Chuyện về một nhà thơ hiến đất xây chùa đền

09:03, 29/03/2018

Trong khu vườn của cụ Nguyễn Duy Phác (sinh năm 1946, quê ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) - vị chủ tịch xã đầu tiên của xã Tân Hà (huyện Lâm Hà), đồng thời cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thơ của xã - luôn đầy ắp tiếng chim và bóng mát cây xanh... Ở đó có một con người luôn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và truyền những cảm xúc tốt đẹp đến với mọi người.

Trong khu vườn của cụ Nguyễn Duy Phác (sinh năm 1946, quê ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) - vị chủ tịch xã đầu tiên của xã Tân Hà (huyện Lâm Hà), đồng thời cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thơ của xã - luôn đầy ắp tiếng chim và bóng mát cây xanh... Ở đó có một con người luôn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và truyền những cảm xúc tốt đẹp đến với mọi người.
 
Gặp cụ trong một ngày nắng đẹp của Tân Hà, ấn tượng đầu tiên tôi nhận được là một ông cụ đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn, cùng một giọng nói đều đều, trầm ấm. Qua cuộc trò chuyện ngắn, tôi lại càng được hiểu thêm về một nhà thơ Nguyễn Duy Phác với một lối sống vô cùng giản dị, chất phác nhưng cũng đầy sâu sắc.
 
Từ lối sống vì mọi người
 
Cụ Nguyễn Duy Phác
Cụ Nguyễn Duy Phác
Tôi khá ngạc nhiên khi cụ Phác chia sẻ rằng, cách đây 15 năm, cụ đã hiến 3.200 mét vuông đất vườn để xây chùa đền ở thôn Thạch Thất. Hiếm có ai lại hiến một diện tích đất lớn như thế để làm công ích. Đáp lại thắc mắc của tôi cũng như nhiều người, cụ chỉ chậm rãi tâm sự: “Đối với tôi, đất là của tạo hóa và tôi cũng muốn làm một việc gì đó có ích với đời. Bản thân tôi lại là Trưởng ban Giỗ tổ của thôn Thạch Thất nên cũng cần phải có trách nhiệm lưu truyền lại những phong tục truyền thống của dân tộc. Người dân ở đây chủ yếu là người ngoài Bắc di cư vào, các cụ già ở đây mỗi lần muốn đi chùa lễ Phật phải đi lại khó khăn xa xôi, nên từ đó tôi mới có quyết định hiến đất để xây chùa đền”. 
 
Chia sẻ thêm về công tác xây dựng chùa đền, cụ bộc bạch: “Thú thật việc xây dựng chùa cũng có đôi chút khó khăn vì người ta cho rằng tôi lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động chính trị. Vì vậy mà tôi đã phải thuyết phục rất nhiều để mọi người hiểu rằng tôi quyết định hiến đất xây dựng chùa đền là vì mục đích tốt”. Sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng vào ngày 15/1/2003, ngôi chùa mang tên Hà Lâm đã được xây dựng trên nền đất nhà cụ Phác. Cái tên Hà Lâm mà cụ đặt cho ngôi chùa là sự kết hợp giữa 2 nơi mà cụ luôn mang nặng nghĩa tình: Hà Nội và Lâm Đồng, ý muốn nói rằng dù xa quê hương Hà Nội nhưng người dân nơi đây vẫn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, đồng thời cũng luôn biết ơn vùng đất Lâm Đồng đã cưu mang những người con xa xứ.
 
Cũng trong khuôn viên chùa, cụ Phác còn cho xây dựng một đền thờ vua Hùng nhằm thuận lợi cho việc hương hỏa tổ tiên ngàn đời của đất Việt và cũng để gìn giữ nét đẹp Giỗ Tổ truyền thống hằng năm của nhân dân. Đến viếng chùa vào ngày mồng một đầu tháng, ông Nguyễn Văn Quản (78 tuổi, Xóm 1, thôn Thạch Thất, xã Tân Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng) chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn những đóng góp to lớn của cụ Nguyễn Duy Phác. Quả thực, những cống hiến của cụ rất xứng đáng được công nhận và để mọi người cùng noi gương”.
 
Đến một tâm hồn yêu thơ
 
Ở xã Tân Hà, người ta nhắc nhiều đến cụ Nguyễn Duy Phác bởi những vần thơ luôn ăm ắp cảm xúc của vị chủ nhiệm CLB thơ từ những ngày đầu mới thành lập CLB. Vào Lâm Hà từ năm 1979 để xây dựng khu kinh tế mới, vùng đất hoang sơ nơi đây hiển nhiên đã trở thành quê hương thứ hai của cụ. Đến nay, cụ Phác đã cho ra mắt hai tập thơ mang tên: Than Hồng (in năm 2012) và Gió Tâm (in năm 2013). Cụ Phác bảo rằng, mình đến với thơ ca như một cái duyên.
 
Năm 1987, xã Tân Hà được thành lập, cụ trở thành vị Chủ tịch xã đầu tiên, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho bà con trong xã. Đến năm 1989, CLB thơ của xã mới ra đời và lúc bấy giờ, cụ là hội viên sôi nổi nhất của CLB. Cụ Phác tâm sự rằng: “Chính vùng đất “rừng thiêng nước độc” này cùng với cuộc sống khó khăn nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để tôi sáng tác thơ, tự động viên khích lệ bản thân cũng như mọi người cùng cố gắng lao động để cống hiến cho đất nước”.
 
Cụ Phác tự nhận thơ của mình không hay mà tùy vào cảm nhận và nhận xét của người khác. Không mặn mà với thể loại thơ tình, cụ chủ yếu viết thơ về các vị thánh hiền, về Phật Tổ, về cuộc sống, về cha mẹ, đạo làm con và đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ngồi ngâm nga một vài câu thơ trong bài thơ “Tích Phật Tổ” (thuộc tập thơ “Than Hồng”, in năm 2012): “Vợ đẹp con khôn ngài chẳng tham; Cha truyền ngôi báu ngài chẳng làm; Thoát tâm cứu thế bồ đề nguyệt; Đời đời Phật pháp ngài tỏa quang”, cụ lại chậm rãi chia sẻ: “Thơ của tôi chủ yếu hướng đến việc phấn đấu cho cuộc sống để con cháu noi theo. Cuộc sống thì còn nhiều khó khăn, trắc trở thế nhưng phải vững tâm. Muốn cho đầu óc không bị lệch lạc thì thơ cũng cần phải có chuẩn mực: chuẩn mực về văn hóa; chuẩn mực về giá trị sống, chuẩn mực về mọi mặt của xã hội”. 
 
Càng tiếp xúc với cụ, tôi lại càng nể phục hơn một nhân cách sống đáng quý, và càng hiểu rằng vì sao người đàn ông đã ngoài thất thập này lại được cả trẻ con và người lớn trong xã yêu quý đến vậy.
 
NGỌC ÁNH