
Nam Hà, Lâm Hà, miền đất của những con người đi làm kinh tế mới xây dựng quê hương. Trong những con người ấy có những nữ công nhân của nông trường Tam Thiên Mẫu, cái tên nổi danh từ những năm 1960. Họ đã dừng lại trên mảnh đất cao nguyên, góp sức vun gốc cà phê và nhận lại cho mình một mùa quả ngọt.
Nam Hà, Lâm Hà, miền đất của những con người đi làm kinh tế mới xây dựng quê hương. Trong những con người ấy có những nữ công nhân của nông trường Tam Thiên Mẫu, cái tên nổi danh từ những năm 1960. Họ đã dừng lại trên mảnh đất cao nguyên, góp sức vun gốc cà phê và nhận lại cho mình một mùa quả ngọt.
 |
Cô Liệu, nguyên Đội trưởng Đội Nữ công nhân Tam Thiên Mẫu, NTQD số 4. Ảnh: D.Q |
Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Nam Hà, huyện Lâm Hà tươi cười chia sẻ, những nữ công nhân của nông trường Tam Thiên Mẫu là một trong những thành phần không thể tách rời của lịch sử xã nhà.
Cùng hàng trăm những hộ nông dân vào khai khẩn vùng đất mới, họ đã góp sức mình tạo lập nên một nét riêng cho truyền thống của Nam Hà. Và, hôm nay, những người phụ nữ ấy đã tạo cho họ vị thế mới giữa vùng đất cà phê. Người “lãnh đạo” của đội phụ nữ nông trường Tam Thiên Mẫu ấy là cô Nguyễn Thị Liệu. Người phụ nữ xấp xỉ tuổi 70 hồ hởi kể lại nguyên nhân mình và chị em vào xây dựng đất mới. Khi ấy, nông trường (NT) Tam Thiên Mẫu trực thuộc Công ty Lương thực Hà Nội. Bởi vậy, dù nông trường bộ ở Thuận Thành, Bắc Ninh; các cô vẫn trực thuộc quân số của Thủ đô. Ở vùng Nam Ban khi ấy có Nông trường quốc doanh số 4, chuyên sản xuất phục vụ nhu cầu lương thực cho dân kinh tế mới. Năm 1987, khi Nam Ban vừa làm quen với cây cà phê, quân số thiếu, ông Trần Dem, lúc đó là Phó Giám đốc NT Tam Thiên Mẫu vào thăm Nam Ban trở về động viên “quân” của mình vào NT quốc doanh số 4 công tác. Suy nghĩ mãi, 27 chị em thuộc NT Tam Thiên Mẫu quyết định xung phong vào nhận nhiệm sở mới. Cô Liệu kể lại, trong đoàn đi chỉ có 3 gia đình, còn lại là chị em độc thân, mẹ đơn thân, những hoàn cảnh hết sức bình thường của đất nước lúc ấy.
Vào nhận nhiệm vụ tại NT quốc doanh số 4, những người phụ nữ đã gắn bó với cây rau, cây lúa của vùng đồng bằng dần làm quen với cao nguyên đất đỏ. “Lúc ấy còn sợ lắm, nông trường bộ ở ngoài Nam Ban, chúng tôi vào trong này bắt đầu trồng cà phê. Nhìn quanh toàn thấy cây rừng, cỏ tranh, cây mắc cỡ, mùa khô cuốc gốc cỏ tranh, cuốc nảy bật tê tay. Chị em thì quen trồng lúa, trồng rau, thả cá, có ai biết trồng cà phê đâu. Ở thì ở trong lán gỗ do nông trường dựng, nói chung thời điểm đó rất vất vả”. Rồi những người vợ, người mẹ cũng quen với cái nắng đổ lửa của cao nguyên, quen với cơn mưa rừng trắng xóa, quen với những gốc cà phê xù xì, quen với những cơn số rét, với muỗi vắt, với những con dốc đi mãi không tới nơi.
Năm 1993, NT quốc doanh số 4 giải thể, từ vai trò công nhân, những người phụ nữ trở lại làm người nông dân. Được NT chia đất, có sự hỗ trợ của đồng đội, các cô đều có một chút tài sản của riêng mình. Cần cù bám trụ với cà phê, cuốc lật từng dốc cỏ tranh, những mùa hoa cà phê trắng đã mang lại no ấm cho những người phụ nữ ấy. Cô Liệu khoe, tất cả 27 chị em hồi ấy, bây giờ đều đã tìm được hạnh phúc gia đình trên đất Nam Ban. Từ 27 gia đình nhỏ ban đầu, giờ con cái của các cô đã trưởng thành trên đất Lâm Hà và kinh tế đều khá giả. Mảnh đất cao nguyên đã hồi đáp rất xứng đáng cho mồ hôi, công sức của những người phụ nữ.
Ngày 6/10 hàng năm được chọn làm ngày truyền thống của NT Tam Thiên Mẫu. Chị em vẫn như ngày nào, vẫn là đồng đội, cùng chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống. Con nhà ai học giỏi, cưới vợ, gả chồng, có việc hiếu việc hỉ đều có mặt chị em. Và quả thật, mảnh đất cao nguyên không phụ lòng người, những người phụ nữ của NT Tam Thiên Mẫu xa xôi ấy đã đổ mồ hôi xây dựng và được quê mới đền đáp xứng đáng. Cái tên Tam Thiên Mẫu đã, đang và sẽ làm một điểm son đẹp trong lịch sử của vùng đất Kinh tế mới thân thương.
DIỆP QUỲNH