
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hải (1955) bà Mai Thị Minh Thúy (1958) trú tại 14 Nguyễn Hồng Thái, Phường 10, Ðà Lạt nổi tiếng là "Gia đình tài tử" bởi từ nhiều năm qua họ cùng nhau đứng trên những sân khấu góp mặt trong hầu hết các sự kiện văn hóa văn nghệ quần chúng...
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hải (1955) bà Mai Thị Minh Thúy (1958) trú tại 14 Nguyễn Hồng Thái, Phường 10, Ðà Lạt nổi tiếng là “Gia đình tài tử” bởi từ nhiều năm qua họ cùng nhau đứng trên những sân khấu góp mặt trong hầu hết các sự kiện văn hóa văn nghệ quần chúng của địa phương. Cả gia đình 3 thế hệ, ai cũng là những “liền anh, liền chị” đang cùng nhau gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân ca quan họ ở thành phố hoa.
 |
Ba thế hệ gia đình ông bà Hải - Thúy cùng biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: Q.Uyển |
Xuất thân trong một gia đình nông nghiệp, lớn lên trên quê hương Kinh Bắc (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), từ nhỏ, những làn điệu quan họ như ngấm vào máu của ông Hải, bà Thúy. Tuổi thơ của họ đã cùng truyền tay nhau chép những bài quan họ cổ, để mỗi buổi trưa hè, lại cùng nhau tập hát, tự luyến láy, tự lảy cho ra chất quan họ, cùng hát cho nhau nghe. Gia đình không ai làm nghệ thuật, thời đó phương tiện nghe nhìn không có, đời sống văn hóa tinh thần chỉ là những buổi sinh hoạt văn nghệ “cây nhà, lá vườn” của các bà các mẹ, các anh chị trong thôn, xóm, ông bà tự “học hát”, tập hát. Từ tuổi học sinh, cả ông Hải, bà Thúy đều tham gia vào đội văn nghệ của làng, của xã, hát các làn điệu quan họ, diễn tiểu phẩm chèo cổ. Khác làng, khác xã nhưng khi trưởng thành ông bà đã bén duyên nhau vì cùng có giọng hát hay, cùng có niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống.
Cuộc sống khó khăn hơn khi có con, năm 1983, hai vợ chồng ông bà Hải - Thúy đã đưa 2 con còn rất nhỏ vào Đà Lạt sinh sống. “Gia tài” mang theo từ quê hương chẳng có gì, chỉ là những làn điệu quan họ, khi nhớ quê lại mang ra hát ru con. Thời gian đầu vất vả, ông bà làm đủ thứ công việc như trồng rừng, làm vườn, thầu trông cá hồ Xuân Hương… và lại thêm một đứa con nữa ra đời trên quê mới. Dường như được nghe hát ngay từ khi nằm trong bụng mẹ nên 3 đứa con của ông bà (1 trai, 2 gái) khi lớn lên ai cũng yêu ca hát, đặc biệt là dân ca quan họ. Cuộc sống khó khăn dần cũng qua đi khi các con khôn lớn, thành đạt. Mỗi lần nhớ quê về thăm, quà quê mang vào là những chiếc áo tứ thân mớ ba, mớ bảy, khăn mỏ quạ, khăn đóng, áo the, nón quai thao, cùng các đạo cụ biểu diễn là ô, quạt, sáo, nhị… Những tiết mục văn nghệ cả gia đình cùng dàn dựng, cùng biểu diễn trên các sân khấu của phường, của thành phố, của tỉnh là những làn điệu quan họ đã gây ấn tượng mạnh với người xem và trở thành những tiết mục độc đáo từng đoạt giải cao tại các liên hoan như: Liên hoan dân ca hát và hát ru (giải nhất), Liên hoan gia đình nghệ thuật lần thứ I của tỉnh (đoạt giải nhì), tham dự cuộc thi gia đình tài tử do Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức (vào bán kết)… Ngoài tham dự các cuộc thi, liên hoan, gia đình ông bà Hải - Thúy còn mang lời ca tiếng hát của mình đến với chương trình văn nghệ mang nhiều ý nghĩa như: cùng Hội Người khuyết tật tỉnh biểu diễn ở chợ đêm Đà Lạt để quyên góp từ thiện giúp người khuyết tật bị bệnh hiểm nghèo, cùng CLB thơ Lâm Đồng hát tại các sự kiện, các ngày lễ lớn, tham gia biểu diễn phục vụ các tiết mục văn nghệ chào mừng nhân các đại hội đoàn thể ở phường, thành phố.
Ở vào tuổi hơn 60 bà Thúy vẫn giữ được nét đẹp nhuần nhụy của cô gái quan họ, giọng hát vẫn luyến láy, lảy làm say mê người am hiểu quan họ. Khi đứng trên sân khấu cùng ông Hải, họ trở thành cặp “liền anh, liền chị” có duyên từ phong thái biểu diễn đến ánh mắt trao nhau làm toát lên cái tình của người quan họ không chỉ trên sân khấu mà cả giữa đời thực. 3 người con của ông bà đã trưởng thành, dù đã lập gia đình, đã sinh cho ông bà 2 cháu nội, 4 cháu ngoại, mỗi người đều có công việc bận rộn, nhưng họ luôn dành thời gian để cùng nhau đi biểu diễn. Có dịp được xem 3 thế hệ trong một gia đình, ông bà và các con hát, các cháu nội, ngoại múa phụ họa mới thấy hết sự đầm ấm, hạnh phúc và giá trị tinh thần do nghệ thuật truyền thống mang lại. Sở thích, niềm say mê với các làn điệu quan họ đã gắn kết các thành viên, các thế hệ trong gia đình lại với nhau. Để có một tiết mục lên sân khấu biểu diễn hoàn hảo, cả 3 thế hệ trong gia đình ông bà phải cùng nhau sắp xếp thời gian ngày nghỉ để luyện tập, cùng hát, cùng múa cho ăn ý, chỗ nào chưa hợp lý thì cùng nhau đóng góp chỉnh sửa, uốn nắn. Vì thế, tổ ấm của ông bà ở 14 Phạm Hồng Thái (Đà Lạt) luôn vang lên lời ca, tiếng hát của cả gia đình.
Từ tình yêu nghệ thuật của gia đình ông bà Hải - Thúy, đã hình thành nên một nhóm dân ca quan họ quy tụ được nhiều người có cùng sở thích yêu nghệ thuật truyền thống, thường xuyên tập luyện, sinh hoạt văn nghệ, biểu diễn, cùng gặp nhau hát cho bớt nhớ quê. Nhóm văn nghệ của ông bà đã có 8 thành viên, tự mua sắm trang phục, đạo cụ, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ nhân dân, tham gia hội diễn văn nghệ ở địa phương. Bên cạnh hát lời cổ, ông Thúy bà Hải cùng các thành viên trong nhóm còn đặt lời mới cho các làn điệu quan họ thêm sức sống, viết các tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca mang tính chất tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong đó 10 bài hát ngợi ca thiên nhiên tươi đẹp, con người Đà Lạt thanh lịch, hiền hòa, mền khách đã thường xuyên được hát và đi bào lòng người:
“Lên phố hoa giữa trập trùng thông thơ mộng/ sương thấm lạnh đôi bờ vai/ Hồ Xuân Hương in nền trời xanh vương nắng/ Lãng đãng mây ngàn như dáng ai làm duyên/Chúm chím môi hồng, yêu quá ơi ngàn hoa” (làn điệu Cây trúc xinh)…
Xuân đã về là nay trăm hoa đua nở/ Cánh én mỏng trao liệng giữa non ngàn/ Lung linh mặt hồ in bầu trời xanh biếc xanh/Thông reo rì rào, Đà Lạt đẹp như bức tranh… (theo làn điệu Tương phùng tương ngộ)
Với tình yêu nghệ thuật, gia đình ông Nguyễn Xuân Hải - bà Mai Thị Minh Thúy đã trở thành tấm gương đẹp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của dân ca quan họ, làm lan tỏa sức sống của một di sản văn hóa trên quê mới.
QUỲNH UYỂN