
78 tuổi - độ tuổi thường dành để nghỉ ngơi nhưng ông vẫn hằng ngày cặm cụi với con đường trước nhà để làm đẹp cho con đường và cho cả khu dân cư này.
78 tuổi - độ tuổi thường dành để nghỉ ngơi nhưng ông vẫn hằng ngày cặm cụi với con đường trước nhà để làm đẹp cho con đường và cho cả khu dân cư này.
 |
Ông Thân Trọng An đang vét một con mương thoát nước trước nhà. Ảnh: V.T |
Đó là ông Thân Trọng An, sinh năm 1940, người Đà Lạt gốc Huế, một cựu giáo chức hiện đang sống tại Khu Quy hoạch An Sơn, Phường 4, thành phố Đà Lạt.
Là giáo viên, ông từng dạy học tại nhiều trường ở Đà Lạt trong một quãng thời gian dài, trong đó có Trường THCS Quang Trung - Đà Lạt, rồi có lúc làm việc ở Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt trước khi nghỉ hưu.
Nhà ông trước đây ở trên đường Phạm Ngũ Lão, một con đường kề khu trung tâm Đà Lạt. Ngày trước, đó là con đường thanh bình, nhưng rồi những năm gần đây, khách sạn, nhà hàng mọc lên nhanh chóng. Ở phố ồn ào, nhiều đêm không ngủ được, ông bàn với con trai bán ngôi nhà phố đó, vào tận trong sâu Khu Quy hoạch An Sơn để mua đất làm nhà rồi chuyển vào sống đã hơn 3 năm.
“Tôi ở phố hầu như cả đời rồi, buổi đêm rất ồn, ngày trẻ không sao chứ giờ lớn tuổi rồi không chịu được, đêm khó ngủ lắm. Với lại cũng đâu có nhu cầu gì nhiều về chuyện kinh doanh, mua bán; con trai cũng có công việc ổn định nên cả nhà đồng ý cùng vào đây” - ông cho biết.
Ngày gia đình ông mới vào, khu phố này còn hoang vắng lắm, nhà cửa trên các lô đất quy hoạch xây dựng chưa nhiều, đường nhựa trước nhà cỏ dại mọc tràn ra; các mương thoát nước ngập đầy đất cát từ các lô đất trống ùa xuống. Phía bên kia đường nhựa là đất rừng, cỏ bụi um tùm.
Vậy là ông tự nhủ mình đã có thêm công việc làm rồi. Không là nông dân nhưng ông tự trang bị như một nông dân thứ thiệt với đủ loại “đồ nghề”, từ cuốc xẻng, liềm cắt, xe “cút kít”, xô đựng đất, găng tay bảo hộ lao động, ủng cao su… Ông trồng nhiều loại hoa, bắt đầu từ các khoảng đất nhỏ quanh nhà mình trước, rồi ông dọn đất chảy tràn trên đường nhựa trước nhà, dọn quanh khu phố, xịt thuốc trừ cỏ dại ven đường, xúc sạch đất từ các mương rãnh thoát nước quanh khu phố... Ông tìm các loại hoa về trồng dọc theo con đường chạy dài theo các nhà trong cả khu phố.
Để khu phố mình đẹp lên, ông đi từng nhà vận động đóng góp mỗi nhà một ít rồi tự tay ông hằng ngày thực hiện một công viên hoa nhỏ trên phần đất công cộng tại góc đường phía trước dãy nhà. Ông phải mất gần 8 tháng trời để tự mình làm công viên này, từ dọn đất, đúc đá lát đường đi, trồng cỏ, trồng hoa, vận động các gia đình mua ghế đá về đặt, làm một nhà bát giác hóng mát nhỏ có mái che ngay giữa đất công viên để buổi nhiều mọi người có thể ra đây ngồi chơi, các hộ gia đình có thể tổ chức tiệc nướng ngoài trời. Tự tay ông ngày ngày tưới nước cho hoa cỏ trong công viên và dọc theo con đường.
Đặc biệt, dù lớn tuổi nhưng ông đã tự mình dựng một kè đá để giữ con đường nhựa trước nhà không bị sạt lở. Con đường này vốn một bên là nhà của khu quy hoạch, một bên là vực sâu với rừng thông, đường có một bờ kè đá ngắn, xây sơ sài, qua các mùa mưa dần bị sạt lở và đất tụt xuống vực, các hố sâu tiến sát con đường. Để cứu con đường, mỗi ngày ông tự tay ra kê các hàng đá này lại, thiếu đá nên ông tự mình đẩy xe “cút kít” tìm đá trong núi xa rồi đẩy về tấn lên bờ kè và đẩy xe tìm đất lấp vào các hố. Mỗi ngày một ít, ông Thân Trọng An tự mình làm, không kêu ai, không lời phàn nàn, mệt thì nghỉ, hết mệt làm tiếp, như kiến tha lâu đầy tổ, bờ kè vững chãi này đến nay đã dài trên 60 m.
Không chỉ trồng hoa, ông còn trồng bơ ăn trái trên các vạt đất trống công cộng phía bên kia đường, trồng thêm chanh dây, trồng mướp, làm giàn mướp vừa để trang trí vừa cho trái ăn, ai hái cũng được, cốt yếu là làm cho đẹp khu phố.
“Con cái cũng bảo ba lớn tuổi rồi nghỉ ngơi đi nhưng tôi làm vì niềm vui, nếu nhà có việc thì nghỉ, còn lại ngày nào cũng ra làm đều đều như thế trong 3 năm nay rồi nên cũng quen. Mình làm vì việc chung, lúc đầu mọi người chung quanh chưa biết nhưng giờ họ thấu hiểu nên nhiều người ngày nghỉ cũng cùng ra trồng hoa trước nhà” - ông tươi cười.
Bằng nụ cười thân thiện đó, trong 3 năm nay, vị cựu giáo chức này bất chấp tuổi cao sức yếu đã làm cho con đường và cả khu phố nơi mình sống đẹp hẳn lên từng ngày. Khu phố này nay đã dần đông đúc nhà cửa nhưng đường luôn sạch sẽ, hoa nở khắp nơi. Trong năm 2017 vừa qua, khu phố này đã vinh dự đoạt giải nhì Hội thi “Xanh - sạch- đẹp” trong nhóm khu dân cư toàn thành phố Đà Lạt, chỉ đứng sau không gian hoa của một khu dân cư khác thuộc Tổ 17, Phường 3, Đà Lạt do một gia đình người nước ngoài sinh sống ở đó tài trợ.
Nói thêm về vị cựu giáo chức này, ông vốn là một người khá nổi tiếng ở Đà Lạt về tài văn thơ và làm gia phả. Trong căn phòng nhỏ đơn sơ của ông vốn chứa đầy sách, mời tôi vào nhà, ông giới thiệu cho tôi các bài viết của ông được đóng thành tập và một số gia phả ông đã làm. Vì từng là một giáo viên dạy toán nên gia phả ông lập nên rất khoa học, dễ hiểu, dễ tra cứu. Đam mê sách vở nhưng ông là một người yêu thiên nhiên, dù lớn tuổi nhưng hằng năm vẫn một mình trên chiếc xe máy cà tàng đi “phượt” khắp nơi. Ông kể, nhiều lần ông chạy xe máy từ Đà Lạt xuống TP HCM hay ra tận các tỉnh miền Trung để thăm bạn bè, trên đường đi cứ chỗ nào đẹp là vào thăm thú.
Và, với công việc làm đẹp khu phố, như ông nói, đó là vì niềm vui, vì thấy mình dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn còn có thể đóng góp chút ít gì cho cộng đồng, cho xã hội. Làm việc “chân tay” như thế, giúp ông thấy khỏe hơn, ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn. “Tôi thích đọc sách nhưng ngồi một chỗ nhiều cũng không tốt, cần vận động ngoài trời một chút để người khỏe khoắn, với lại làm cho nơi ở của mình đẹp hơn thì sao lại không làm”- ông vui cười.
VIẾT TRỌNG