Qua những miền đất anh hùng

04:04, 29/04/2018

Nam Tây Nguyên mùa nắng, mùa những cánh chim ch'rao sải cánh giữa đại ngàn. Đi giữa âm giai của bản Tình ca Tây Nguyên, trên cung đường nối dài những buôn xa, về với những miền đất anh hùng để nhớ, để "cảm" và hòa nhịp sức sống mới cùng bà con buôn làng.

Nam Tây Nguyên mùa nắng, mùa những cánh chim ch’rao sải cánh giữa đại ngàn. Đi giữa âm giai của bản Tình ca Tây Nguyên, trên cung đường nối dài những buôn xa, về với những miền đất anh hùng để nhớ, để “cảm” và hòa nhịp sức sống mới cùng bà con buôn làng.
 
Đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội. Ảnh: M.V.B
Đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội. Ảnh: M.V.B
Lâu rồi mới được về với buôn làng người Mạ, S’Tiêng phía thượng nguồn sông Đồng Nai, mảnh đất Anh hùng Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, để được xoay cần rượu thơm nồng cùng các già làng, cựu du kích kiên dũng bên bếp lửa nhà sàn và nghe kể chuyện khan. 
 
Qua những buôn làng Bù Sa, Bê Đê, Đạ Cọ đến Bi Nao, Bù Gia Rá, tiếng cồng, tiếng chiêng trầm bổng; những câu yal yau, tăm pớt đã rộn ràng mùa hội. Lần nào cũng thế, có dịp về miền đất rừng núi nghĩa tình thời bom đạn giữa Chiến khu D, tôi đều ghé thăm nữ du kích một thời, dũng sĩ Điểu Thị Năm Lôi. Bà mở lời: “Mình theo cách mạng từ thời con gái. Ở xã Năm (tên cũ Đồng Nai Thượng), nhiều người như mình, làm cách mạng để bảo vệ buôn làng. Chuyện đó bình thường ở xứ này mà. Giờ xã Năm khác xưa nhiều rồi, đường lên xã đã trải nhựa, không còn “xứ cô đơn” nữa. Đây là con đường của cuộc “cách mạng” đổi thay”. 
 
“Toàn tỉnh Lâm Đồng có 29 đơn vị được phong tặng Anh hùng LLVT, trong đó có 14 xã. Giờ đây, đêm đêm, bên bếp lửa rừng, lũ trẻ buôn làng vẫn háo hức chờ nghe kể chuyện anh hùng và những huyền thoại...”

Cách đây chừng chục năm, ai vượt được Đồi Mây lên “cổng trời” Bù Sa Lu Xiên, đều trở thành những vị khách “cực quý” của buôn làng. Ngày đó, Đồng Nai Thượng ẩn mình như một “ốc đảo” hoang vu giữa đại ngàn. Châm thêm nước suối Đạ Ròong mát lành, xoay cần rượu mời khách, bà Năm Lôi kể: “Cuối những năm sáu mươi, vùng này chỉ vỏn vẹn mấy nóc nhà dài, nhưng đồng bào Mạ, S’Tiêng một lòng theo cách mạng, cầm súng chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo đảm an toàn cho cán bộ khu ủy”. Với kiểu đánh thần sầu trong cuộc chiến không cân sức năm 1970, bà Năm Lôi đã được phong dũng sĩ, và trở thành biểu tượng tiếp thêm sinh lực cho những du kích người Mạ, S’Tiêng giữa rừng già Đồng Nai Thượng. 

 
Ngày chưa lập xã, cuộc sống đồng bào cứ phiêu dạt qua những cánh rừng. Hầu như cả buôn đều không biết chữ. Không gian tĩnh lặng, lão du kích trải qua hai cuộc kháng chiến, tổng già làng Điểu Đoi, trường thọ hơn thế kỷ, hơn 50 năm tuổi Đảng, bí thư chi bộ đầu tiên xã Năm, đang vân vê tẩu thuốc, già bảo: “Ồ, chuyện xưa không kể hết đâu. Giờ bà con đang tự hào về sự đổi thay trên vùng quê cách mạng. Đảng, Nhà nước đã đưa cái chữ, ánh điện, y tế lên xã Năm rồi. Bà con vui lắm…”. Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng Điểu K’Giắc cho biết, xã đã đạt 11 tiêu chí nông thôn mới, nhiều hộ có điều kiện mua ô tô, chuyện đói đã lùi về ký vãng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng. Và, sẽ có những huyền thoại được tiếp nối trên miền đất anh hùng này… 
 
Sáng, những dải mây trắng ủ ấp trên cao nguyên B’Lao. Hương chè, hương hoa cà phê dìu dịu trên cung đường về xã Anh hùng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Trong nhà dài truyền thống người Mạ, già làng K’Diệp đang ủ rượu cần chuẩn bị đón khách, già mở lời: Xưa, buôn làng đói cơm, thiếu áo, nhưng đều thức trắng đêm, lo cho bộ đội từng hạt muối và bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm. “Mình đi làm cách mạng từ năm 1963, sau đó bảy năm thì được làm bộ đội Cụ Hồ. Miền đất này còn có du kích K’Vét, xưa đã bắn rơi máy bay địch bằng súng trường, được các thế hệ lưu truyền như huyền thoại”, già K’Diệp thổ lộ.
 
Dải núi Đăng PòtCàl, Đăng Trinh dệt những miền xanh, ôm ấp những buôn làng người Mạ, Cơ Ho... Trong mạch nguồn câu chuyện, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc K’Tư bảo: “Cách nay chừng mươi, mười lăm năm, xã Lộc Bắc còn khó khăn lắm, đường sá đi lại vất vả, cuộc sống bà con chủ yếu nhờ lộc rừng, giờ thì vui hơn rồi...”. Lộc Bắc là xã vùng sâu, vùng xa, có hơn 1.160 hộ sinh sống tại 4 thôn, 11 buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 78%. Hiện xã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người hơn 24 triệu đồng, cái đói mùa giáp hạt đã lùi xa.
 
Sức sống mới đã bật mầm trên miền đất bazan. Trong hành trình về với buôn làng Anh hùng xã Lộc Lâm, Lộc Nam, Lộc An (huyện Bảo Lâm), bên bếp lửa rừng, chúng tôi được già làng kể những câu chuyện huyền thoại, từ thời kháng chiến bảo vệ buôn làng, đến cuộc cách mạng đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất… Mây la đà trên đỉnh Kon K’Làng. Bên dàn chiêng quý vừa ngân mừng 40 năm thành lập xã Anh hùng Lộc Lâm, già làng K’Sáu vui mừng: “Mỗi khi nhớ về những ngày tháng tham gia cách mạng, mình rất tự hào về bà con và mảnh đất anh hùng này. Giờ đây, nhiều nhà đã có của ăn, của để, cái bụng mình vui lắm”.
 
Một góc trung tâm xã Tân Châu, Di Linh, Lâm Đồng. Ảnh: M.V.B
Một góc trung tâm xã Tân Châu, Di Linh, Lâm Đồng. Ảnh: M.V.B
Cao nguyên Di Linh bồng bềnh trong mây. Rẽ về Quốc lộ 28, ngược phía “cổng trời” cuối xã Tân Châu, những “biệt thự” e ấp giữa rẫy cà phê mùa bông trắng, những buôn làng “triệu phú” thắm tươi trong nắng chiều. Xã Tân Châu có mười thôn, nhưng có đến bảy thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Từ một xã nghèo trên vùng đất cách mạng Di Linh, Tân Châu đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành xã giàu của cả nước và được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới năm 1998. Hàng chục đoàn làm phim, hãng truyền hình đã đến xứ này và hàng trăm sự ví von về “buôn triệu phú”. 
 
Trong ngôi “biệt thự” xây cách đây hơn 20 năm, khoảng 500 triệu đồng, khi những cung đường về buôn còn màu đất đỏ, Bí thư Chi bộ Thôn 4, xã Tân Châu, già làng K’Nhơr, từng đảm nhiệm bí thư xã hai nhiệm kỳ, thổ lộ: “Xưa, khó khăn lắm. Thời mới lập buôn Bờ Kào, Bờ Jợ, chưa thành xã, có vài trăm hộ đồng bào sinh sống, đói triền miên. Giờ thay đổi gấp hàng nghìn lần. Xe máy cày, ô tô ở Tân Châu được xem như xe máy ở xứ khác”. Bí thư đoàn xã K’Nôs đưa tôi dạo quanh buôn làng trên chiếc xe bảy chỗ, được gia đình “rước” về cách đây mấy năm, anh kể: Cách đây gần 15 năm, khi mùa cà phê được giá, nhiều đại lý xe máy tại Lâm Đồng không đủ xe cung cấp cho bà con xã Tân Châu. Những năm đó, tại các buôn làng, nhiều “biệt thự” cũng mọc lên. 
 
Còn nhớ, năm 2006, thu nhập bình quân đầu người xã Tân Châu đạt 20 triệu đồng, trong khi bình quân cả nước chỉ gần 11,7 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Tân Châu Doãn Văn Hùng cho biết, Tân Châu có 2.433 hộ, với chín dân tộc anh em sinh sống, chiếm 63% dân số. Trước đây, cuộc sống du canh, du cư qua những triền đồi, cơ cực lắm. Giờ hộ giàu không ngừng tăng, chiếm khoảng 30%; 100% nhà ở kiên cố, mà phần lớn được ví là “biệt thự”. Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,9 triệu đồng. “Cốt là ý thức, sự đoàn kết và tư duy đổi mới của người dân, giúp nhau làm giàu trên quê hương mình”, Bí thư xã Tân Châu thổ lộ. Giờ đây, trong những ngày hội buôn làng, cùng những bản tình ca sơn cước, bà con Tân Châu sẻ chia về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, về những người con đang tạm xa buôn làng đến các giảng đường đại học... 
 
Chiều. Giọt nắng cuối ngày còn buông lơi. Hoa cà phê phủ khắp núi đồi, tỏa hương dịu nhẹ, quấn quyện trong làn gió ngọt lành, chợt nhớ những mùa cà phê trổ bông trên miền đất đỏ... đó là lúc các buôn làng Tây Nguyên vào mùa hội, mùa “ăn năm, uống tháng”. Và, trên những miền đất gian lao mà anh dũng một thời, mãi đong đưa câu hát “Đất chờ nước, nước theo anh về/ cho Tây Nguyên thêm xanh...”.
 
Ký sự: MAI VĂN BẢO