
Giữa muôn trùng sông nước, họ, những người lính quân y đang ngày đêm làm nhiệm vụ của mình. Khám, chữa bệnh cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, cho hàng ngàn ngư dân rong ruổi theo luồng cá chạy, những người lính áo trắng đang vượt sóng, làm tốt nhiệm vụ người thầy thuốc trên biển quê hương.
Giữa muôn trùng sông nước, họ, những người lính quân y đang ngày đêm làm nhiệm vụ của mình. Khám, chữa bệnh cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, cho hàng ngàn ngư dân rong ruổi theo luồng cá chạy, những người lính áo trắng đang vượt sóng, làm tốt nhiệm vụ người thầy thuốc trên biển quê hương.
 |
Khám, chữa bệnh cho chiến sỹ và nhân dân trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: D.Q |
Những ngày đầu năm 2018, Bệnh xá đảo Sinh Tồn vui mừng nhận được điện thoại báo tin mừng từ gia đình thủy thủ Lê Văn Hai, tàu Đá Tây - 01 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cuối năm 2017, anh Lê Văn Hai bị đột quỵ ngay trên biển và được đưa vào cấp cứu tại bệnh xá đảo Sinh Tồn. Đột quỵ là triệu chứng cực kỳ nguy hiểm, ngay cả với đất liền, nơi có điều kiện y tế đầy đủ. Kíp thầy thuốc trên đảo đã cấp cứu cho anh Lê Văn Hai trong 3 ngày, đảm bảo chức năng sống và tới khi ổn định, đưa bệnh nhân vào bờ tiếp tục chữa trị tại Bệnh viện 175. Gia đình gọi điện cám ơn thầy thuốc của đảo và báo tin, anh Hai đã phục hồi khá tốt, có thể đi lại nhẹ nhàng và nói năng trở lại. Một trong những điều giúp giữ lại tính mạng và sức khỏe của anh Lê Văn Hai chính là sự cấp cứu kịp thời và đúng phương pháp của kíp y, bác sỹ trên Bệnh xá Sinh Tồn.
Anh Lê Văn Hai không phải trường hợp duy nhất được cứu sống khi gặp bệnh tật bất ngờ trên biển. Chiến sỹ, nhân dân và ngư dân ở Trường Sa gặp tai nạn cũng như đau bệnh là rất bình thường như bất cứ nơi nào trên trái đất. Vì vậy, lực lượng y, bác sỹ không bao giờ “thiếu việc”. Từ những em bé nhỏ đau sốt viêm họng, mọc răng tới chiến sỹ viêm ruột thừa, ngư dân bị tai nạn như rách vỡ xương, giảm áp là chuyện thường gặp. Trung úy bác sỹ Nguyễn Văn Thoan thuộc Viện y học Hải quân, bệnh xá Trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn kể lại trường hợp ngư dân Nguyễn Văn Cầu, quê Bình Thuận khi đi từ mủng lên tàu gặp tai nạn dập chân, mất một phần chân. Bệnh nhân được đưa lên đảo và cấp cứu ngay lập tức để tránh mất máu và nhiễm trùng. Bác sỹ Thoan cho biết, trên các đảo lớn, có dân cư và nhiều chiến sỹ đều có bệnh xá với kíp trực 4 người. Bệnh xá có phòng khám, phòng điều trị và một phòng mổ đủ điều kiện trung phẫu, sẵn sàng chữa trị tuyến đầu trước khi đưa về tuyến sau. Mỗi năm, y, bác sỹ trên các đảo chữa trị hàng trăm trường hợp cư dân, chiến sỹ và ngư dân đau ốm cũng như tai nạn trong lao động, chiến đấu.
Không chỉ ở đảo chìm, đông người mới có lực lượng áp trắng. Ở đảo chìm cũng có những thầy thuốc sẵn sàng chăm lo cho sức khỏe chiến sỹ và bà con ngư dân trên biển. Đại úy bác sỹ Hoàng Anh Tuấn trên đảo Đá Lớn C đã có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe cho chiến sỹ và ngư dân. Anh kể lại, đầu năm 2016, khi đang công tác trên đảo Núi Le có ca cấp cứu ngư dân đau bụng. Thăm khám chẩn đoán, anh xác định bệnh nhân viêm ruột thừa cấp và báo về Phan Vinh, đảo gần nhất có phòng mổ và cho chuyển bệnh nhân sang nhanh chóng. Ca mổ thành công, bệnh nhân đã mau chóng hồi phục và tiếp tục hành nghề. Anh Tuấn bảo: “Chúng tôi xác định nhiệm vụ của mình là chăm lo cho sức khỏe của chiến sỹ và bà con ngư dân đánh cá trên biển. Bên cạnh đó, việc phòng dịch cho đảo là hết sức cần thiết, ngăn chặn các bệnh dịch có thể xảy ra, nhất là ở đảo lớn có nhiều cư dân và có hoạt động chăn nuôi”.
Lực lượng y, bác sỹ trên các đảo của quần đảo Trường Sa tới từ nhiều bệnh viện quân đội trong cả nước, từ 108, Viện y học Hải quân, Viện Quân y 354... Một điều đặc biệt với những người lính áo trắng này là dù ở bệnh viên thuộc chuyên khoa nào thì lên đảo làm nhiệm vụ cũng đều thành bác sỹ đa khoa. Từ khám đau họng trẻ em, rách da người lớn cho tới thực hiện tiểu phẫu, trung phẫu, thiếu tá quân y Vũ Cao Ngọc, bệnh xá trưởng Sinh Tồn Đông chia sẻ. Như bác sỹ Ngọc với chuyên khoa mắt nhưng cuối năm 2017, khi có chiến sỹ trên đảo viêm ruột thừa, anh và kíp mổ đã xử lý thành công, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.
Điều may mắn là nhờ sự đầu tư của đất liền, trang thiết bị y tế trên các đảo, nhất là đảo nổi được đầu tư khá bài bản, các máy móc phục vụ việc khám, chữa bệnh như siêu âm, máy đo huyết áp... đều có đủ. Với những ca phẫu thuật phức tạp, kíp mổ ở đảo có thể hội chẩn trực tiếp với những chuyên gia đầu ngành thuộc các bệnh viện lớn. Chính vì vậy, việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ, cư dân và ngư dân ở Trường Sa ngày càng chất lượng, là điểm tựa vững vàng cho những con người ngày đêm trên biển.
DIỆP QUỲNH