
Từ sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của Internet như hiện nay, việc làm sao để kết nối với thế giới rộng lớn ấy an toàn và đúng cách đang là vấn đề được đặt ra với nhiều giới, nhiều độ tuổi, trong đó quan trọng là đối tượng học sinh...
Từ sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của Internet như hiện nay, việc làm sao để kết nối với thế giới rộng lớn ấy an toàn và đúng cách đang là vấn đề được đặt ra với nhiều giới, nhiều độ tuổi, trong đó quan trọng là đối tượng học sinh...
 |
Các bạn học sinh hào hứng trả lời câu hỏi liên quan đến các trường hợp thường gặp của tội phạm công nghệ cao trên mạng internet |
Phải tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội
Trong chương trình truyền thông phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho thanh thiếu niên tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà), Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt - Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Cảnh sát đã nhấn mạnh rằng: Hiện nay, tình hình tội phạm trong thanh thiếu niên ngày càng diễn biến phức tạp. Đối với học sinh, các em đang ở trong độ tuổi mới lớn, hay tò mò cái mới, đặc biệt là những chương trình trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Với sự tăng trưởng nhanh chóng của người dùng internet trong cả nước, số lượng thanh niên là đối tượng tội phạm hoặc là nạn nhân trong các vụ lừa đảo, đánh bạc, bắt nạt qua mạng có chiều hướng ngày càng gia tăng...
Chương trình truyền thông phòng chống tội phạm công nghệ cao mang tên “Kết nối an toàn” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, “Kết nối an toàn” là sự kiện truyền thông đầu tiên mà Hội LHPN tổ chức dành riêng cho đối tượng học sinh THPT với chủ đề phòng chống tội phạm công nghệ cao trên mạng internet. Lâm Đồng là địa phương đầu tiên được triển khai và đây sẽ là mô hình điểm để Hội LHPN Việt Nam sử dụng và nhân rộng ra các trường, tỉnh, TP để hướng dẫn thanh thiếu niên, học sinh kết nối an toàn. |
Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, ở đối tượng thanh thiếu niên có sử dụng mạng xã hội (MXH) thường xuyên diễn ra các hành vi bắt nạt trên mạng (BNTM). Thống kê cho thấy dựa trên mức độ tiếp cận thông tin thì học sinh ở thành thị bị BNTM nhiều hơn so với ở nông thôn, học sinh nam bị BNTM nhiều hơn học sinh nữ, học sinh chơi game online nhiều thì cũng thường xuyên chịu BNTM hơn... BNTM trong lứa tuổi này chủ yếu là hành vi gửi thông điệp có nội dung xấu qua điện thoại, email; phát tán tin đồn nhảm nhằm xúc phạm, bôi nhọ qua mạng; gửi tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa lên MXH, các trang blog...
Học sinh ở nông thôn cũng bị BNTM, tuy nhiên bản thân các em lại không nhận ra điều này. Bạn Hoàng Thị Hồng Kim (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, xã Hoài Đức, Lâm Hà) cho biết, thỉnh thoảng em và các bạn thường xuyên đăng hình ảnh, bình luận “dìm hàng” nhau trên facebook với mục đích vui vẻ, giải trí. “Mình không ngờ rằng nó cũng là một hành vi của BNTM và có thể đã vô tình đã làm tổn thương đến bạn mình. Giờ thì mình hiểu, phải biết cách sử dụng MXH một cách tỉnh táo để không gặp phải những rủi ro, những điều đáng tiếc”.
“Mình có quen nhiều bạn vì quá lạm dụng trang mạng facebook mà bị nghiện thứ mạng ảo này và đi đâu cũng muốn “check in, sống ảo” khoe với mọi người. Mình cảm thấy điều đó là không nên vì như vậy sẽ rất dễ bị rò rỉ thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho những thành phần xấu có cơ hội lợi dụng”, bạn Mầu Thị Hằng cũng đồng quan điểm.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Ở một vài địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều bậc phụ huynh chưa tiếp cận nhanh với công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện đại nên việc định hướng, giáo dục con cái trong việc sử dụng MXH làm phương tiện kết nối còn nhiều hạn chế. Ở độ tuổi của các em học sinh, các thói quen đơn giản như chơi game online, đánh bài trên mạng, dùng lời lẽ xúc phạm hay bêu xấu bạn bè... tưởng chừng như vô hại nhưng lại vô hình trung đẩy các em đến các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.
Kết nối an toàn
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Kết nối trong thế giới phẳng hiện nay là chìa khóa thành công trên hầu khắp mọi lĩnh vực của đời sống. Nhưng làm thế nào để kết nối với đúng người, kết nối đúng cách thì không đơn giản chỉ là có điện thoại thông minh và kết nối mạng wifi hay 3G, 4G. “Quan trọng là chúng ta biết làm chủ được quá trình kết nối ấy”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết cũng nhấn mạnh thêm: “Tôi mong rằng các em học sinh sẽ rút ra kinh nghiệm, cho mình những kĩ năng cần thiết trong quá trình sử dụng. Đồng thời, các thầy cô, giáo và các bậc phụ huynh cũng phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kết nối trong giáo dục con em chúng ta để hạn chế tối đa việc trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, góp phần giữ gìn môi trường học đường lành mạnh”.
Có mặt trong buổi truyền thông và chăm chú theo dõi tới cuối chương trình, bà Dương Thị Lương (thôn Đức Long, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) bày tỏ lo lắng về việc sử dụng internet của cô con gái đang học lớp 11: Tôi hoàn toàn không biết gì về việc sử dụng internet của con. Tôi chỉ nghĩ mua điện thoại để con tiện liên lạc với gia đình, trao đổi với bạn bè, thầy cô trong học tập. Và sau chương trình này có lẽ tôi sẽ phải kiểm soát việc truy cập mạng xã hội và học cách chia sẻ với con nhiều hơn trong cuộc sống nhằm phòng tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Thế giới trên mạng là ảo nhưng hậu quả, sự tổn thương, tác hại của nó là có thực và thậm chí có thể để lại những di chứng lâu dài. Sử dụng kết nối trên mạng là xu hướng tất yếu, tuy nhiên phải sử dụng sao cho đúng cách và an toàn thì chưa phải ai cũng làm được. Đồng thời, việc kết nối trên internet cũng không thể tách rời thế giới thực. Mỗi người hãy là một cư dân mạng thông thái.
H.THẮM - N.ÁNH