Ðội chữa cháy dân lập dưới chân núi LangBiang

09:04, 09/04/2018

Khoảng 4 tháng trở lại đây, người dân sống tại thị trấn Lạc Dương, dưới chân ngọn núi LangBiang đầy ắp huyền thoại, và cư dân ở khu vực vùng ven TP Ðà Lạt đã quen thuộc với hình ảnh chiếc xe U-oát sơn màu đỏ, chở đầy thiết bị chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. 

Khoảng 4 tháng trở lại đây, người dân sống tại thị trấn Lạc Dương, dưới chân ngọn núi LangBiang đầy ắp huyền thoại, và cư dân ở khu vực vùng ven TP Ðà Lạt đã quen thuộc với hình ảnh chiếc xe U-oát sơn màu đỏ, chở đầy thiết bị chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Chiếc xe phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC&CHCN) mini này ngày ngày chạy quanh vùng để nắm bắt tình hình phòng cháy, sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy khi có tin báo.
 
Chiếc xe PCCC&CHCN mini của đội chữa cháy dân lập, và một số hình ảnh trang bị cho công tác PCCC của đội. Ảnh: V.T
Chiếc xe PCCC&CHCN mini của đội chữa cháy dân lập, và một số hình ảnh trang bị
cho công tác PCCC của đội. Ảnh: V.T

Theo người dân thị trấn Lạc Dương: Người khởi xướng thành lập đội chữa cháy cơ động này là cựu chiến binh Đặng Ngọc Hiệp (59 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương, Lạc Dương). Đội chữa cháy có một chiếc xe cứu hỏa, cứu hộ tuy nhỏ nhưng được trang bị nhiều thiết bị để có thể sẵn sàng cho nhiệm vụ. Xe được trang bị 4 bình cứu hỏa loại 35 kg/bình, 4 bình cứu hỏa loại 8 kg/bình; mũ áo cách nhiệt, thang dây, thang xếp, bơm trợ lực, ống dẫn nước, các thiết bị phá tường, tời kéo, phao cứu hộ... Ngoài ra, xe còn có hệ thống chiếu sáng công suất cao để hỗ trợ cứu hộ vào buổi tối. 
 
Ông Đặng Ngọc Hiệp cho biết: Xuất phát từ ý tưởng thiện nguyện, muốn làm việc gì đó để giúp đỡ cộng đồng, trong khi những năm gần đây, trên địa bàn thị trấn liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nhà, cháy xe máy, nhưng lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp ở mãi tận TP Đà Lạt (cách xa 20 km), nên khi tiếp cận được đám cháy mất khá nhiều thời gian. Được bạn bè ủng hộ, ông Hiệp quyết định dùng ô tô 2 cầu của gia đình sơn màu đỏ đặc trưng, rồi đầu tư thêm trang thiết bị để biến chiếc xe hai cầu thành xe PCCC&CHCN cơ động với địa hình khu dân cư.  Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, được sự giúp đỡ của chính quyền thị trấn và công an huyện, cùng với sự đóng góp của anh em, chiếc xe chữa cháy đã được trang bị thêm nhiều thiết bị chuyên dụng, với tổng giá trị đến nay khoảng trên dưới 400 triệu đồng. 
 
Sau khi đưa xe chữa cháy vào hoạt động, để nâng cao hiệu quả PCCC, ông Hiệp kết hợp với UBND và Hội Cựu chiến binh thị trấn Lạc Dương “nâng cấp” các Đội tự quản bảo vệ an ninh trật tự tại các tổ dân phố kiêm luôn việc tham gia chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn. Tại mỗi tổ dân phố đều có 3 thành viên. Nhưng để được tham gia đội chữa cháy cơ động này, các thành viên phải trải qua một khóa huấn luyện các kỹ năng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn do Cảnh sát PCCC tỉnh Lâm Đồng tổ chức. 
 
“Khi nhận được tin có đám cháy trên địa bàn, chính quyền hoặc lực lượng PCCC tỉnh sẽ báo cho chúng tôi sẽ tiếp cận hiện trường trước. Anh em trong đội sẽ tham gia chữa cháy bước đầu, chống cháy lan trong khi chờ lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp tới. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì chữa cháy đôi khi được tính bằng giây. Dù vậy, chúng tôi chỉ mong chiếc xe sẽ làm nhiệm vụ tuyên truyền người dân phòng ngừa cháy nổ chứ không hy vọng sẽ tham gia được nhiều vụ cứu hỏa” - ông Hiệp tâm sự.
 
Một thành viên của đội chữa cháy cho biết: Từ khi thành lập, đội xe đã tham gia chữa cháy được 2 vụ hỏa hoạn, một vụ cháy xe máy. Nhưng cái chính là nhằm tuyên truyền cho người dân ý thức phòng ngừa cháy nổ. Sắp tới, đội sẽ đầu tư thêm 2-3 xe chuyên dụng thì sẽ mang được nhiều thiết bị cứu hỏa, cứu hộ, hoạt động mới hiệu quả hơn.
 
Thấy mô hình hoạt động tốt, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương đề nghị Công an huyện hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật, trang bị thêm phương tiện, thiết bị chuyên dụng, như cuộn ống dẫn nước, bình bọt, cũng như đồ bảo hộ của lính cứu hỏa cho đội chữa cháy dân lập. Ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Xe cứu hỏa “mini” xuất hiện trên địa bàn trong thời gian ngắn nhưng tạo được sức lan tỏa trong công tác phòng chống cháy nổ. Khi địa phương không có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đóng chân thì những mô hình nhỏ tại cơ sở được thành lập sẽ có tác dụng hỗ trợ trong công tác cứu hỏa, cứu hộ khi xảy ra sự cố. Với chiếc xe nhỏ gọn, rất thuận tiện khi tiếp cận những đám cháy trong khu dân cư hay những con đường nhỏ đặc thù của thị trấn miền núi. 
 
Ông Phạm Triều cũng cho biết thêm: Hiện đội chữa cháy dân lập hoạt động trên tinh thần tự nguyện, kinh phí cũng tự chi trả và được quản lý bởi UBND thị trấn Lạc Dương. Thời gian tới, huyện sẽ có phương án hỗ trợ một phần kinh phí cho đội hoạt động. Và từ mô hình này huyện sẽ nghiên cứu mở rộng cho các xã lân cận nhằm phát huy hiệu quả phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ.
 
VÕ TRANG