
Ðó là vấn đề lớn được đặt ra tại Hội thảo "Phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình - Thách thức và cơ hội" diễn ra tại Ðà Lạt vào chiều 22/3/2018 do Bộ Thông tin truyền thông tổ chức.
Ðó là vấn đề lớn được đặt ra tại Hội thảo “Phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình - Thách thức và cơ hội” diễn ra tại Ðà Lạt vào chiều 22/3/2018 do Bộ Thông tin truyền thông tổ chức. Tham dự hội thảo có ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, đại diện Ban Tuyên giáo TW, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, cùng đại diện Ðài PTTH của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
 |
Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng. Ảnh tư liệu |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) nêu rõ: Năm 2017, tổng doanh thu lĩnh vực PTTH khoảng 10.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, phân bổ không đồng đều ở các đài. So với năm 2016, nhiều đài tiếp tục sụt giảm quảng cáo đến 30 - 40%, trong khi nguồn ngân sách cấp cho các đài ngày một hạn hẹp, nhất là đối với các đài PTTH đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PTTH còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực báo chí, PTTH; khó thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao để sản xuất chương trình có vùng đối tượng lâu dài, tồn tại được trên môi trường số; sự cạnh tranh của các loại hình truyền thông mới, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung cấp nội dung; cách tiếp cận thông tin của người dân thay đổi từ bị động sang chủ động; sự cạnh tranh về chi phí và hiệu quả quảng cáo trên các loại hình truyền thông khác khiến các nhãn hàng đang cắt giảm dần chi phí quảng cáo trên ti vi. Sự bùng nổ của mạng truyền thông xã hội cùng với sự phát triển của công nghệ, hạ tầng thông tin công cộng không biên giới đã thu hút một số lượng lớn người dùng với khả năng truy cập nhanh hơn và dễ dàng quảng cáo. Vấn nạn vi phạm bản quyền trên các trang mạng xã hội ngày càng tinh vi và phức tạp, sự hiện diện của dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới cùng chi phí bản quyền trở thành gánh nặng đối với các đơn vị kinh doanh truyền hình cáp trong nước.
Trước những thách thức, vấn đề đặt ra cho các đài PTTH hiện nay, đặc biệt là đài địa phương là làm sao để tăng doanh thu và phát triển bền vững trước rất nhiều nguy cơ, thách thức, khó khăn. Nhiều giải pháp tăng nguồn thu trong điều kiện tự chủ về tài chính đã được đưa ra như: Nâng cao chất lượng, hình thức, nội dung thể hiện; trao đổi nội dung chương trình nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết sản xuất chương trình; xây dựng chiến lược sản xuất chương trình nội dung thống nhất nhằm định vị khán giả; phát triển nội dung chương trình theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt. Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nội dung, chủ động đưa kênh chương trình của mình vào các hệ thống truyền dẫn, phát sóng khác nhau của các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH để quảng bá thương hiệu, gia tăng nguồn thu quảng cáo. Có quy chế ưu đãi thu hút nguồn nhân lực chất lượng góp phần nâng cao chất lượng nội dung chương trình... Qua đó, giúp các đài PTTH, các doanh nghiệp tạo ra những mô hình hợp tác mới hiệu quả, xây dựng ngành phát thanh truyền hình phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò chủ lực trên mặt trận thông tin.
Chúng tôi xin trích một số ý kiến:
 |
Nhà báo Phan Quang Hưng - Giám đốc Đài PTTH Lào Cai |
Ðổi mới, nâng cao chất lượng chương trình là yếu tố quyết định “sống - còn” của đài địa phương
Trong 3 năm gần đây, doanh thu của Đài PTTH Lào Cai (từ quảng cáo, truyền dẫn phát sóng, làm dịch vụ phóng sự, chuyên mục và các nguồn tài trợ...) chỉ đáp ứng được 20% tổng kinh phí cần có cho Đài. Để tăng doanh thu, Đài PTTH Lào Cai đã sắp xếp, đổi mới nâng cao chất lượng của chương trình, coi đây là yếu tố quyết định sự sống còn của đơn vị. Thay đổi nhận thức của đội ngũ làm báo về tư duy kinh tế báo chí, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại theo cơ chế cũ; phối hợp sản xuất chương trình có thu, giao khoán số thu cho từng phòng; từ đó đã có những tín hiệu tích cực về nguồn thu. Để tự chủ bền vững lâu dài, Đài không ngừng tự thân đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, tăng cường tìm kiếm nguồn thu qua việc sản xuất các chương trình có thu; trong đó xác định các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị... được Nhà nước đặt hàng là nguồn thu chính.
 |
Nhà báo Lê Anh Vũ - Giám đốc Đài PTTH Khánh Hòa |
Phát triển nguồn thu để tự chủ tài chính là khó khăn, thách thức lớn với các đài PTTH địa phương
Trong xu thế phát triển, định hướng các đài địa phương tự chủ về tài chính là một chủ trương đúng và cần thiết, nhưng đó cũng là thách thức lớn. Năm 2018 và những năm tiếp theo, ngành PTTH vẫn gặp nhiều khó khăn, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần quảng cáo trong sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nghĩa là vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời vừa phải cạnh tranh trong cơ chế thị trường, tự tạo nguồn thu để tồn tại và phát triển dẫn đến nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ. Nhà nước cần sớm có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định về quy chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập; trọng tâm là những hướng dẫn việc triển khai thực hiện lộ trình tính đủ chi phí trong giá cung cấp dịch vụ công.
 |
Nhà báo Trần Nam Đông - Giám đốc Đài PTTH Đồng Nai |
Xã hội hóa, liên kết sản xuất chương trình là một trong những giải pháp tạo nguồn thu
Dưới yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình phù hợp với sự phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng; thời gian qua, Đài PTTH Đồng Nai có nhiều chương trình truyền hình được thực hiện dưới phương thức xã hội hóa truyền hình. Lĩnh vực được Đài chọn liên kết sản xuất là chương trình giải trí gồm: gameshow, talkshow, phim truyện, sitcom hài, các chương trình chuyên mục, khoa giáo... Nhiều chương trình liên kết sản xuất cùng các doanh nghiệp, các đơn vị truyền thông đã và đang phát sóng được khán giả đánh giá cao. Qua liên kết sản xuất đã có thêm nhiều chương trình giải trí và văn nghệ phong phú, có chất lượng cao trong điều kiện khả năng tự sản xuất hạn chế, đã mang lại lợi ích cho “4 bên”: nhà Đài thêm nhiều chương trình phong phú để phát sóng và tăng nguồn doanh thu từ quảng cáo - tài trợ, doanh nghiệp quảng cáo được quảng bá thương hiệu, đối tác liên kết sản xuất chương trình có doanh thu, khán giả được thụ hưởng nhiều chương trình hấp dẫn. Hơn nữa, mỗi đơn vị hợp tác đều có ý tưởng sáng tạo và cách làm chương trình riêng, việc liên kết sản xuất còn làm đa dạng hóa chương trình, không gây nhàm chán cho khán giả. Hầu hết các chương trình liên kết sản xuất của Đài PTTH Đồng Nai thời gian qua đều thu hút được đông đảo khán giả, đồng thời thu hút được nhiều quảng cáo - tài trợ. Tổng doanh thu hàng năm của Đài đạt trên 100 tỷ đồng; nhờ đó đã đảm bảo về tự chủ biên chế, tự cân đối thu chi, kinh phí hoạt động, làm nghĩa vụ nộp ngân sách, đầu tư mua sắm trang thiết bị tiên tiến để tái sản xuất và cải thiện đời sống cán bộ, phóng viên, CNV (thu nhập bình quân của Đài đến nay gần 10 triệu đồng/người/tháng, gần gấp đôi so với cách đây 10 năm).
 |
Ông Trần Văn Úy - Tổng Giám đốc Công ty SCTV |
Tình trạng vi phạm bản quyền đang ảnh hưởng rất lớn đến năng lực của nhà sản xuất chương trình truyền hình trả tiền
Cùng với xu thế hội nhập, việc phát triển các kênh truyền hình trong nước góp phần phản ánh thông tin, đời sống kinh tế, xã hội đến với người dân. Hiện tại, SCTV đã cung cấp hơn 200 kênh truyền hình sắc nét đáp ứng nhu cầu của khán giả mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề trong cả nước, lượng thuê bao không ngừng phát triển. Là đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, ngoài việc thu hút quảng cáo thì nguồn thu chủ yếu có từ thuê bao (chiếm trên 80%).
Đối với những chương trình truyền hình quảng bá, sau khi phát xong thì càng nhiều người xem càng tốt; nhưng với truyền hình trả tiền, do phải đầu tư kinh phí lớn để mua bản quyền nên sẽ phát đi phát lại ở nhiều khung giờ để phục vụ nhiều khán giả, bởi vậy bản quyền là vấn đề quan trọng. Trong điều kiện đầu tư sản xuất chương trình tốn kém, chi phí mua bản quyền ngày càng cao, giá cước truyền hình cáp ngày càng giảm, nhưng vấn nạn vi phạm bản quyền, sao chép tràn lan trên mạng khiến doanh thu ít, thất thu, thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến năng lực sản xuất chương trình. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự quản lý chặt chẽ và có giải pháp tổng thể để tạo sân chơi công bằng, bình đẳng, lành mạnh giữa các nhà sản xuất chương trình, giữa các đài truyền hình, truyền hình mạng, viễn thông cùng “sống” được.
QUỲNH UYỂN