
8 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Ðạ Tẻh đã đạt được những kết quả đột phá. Ðặc biệt, nhờ thực hiện nhiều mô hình phù hợp, đến nay, huyện đang từng bước hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS.
8 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Ðạ Tẻh đã đạt được những kết quả đột phá. Ðặc biệt, nhờ thực hiện nhiều mô hình phù hợp, đến nay, huyện đang từng bước hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS.
 |
Một số hộ đồng bào DTTS ở buôn Tố Lan (xã An Nhơn) đã bắt đầu trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Đ.A |
Sản xuất tập trung
Ðánh giá các mô hình sản xuất tập trung trong vùng đồng bào DTTS tại Ðạ Tẻh, trong buổi làm việc gần đây, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng cho rằng đó là những mô hình giảm nghèo hữu hiệu và bền vững. Do đó, huyện cần tiếp tục tập trung hỗ trợ cho người dân để đạt đến mục tiêu cuối cùng. Ðối với mô hình phát triển dâu tằm trong vùng đồng bào DTTS, đồng chí lưu ý phát triển trồng dâu, nuôi tằm phải gắn liền với việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy thì hiệu quả mang lại mới mang tính bền vững cao. |
Những ngày này, đến khu trồng cao su tập trung của bà con đồng bào DTTS tại buôn Con Ó (xã Mỹ Đức) mới thấy rõ mục tiêu giảm nghèo bền vững đang rất gần trong tầm tay. Những hàng cao su chạy dài tít tắp trải rộng trên vùng đất rộng hơn 60 ha. Cứ cách mươi hàng là một bảng tên ghi rõ số lô, số hộ và diện tích. Có 62 hộ nghèo và cận nghèo, chủ yếu là người đồng bào DTTS tại buôn Con Ó tham gia vào dự án trồng cao su này. Nếu cách đây hơn 5 năm, khu vực này chỉ là đồi đất đỏ hoang hóa thì nay màu xanh của cao su đã phủ khắp cả ngọn đồi. Đất “thay da đổi thịt” và những con người nhận đất trồng cao su tập trung nơi đây cũng đang có hy vọng “đổi đời” vì tháng Tư tới đây, 30% diện tích cao su này sẽ chính thức “mở miệng”, cho thu hoạch lứa mủ đầu tiên.
Nhớ về những ngày đầu triển khai dự án, ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh còn lắc đầu ngao ngán: “Khó lắm! Nhưng dẫu biết khó anh em vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Đến giờ thì ổn rồi, dù giá cả không phải ở mức cao nhưng chắc chắn đây là nguồn thu nhập ổn định cho bà con trong thời gian tới”.
Những ngày đầu, để tránh tình trạng bà con bán đất như nhiều dự án được cấp đất sản xuất trước đây, huyện Đạ Tẻh đã đề ra chủ trương sản xuất tập trung. Mười, mười lăm hộ tập hợp lại thành một nhóm nhận đất, trồng cao su. Người này đốc thúc người kia làm, ai chây lười sẽ bị thu hồi đất. Và, mỗi năm đôi ba lần, các cơ quan, ban, ngành lại tổ chức làm công tác dân vận, giúp bà con làm cỏ, bón phân. Những năm đầu, huyện còn hỗ trợ bắp giống để bà con trồng xen, lấy ngắn nuôi dài. Đến hiện tại, ngoài thành công vì cao su phát triển tốt thì còn một thành công khác đó là toàn bộ diện tích đất trồng cao su được giữ nguyên vẹn, không bị chia năm, xẻ bảy.
Ông Lê Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức cho biết: “Riêng đối với bà con dân tộc gốc địa phương, ngoài việc triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, dự án trồng cao su tập trung được xác định là giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc. Do đó, xã đã bám sát mục tiêu để vận động nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cao su. Đến nay, cao su phát triển khá tốt, một số diện tích trong năm 2018 sẽ bắt đầu thai thác, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho bà con”.
Cũng với cách làm như tại buôn Con Ó, 120 hộ đồng bào DTTS tại buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai) cũng đã nhận trồng và chăm sóc 120 ha cao su tập trung. Ngoài ra, có gần 25 ha tre tầm vông cũng được 20 hộ tại buôn Tố Lan (xã An Nhơn) nhận trồng với hình thức sản xuất tập trung. Đến nay, diện tích cây trồng này đều phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Để đạt được kết quả này là một nỗ lực rất lớn của huyện Đạ Tẻh. Riêng trong năm 2017, huyện Đạ Tẻh đã bố trí nguồn kinh phí gần 450 triệu đồng để chăm sóc diện tích cây trồng tại 3 khu vực sản xuất tập trung nói trên.
Hướng đến trồng dâu, nuôi tằm
Ngoài hình thành 3 khu vực sản xuất tập trung, trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Đạ Tẻh còn triển khai nhiều chương trình, dự án khác. Năm 2017, huyện Đạ Tẻh có 3 thôn đặc biệt khó khăn là Tôn K’Long A, Tôn K’Long B (xã Đạ Pal) và buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai).
Bằng nguồn vốn từ Chương trình 135, trong năm, các thôn đã được phân bổ hơn 1,2 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng đường vào khu vực sản xuất tập trung tại Đạ Nha, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại Tôn K’Long. Theo đánh giá, trong 8 năm thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, các xã nghèo, thôn nghèo trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã được đầu tư 37 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đầu tư máy móc, dụng cụ sản xuất; hỗ trợ thâm canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đến nay, các hạng mục đầu tư hầu hết đều mang lại kết quả rõ nét. Đến cuối năm 2017, theo chuẩn nghèo đa chiều, huyện Đạ Tẻh còn 572 hộ nghèo (tỷ lệ 4,7%), 854 hộ cận nghèo (tỷ lệ 8,2%), hộ nghèo đồng bào DTTS là 237 hộ (tỷ lệ 8,2%).
Với những kết quả đã đạt được và những con số hộ nghèo, cận nghèo như hiện tại, huyện Đạ Tẻh đang tiếp tục đề ra một số định hướng lớn để chỉ đạo sản xuất, hướng đến mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Ông Tôn Thiện Đồng, Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh cho biết: “Hiện tại, toàn huyện có hơn 900 ha dâu tằm cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ ha. Do đó, dự kiến trong năm nay, huyện sẽ phát triển thêm 300 ha dâu mới; trong đó, sẽ tập trung hướng dẫn để đồng bào DTTS phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm hoặc trồng dâu bán lá. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân chăm sóc, khai thác và sơ chế mủ cao su, đặc biệt là diện tích cao su tập trung của đồng bào DTTS tại Con Ó và Đạ Nha”.
ÐÔNG ANH