63 năm xây dựng và phát triển Hội Luật gia Việt Nam

03:04, 04/04/2018

(LĐ online) - Kể từ ngày thành lập (4/4/1955), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. 

(LĐ online) - Kể từ ngày thành lập (4/4/1955), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay đã có hơn 63.000 hội viên. Hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Trong mọi hoàn cảnh, Hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. 
 
Trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ luật gia Việt Nam phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước được hình thành, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền mới. Nhiều luật gia Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ đã hăng hái bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ giành độc lập. Một số luật gia tiêu biểu có vinh dự được Hồ Chủ tịch giao những trọng trách trong Chính phủ. Được sự động viên, khuyến khích của Đảng và Nhà nước, ý tưởng về tập hợp đội ngũ luật gia thành tổ chức Hội Luật gia để cùng nhau góp sức, góp tài phục vụ cách mạng đã được hình thành và thúc đẩy hiện thực hóa ngày càng mạnh mẽ. Năm 1955, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam đã được tổ chức thành công và đã tập hợp khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia Hội do Luật sư Phan Anh làm chủ tịch Hội…
 
Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã trải qua 12 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc. Tại nhiều kỳ Đại hội, Điều lệ Hội được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, môi trường hoạt động. Trong mỗi giai đoạn, tuy phương thức tổ chức và hoạt động Hội có những điểm khác nhau nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu, tôn chỉ của Hội. 
 
Về việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, từ sau Đại hội XII của Hội đến nay, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác. Trước hết, đó là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Trong giai đoạn này, Hội Luật gia Việt Nam đã được Quốc hội tin tưởng giao chủ trì soạn thảo Luật trưng cầu ý dân… Hội còn tổ chức các cuộc Hội nghị, Hội thảo, tọa đàm để tham gia ý kiến xây dựng hàng trăm dự thảo văn bản pháp luật, trong đó có nhiều dự án luật lớn. Hội còn cử cán bộ tham gia tích cực và có hiệu quả vào các ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật và các chương trình, đề án của chính phủ và các bộ, ban, ngành khi có yêu cầu. Các cấp Hội ở địa phương còn tham gia thẩm định, rà soát, kiểm tra hàng trăm nghìn văn bản của các ngành, các cấp ở địa phương.
 
Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được chú trọng. Hiện nay, toàn Hội có 65 trung tâm tư vấn pháp luật, trong đó 11 trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc TW Hội và 54 trung tâm trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố. Các trung tâm trực thuộc TW Hội đã chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch hoạt động và đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên… Các trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các cấp hội đã tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được hơn 350.000 vụ việc, trong đó 80% là tư vấn miễn phí. Hội tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở  ở cả Trung ương và các cấp hội ở địa phương. 
 
Bên cạnh đó, Hội cũng đã phối hợp TVPL miễn phí cho công dân đến khiếu nại, tố cáo tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Ở các địa phương, nhiều Hội Luật gia các tỉnh, thành phố cũng đã ký kết chương trình phối hợp giám sát và nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Các cấp hội đã cử cán bộ tham gia các đoàn giám sát liên ngành do MTTQVN chủ trì bằng các hình thức như: tham gia các đoàn giám sát, tham gia tiếp công dân, tư vấn giải quyết khiếu nại, xây dựng các mô hình “Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn tham gia tiếp dân, tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại, hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai ở địa phương”... Các cấp hội đã tham gia tiếp hàng chục nghìn lượt công dân, tư vấn giải quyết khiếu nại hàng chục nghìn vụ việc.
 
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016 (Đề án 1133). Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 705/QĐ-TTg ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021, trong đó giao cho Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục chủ trì triển khai thực hiện Đề án 1133 đến năm 2021. Hội đã ban hành Kế hoạch số 215/KH-HLGVN triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án từng năm. 
 
Năm 2016 là năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp Hội đã xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật có liên quan công tác bầu cử cũng như tham gia tích cực và có hiệu quả vào các Hội nghị hiệp thương do Mặt trận tổ quốc các cấp chủ trì, tham gia giới thiệu người ứng cử, tham gia hoạt động giám sát bầu cử. Đáng chú ý là nhiều Hội viên đã được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Kết quả, có 55 Luật gia trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 1.283 Luật gia trúng cử đại biểu HĐND các cấp.
 
Các hoạt động tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật và hòa giải ở cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh. Các cấp Hội đã tích cực tham gia thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp: cử đại diện tham gia Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp ở một số tỉnh, thành phố; tham gia nhiều hoạt động khác về cải cách tư pháp, đã tổ chức được 14 cuộc Hội thảo khoa học, đóng góp nhiều ý kiến vào các Đề án, văn bản quan trọng như: Đề án Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam; Đề án nghiên cứu chuyểnViện Kiểm sát thành Viện Công tố; Đề án nghiên cứu thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; Đề án về cơ quan quản lý thi hành án; Đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên.v.v.., Hội còn được giao xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp”. Các cấp Hội đã tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở và đã hòa giải thành gần 82.900 các  tranh chấp lớn, nhỏ.
 
Về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, Hội đã cử cán bộ tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ Quốc tế (IADL), hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) và Hiệp hội Luật các nước Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP). Hội đã tham dự nhiều hội nghị do IADL, ALA, COLAP tổ chức. Đặc biệt, Hội đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng như: Hội nghị Hội đồng điều hành ALA lần thứ 38 tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1 đến ngày 4/4/2016; Tổ chức thành công Hội nghị Ban thường vụ IADL, Hội nghị Ban chấp hành COLAP và Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ IX (phối hợp với Học viện Ngoại giao)  tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 27/11 đến ngày 2/12/2017.
 
Nhìn lại những chặng đường Hội Luật gia Việt Nam đã đi qua, các thế hệ hội viên của Hội có thể khẳng định: Lịch sử của giới luật gia Việt Nam gắn liền với lịch sử của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều thế hệ luật gia trong nước cũng như đang định cư ở nước ngoài đã cùng toàn dân chịu đựng hy sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, đóng góp trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Dù trong hoàn cảnh nào, môi trường làm việc có khác nhau, nhưng các thế hệ hội viên vẫn thể hiện tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc.
 
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và nhiều phần thưởng cao quý khác. 63 năm xây dựng và phát triển, với những thành tựu đáng tự hào đã đạt được bằng sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi vì tôn chỉ, mục tiêu đã định, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục vững bước trên đường phát triển với kim chỉ nam “Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, phát triển” trong niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân và ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên.
 
Bùi Thanh Long