Ðánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước

08:03, 27/03/2018

Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng năm 2017 cho thấy bức tranh rõ nét hơn về tình hình UDCNTT trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. 

Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (UDCNTT) trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng năm 2017 cho thấy bức tranh rõ nét hơn về tình hình UDCNTT trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các cơ quan, đơn vị nhà nước tiếp tục có kế hoạch UDCNTT cụ thể để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.
 
Ứng dụng công nghệ thông tin trong một cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Nhân
Ứng dụng công nghệ thông tin trong một cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Nhân

Qua khảo sát, thu thập, xử lý số liệu đối tượng là các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh chia làm 3 khối gồm: Khối các sở, ban, ngành có 20 cơ quan; khối các cơ quan, đơn vị khác có 11 cơ quan và khối UBND các huyện, thành phố có 12 đơn vị, đánh giá chung của UBND tỉnh, điểm số UDCNTT của các cơ quan tăng đáng kể so với những năm trước đây. Cụ thể: khối các sở, ban, ngành có 4 cơ quan thuộc nhóm đạt mức tốt trong UDCNTT là: Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo; nhóm đạt mức khá có 15 cơ quan; đạt mức trung bình có 1 cơ quan. Một số cơ quan có sự cải thiện chỉ số UDCNTT tăng bậc so với năm trước đó là: Sở Công thương tăng 4 bậc, Sở Giao thông Vận tải tăng 2 bậc và các cơ quan tăng 1 bậc gồm có Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan giảm bậc về mức độ UDCNTT đó là: Sở Ngoại vụ giảm 4 bậc; Sở Khoa học và Công nghệ giảm 3 bậc; các cơ quan giảm 1 bậc có Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Mức độ UDCNTT trong khối các cơ quan, đơn vị khác đạt mức tốt có Cục Thuế tỉnh; nhóm đạt mức khá gồm: BHXH tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh, Cục Thống kê tỉnh; nhóm đạt mức trung bình có: Văn phòng HĐND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Đài PT-TH tỉnh, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ban Quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm. 
 
Đối với khối UBND các huyện, thành phố, đạt mức tốt trong UDCNTT có UBND TP Đà Lạt; nhóm đạt mức khá có: Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Tẻh, Lạc Dương, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Cát Tiên; nhóm đạt mức trung bình là Đam Rông, Lâm Hà. Qua đánh giá, các cơ quan tăng bậc về chỉ số UDCNTT gồm: UBND huyện Di Linh tăng 5 bậc, UBND huyện Bảo Lâm tăng 3 bậc, các cơ quan tăng 1 bậc có Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Lạc Dương, Đạ Huoai. Trong khi đó, các cơ quan giảm bậc có: UBND huyện Lâm Hà giảm 6 bậc, UBND huyện Cát Tiên giảm 5 bậc.
 
Công tác UDCNTT phục vụ việc quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai. Nhìn chung mức độ UDCNTT tại các cơ quan nhà nước có tăng đáng kể so với năm 2016, tuy nhiên vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị xếp hạng đầu và các đơn vị xếp hạng cuối.
 
Kết quả khảo sát cho thấy hạ tầng kỹ thuật CNTT được quan tâm đầu tư thông qua việc mua sắm thiết bị CNTT tập trung. Ðồng thời, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đầu tư mua sắm phần mềm, phần cứng CNTT nên tiêu chí này cả 3 khối đều đạt điểm số cao, đều có sự quan tâm đầu tư đến hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin như: hệ thống tường lửa, thiết bị sao lưu dữ liệu dự phòng...
 
Các cơ quan, đơn vị đã bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT, qua khảo sát có 129 cán bộ chuyên trách CNTT thuộc 3 khối cơ quan nhà nước, trong đó trình độ cao đẳng trở lên có 120 người (chiếm 75%). Số cán bộ chuyên trách CNTT giảm so với năm 2016 do các phòng văn hóa thông tin tại các huyện chủ yếu giảm biên chế đối với cán bộ phụ trách về CNTT. Trình độ CNTT của cán bộ chuyên trách về CNTT ở các khối không đồng đều, còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. 
 
Đánh giá mức độ UDCNTT phục vụ công tác quản lý điều hành, đa số các đơn vị đều có sự quan tâm nâng cao hiệu quả khai thác những nội dung UDCNTT tại đơn vị. Nhờ đó, tình hình UDCNTT tại các đơn vị có cải thiện hơn so với năm 2016 với nhiều phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng, ứng dụng chữ ký số có nhiều chuyển biến rõ nét, số lượng văn bản được ký số theo quy định ngày càng tăng. Văn bản điện tử gửi và nhận giữa các cơ quan, đơn vị thông qua Trục kết nối liên thông văn bản điện tử của tỉnh được sử dụng thường xuyên. Lãnh đạo các đơn vị đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tham gia các lớp đào tạo về CNTT. Vì vậy, CBCCVC sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi công việc được nâng cao. Các đơn vị đều có trang thông tin điện tử, tuy nhiên việc cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử đa số mang tính chất báo chí, trong khi các thông tin về công tác chỉ đạo điều hành cập nhật chưa nhiều, chưa thường xuyên.
 
Mức độ UDCNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng đáng kể. Hệ thống một cửa điện tử hiện đại triển khai đến 18/20 sở, ban, ngành; 12/12 UBND huyện, thành phố và 49/147 UBND cấp xã. Hệ thống này cung cấp 1.537 thủ tục hành chính công với 507 thủ tục mức độ 3 và 119 thủ tục mức độ 4 (thủ tục thuộc mức độ 3, 4 tăng 375 dịch vụ so với năm 2016). Người dân có thể kiểm tra, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ qua mạng internet. Hệ thống cung cấp nền tảng ứng dụng để từng bước cho phép các cơ quan hành chính nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng một cách xuyên suốt, nhất quán theo quy định về “một cửa điện tử liên thông”.
 
Qua 5 năm triển khai đánh giá tình hình ứng dụng và phát triển CNTT trong hệ thống cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đã quan tâm đến việc UDCNTT phục vụ cải cách hành chính. Kết quả đánh giá xếp hạng về UDCNTT cho thấy bức tranh rõ nét hơn về tình hình UDCNTT trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, từ đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục có kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT cụ thể góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. 
 
Qua việc đánh giá, xếp hạng chỉ số UDCNTT năm 2017 tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả các UDCNTT đã đầu tư như: trục kết nối liên thông; hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông, thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý điều hành văn bản; trang thông tin điện tử; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Tiếp tục triển khai UDCNTT đến cấp xã; tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ CCVC và cán bộ chuyên trách CNTT tại đơn vị. Đồng thời, UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất cho tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động triển khai UDCNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2018.
 
AN NHIÊN