Lạc Dương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng

02:04, 09/04/2018

(LĐ online) - Những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, UBND huyện Lạc Dương còn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn…

(LĐ online) - Những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, UBND huyện Lạc Dương còn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn…
 
Cơ quan chức năng của huyện Lạc dương đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ vi phạm về lâm luật
Cơ quan chức năng của huyện Lạc Dương đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ vi phạm về lâm luật

Xác định rừng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH của địa phương, ngày 11/4/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương ban hành Nghị quyết 02 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn (thay thế Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Lạc Dương ban hành ngày 21/12/2010). Nghị quyết 02 đã cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 26/3/2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lâm sản để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị của huyện vào cuộc, thực hiện QLBVR.
 
Đồng chí Sử Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Ngay sau khi Huyện ủy ban hành Nghị quyết 02, UBND huyện đã tổ chức quán triệt cho từng cơ quan chuyên môn cũng như UBND các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện nghiêm nội dung nghị quyết. Cùng với đó, UBND huyện ban hành kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chuyên môn cũng như UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác QLBVR. 
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương, từ năm 2015 đến nay, xác định công tác QLBVR là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, UBND huyện đã ban hành tới 135 văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lâm sản; giải quyết các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Chỉ tính riêng trong việc thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện trong công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm, kết quả số vụ vi phạm về lâm luật trên địa bàn đã giảm theo từng năm. Trong 3 năm (từ 2015 - 2017), cơ quan chức năng của huyện Lạc Dương đã phát hiện, xử lý hành chính và hình sự 359 vụ vi phạm về lâm luật. Trong đó, năm 2016 giảm 34 vụ so với năm trước và năm 2017 giảm 32 vụ so với năm 2016.
 
Phương tiện san bạt đất trái phép bị cơ quan chức năng Lạc Dương tạm giữ chờ xử lý
Phương tiện san bạt đất trái phép bị cơ quan chức năng Lạc Dương tạm giữ chờ xử lý

Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện tới xã, thị trấn, đến nay, huyện Lạc Dương đã giải tỏa trên 171 ha đất lâm nghiệp (trong đó diện tích lấn chiếm mới hơn 84 ha) bị lấn chiếm trái phép. Tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân thôn 4, xã Đạ Long (Đam Rông) di dân tự do lấn chiếm đất rừng trái phép, định cư lâu dài tại khu vực tiểu khu 26, 27 xã Đưng K’Nớ để bàn giao cho Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà trồng lại rừng theo quy định. 
 
Không chỉ vậy, lãnh đạo UBND huyện còn sắp xếp thời gian làm việc, thường xuyên đi cơ sở để trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình thực tế tại cơ sở. Chỉ đạo cho Đội 12 tăng cường tuần tra, truy quét, hỗ trợ các chủ rừng, chính quyền xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường giải tỏa những diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm; đồng thời, tập trung giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan cùng UBND các xã, thị trấn đã tổ chức nhiều đợt truy quét, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép trong rừng; sử dụng chất nổ đánh sập hai hầm thiếc trái phép tại khu vực Núi Cao (xã Đạ Sar), xử lý dứt điểm không để tạo điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện.
 
Cũng từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Lạc Dương còn chỉ đạo các chủ rừng, Hạt Kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phương án trồng rừng, trồng cây phân tán, gieo hạt thông 3 lá trên diện tích đất giải tỏa, đất trống với hơn 414 ha, và trồng trên 15.000 cây phân tán. Hạt Kiểm lâm và các chủ rừng thường xuyên tuần tra, bảo vệ, chăm sóc, phòng chống cháy rừng (từ năm 2017 đến nay không để xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn) để xúc tiến tái sinh rừng, duy trì và phát triển diện tích rừng, độ che phủ của rừng, đảm bảo duy trì độ che phủ rừng đạt 85%, dẫn đầu cả tỉnh về mật độ che phủ rừng. 
 
Tính đến thời điểm này, Lạc Dương đang dẫn đầu cả tỉnh về mật độ phủ xanh rừng tới 85%
Tính đến thời điểm này, Lạc Dương đang dẫn đầu cả tỉnh về mật độ phủ xanh rừng tới 85%

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các chủ rừng cũng đã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn tiến hành xác định ranh giới đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng; tổ chức cam kết bảo vệ rừng với từng hộ dân. Từ việc làm này, kết quả đã mang lại rất tích cực, đến nay tình trạng ken cây, phá rừng để mở rộng đất sản xuất giảm hẳn tại các tiểu khu 115, 116 xã Đạ Sar, và tiểu khu 97 xã Đa Nhim. 
 
Cùng với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, huyện Lạc Dương còn làm tốt công tác giao khoán QLBVR. Đến nay huyện đã giao khoán cho 3.072 hộ dân và 12 tập thể từ chương trình dịch vụ môi trường rừng; giúp cho người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.  
 
“Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì trên 72% dân số là đồng bào dân tộc, đời sống kinh tế chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Trong khi đó, nhiều hộ vẫn còn thiếu đất, hoặc chưa được cấp đất sản xuất…, chưa kể đất sản xuất của người dân chủ yếu ở ven rừng, trong rừng nên rất khó khăn cho công tác QLBVR. Tuy nhiên, UBND huyện cũng đã lường trước những khó khăn và đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm duy trì, giữ vững độ che phủ rừng 85%, nhằm góp phần phát triển KT-XH của địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài nhấn mạnh. 
 
Thụy Trang