kiến trúc công trình. Cụ thể như: xây mới Hội trường đa năng trong khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm; xây mới Trung tâm Hội nghị quốc tế Palace - nay hóa thành “Khách sạn Palace 2”; xây mới nhà ở của dân trước lối vào Cục Bản đồ… Một số kiểu mái “lạ lẫm” hiểu sai lệch về kiến trúc “mái mansard” của Pháp (từ thế kỷ 19), với độ dốc mái dựng đứng hơn kiểu mái ngói thông thường, nhằm giấu đi một phần tầng nhà trên cao trong gầm mái (thường gọi là “tầng áp mái”)… Việc xây chen các hạng mục công trình mới bên trong (hoặc giáp ranh) khuôn viên đất các công trình kiến trúc Pháp xưa và cho phép “sáng tạo” các kiểu mái lập dị tại một số nhà ở, khách sạn trong thời gian gần đây… đã tạo sự tranh chấp về hình thức kiến trúc, hoặc gây áp lực về mật độ xây dựng và tầng cao… làm hỏng một phần cảnh quan kiến trúc đô thị, hoặc làm giảm giá trị bản thân di sản kiến trúc Pháp tại khu vực (nói riêng) và quỹ kiến trúc đô thị Đà Lạt (nói chung).
MINH ĐẠO (thực hiện)