
Hòa vào thực tế cuộc sống, chan hòa giữa thiên nhiên đa dạng, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Di Linh) đã có những sản phẩm nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả.
Hòa vào thực tế cuộc sống, chan hòa giữa thiên nhiên đa dạng, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Di Linh) đã có những sản phẩm nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả.
 |
Minh Hiếu giới thiệu chế phẩm Rosemary do em nghiên cứu |
Sản phẩm phòng chống muỗi từ cây gia vị
Nhiều năm nay, Trường THPT Lê Hồng Phong - Di Linh chú trọng việc khuyến khích học sinh sáng tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt dựa vào thực tế địa phương. Nhà trường xây dựng một khu vườn thực nghiệm với những loại cây phổ biến trong thiên nhiên để học sinh thuận lợi trong việc nghiên cứu, thực hành. Từ năm học 2015 - 2016 đến nay, nhà trường đều có học sinh tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh và luôn đoạt giải. |
Hơn 1 năm nay, chế phẩm Rosemary đã trở nên quen thuộc không những với thầy trò Trường THPT Lê Hồng Phong, mà còn là “bảo bối” bỏ túi của người dân khu vực xung quanh để phòng chống muỗi, côn trùng. Đây là sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh nhà trường Trần Minh Hiếu - lớp 12 từ các loại cây sẵn có trong thiên nhiên. Chế phẩm Rosemary được đựng trong một lọ nhỏ với mùi hương dễ chịu, tạo cảm giác thoải mái, thư giãn của tinh dầu chiết xuất từ các loại cây gia vị hàng ngày như hương nhu, bạc hà, phong lữ, sả... nhưng lại là “khắc tinh” của muỗi, côn trùng, đặc biệt là sâu lông - vốn xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa ở Di Linh.
Để có được “bảo bối” Rosemary, cậu học trò mê môn Sinh học Minh Hiếu đã mày mò, nghiên cứu và nhận thấy rằng, một số cây gia vị mọc sẵn trong vườn nhà có khả năng xua muỗi, côn trùng. Trước dịch sốt rét và Zika năm 2016 do muỗi gây ra, Hiếu đã tạo ra sản phẩm tinh dầu có thể sử dụng trực tiếp lên da mang lại hiệu quả trong việc phòng trừ muỗi. Chế phẩm Rosemary cũng có tác dụng khi làm giảm sưng tấy do vết cắn của ong, kiến... Đặc biệt, việc thử nghiệm trên vùng da bị sâu lông bò lên mang lại hiệu quả cao khi hoàn toàn không còn ngứa ngáy.
Vốn thích khám phá thiên nhiên, Minh Hiếu đã đưa những loại cây gia vị quen thuộc trong bữa cơm gia đình và phổ biến ở địa phương trở thành sản phẩm gần gũi, hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Với chế phẩm Rosemary, Minh Hiếu đã đoạt giải ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2016 - 2017 và là sản phẩm từ thiên nhiên duy nhất được trưng bày trong gian hàng trải nghiệm sáng tạo Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2017 - 2018.
Than nung từ vỏ sầu riêng, gáo dừa
Với những nguyên liệu có sẵn tại địa phương như vỏ sầu riêng, gáo dừa... học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong áp dụng những kiến thức đã học để nghiên cứu ra sản phẩm có thể ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống.
Trước thực tế ngày càng có nhiều người trồng cây cảnh, hoa, lan...; học sinh nhà trường đã tận dụng nguồn nguyên liệu là vỏ sầu riêng có nhiều ở địa phương để nghiên cứu ra loại than hoạt tính làm giá thể. Qua nghiên cứu và thử nghiệm, sản phẩm được chứng minh là giá thể tốt nhất để trồng các loại cây cảnh, lan, hoa… Còn sản phẩm than tiền hoạt tính từ gáo dừa, hiện nhà trường đang sử dụng để xử lý nước thải từ phòng thí nghiệm, phòng thực hành.
Nguyễn Hoài Bảo - học sinh lớp 11A4 cho biết, với sản phẩm than sinh học nung từ vỏ sầu riêng, nhiều người đã tìm mua để trồng cây cảnh hay lan. Đặc biệt, từ việc xử lý nước thải trong phòng thực hành, than tiền hoạt tính từ gáo dừa có thể phát triển trở thành sản phẩm xử lý nước thải trong các nhà máy, khu công nghiệp...
Là giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học gắn với thiên nhiên, cô Nguyễn Thị Tiếp giảng dạy môn Sinh học Trường THPT Lê Hồng Phong cho rằng: “Đây là hoạt động bổ ích cho học sinh, giúp các em học hỏi về khả năng nghiên cứu, tìm hiểu những điều cần khám phá trong thiên nhiên. Chính từ thiên nhiên phong phú, gần gũi với cuộc sống hàng ngày sẽ khiến các em thích thú tìm hiểu, và khi được áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sẽ giúp các em dễ tiếp thu bài hơn”.
TUẤN HƯƠNG