
Là một trong những dân tộc thiểu số bản địa ở vùng đất Nam Tây Nguyên, xưa kia cuộc sống của người K'Ho gắn liền với nghề trồng lúa nước. Tết truyền thống của họ là kết thúc một chu kỳ sản xuất, gọi là "Mừng lúa mới"...
Là một trong những dân tộc thiểu số bản địa ở vùng đất Nam Tây Nguyên, xưa kia cuộc sống của người K’Ho gắn liền với nghề trồng lúa nước. Tết truyền thống của họ là kết thúc một chu kỳ sản xuất, gọi là “Mừng lúa mới”. Ngày nay, trong xu thế hội nhập, cũng như một số dân tộc thiểu số khác, người K’Ho ở cao nguyên Di Linh không còn tổ chức tết truyền thống của riêng mình nữa, thay vào đó họ đã đón Tết Nguyên đán để hòa chung với niềm vui của đất nước.
 |
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh. Ảnh: Bùi Trưởng |
Tết trong ký ức
Trước đây, trong một chu kỳ sản xuất lúa nước, người K’Ho thường tổ chức nhiều lễ hội nông nghiệp liên quan đến vòng đời sinh trưởng và phát triển của cây lúa như: Lễ gieo sạ, rửa chân trâu, cúng dưỡng cây lúa… và cho đến Lễ hội “Mừng lúa mới” (Nhô lềr bong). Với người K’Ho, “Mừng lúa mới” là lễ hội quan trọng nhất trong năm, bởi lẽ không chỉ nhằm tổng kết một năm vất vả với bao lo toan công việc đồng áng, mà đây còn là thời khắc quan trọng để tiễn năm cũ và hân hoan đón mừng một năm mới, mùa vụ mới, với bao niềm ước vọng sẽ gặt hái thành công, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống gia đình và cộng đồng.
Lễ hội Mừng lúa mới của người K’Ho không nhất thiết sẽ tổ chức vào một ngày cụ thể, nhưng thường được cộng đồng tổ chức từ giữa tháng 3 cho đến tháng 4 dương lịch hàng năm. Đây là thời điểm mà đồng bào có nhiều thời gian nhàn rỗi sau một năm lao động vất vả, mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã đóng vào cót ở trong kho và họ tổ chức đón Mừng lúa mới để tạ ơn “Yàng kòi” (thần lúa) và các vị thần linh đã cùng nhau phù trợ, ban cho họ một năm được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nghệ nhân K’Brel ở buôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận cho biết: “Tùy theo mùa vụ mà người K’Ho tổ chức Mừng lúa mới theo hình thức khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn tổ chức theo dòng tộc giữa các gia đình thân thuộc với nhau, được diễn ra trong phạm vi vựa thóc và nhà cửa. Người gia trưởng và các ông cậu là những người chủ tọa nghi lễ với sự tham gia và chứng kiến của các thành viên trong gia đình và dòng tộc. Vào đầu giờ tối tiến hành khai lễ, những người chủ tọa và một số thành viên trong gia đình tụ họp dưới vựa thóc để cùng nhau thực hiện nghi lễ cúng Yàng. Khấn cầu xong, người gia trưởng lấy một chiếc bát cổ mà trong đó đã trộn sẵn và hòa lẫn các chất với nhau, như một ít vỏ cây, đất tổ mối, huyết con vật hiến tế (huyết gà) để phết hình tròn lên từng cót thóc, cột và cửa kho lúa, cột nhà, cửa nhà, tường nhà và đến cả chiếc trống, chiêng, chóe… của gia đình”.
Sau nghi lễ, mọi người tiếp tục kéo lên nhà để tiến hành cúng tế các vị thần linh rồi quây quần trên chiếc chiếu trong ngôi nhà sàn để chia sẻ, trao đổi chuyện làm ăn, cùng uống rượu cần (trước đây người K’Ho chưa biết uống rượu đế) và thưởng thức các món thịt lợn, gà mà gia chủ vừa mới chế biến để đãi khách.
Còn những hộ có điều kiện kinh tế khá giả (có nhiều đất sản xuất, trâu đầy chuồng, chiêng, chóe đầy nhà), họ thường tổ chức “Nhô sa rơpu”, “Nhô dơng” (Uống ăn trâu) với quy mô lớn hơn. Ngoài khách mời ở trong buôn còn có quan khách và các khách mời từ nơi khác đến.
Để tổ chức lễ hội, trước hết gia chủ tụ họp những người có vai vế trong dòng tộc để bàn bạc, đưa ra quyết định và ấn định thời gian khai lễ. Trong thời gian một tháng chuẩn bị công tác tổ chức lễ hội, gia chủ phải thuê một số chàng trai, thiếu nữ về giúp việc trong gia đình; tiến hành sửa sang đường sá, giếng nước; cắt cử người chăn dắt vỗ béo con trâu, người làm cây nêu, người thì đi mời bạn bè, quan khách…
Ngày ấn định đã đến, theo phong tục lễ sẽ được cử hành từ 5 giờ chiều, khi mặt trời dần khuất bóng thì con trâu được cột vào cây nêu. Họ tiếp đón quan khách, bạn bè xa gần bằng những hồi chiêng, trống rầm rộ. Mọi người được xếp theo thứ bậc thành hàng lối. Chiêng trống rung lên từng hồi, mãi cho tới khi mọi người đã an tọa mới được tạm ngưng.
Lúc đó vị chủ tế bày các vật hiến sinh đặt dưới bàn thờ. Sau đó, họ mời quan khách cùng hướng về bàn thờ, nơi linh thiêng để khấn thần linh “hòi Yàng”: “Hôm nay, gia đình và dân làng chúng tôi làm lễ cúng tế thần lúa và các vị thần linh. Khẩn cầu các vị thần linh nhận lời cảm tạ của dân làng, vì đã ban phúc cho dân làng. Dân làng có đủ lúa ăn quanh năm và cầu cho cây cối được sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu và cầu cho sức khỏe của mọi người được dồi dào để ngõ hầu mùa sau…”. Rồi sau đó, họ ăn uống, chiêng trống nổi lên vui mừng suốt đêm. Khoảng 3 giờ sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, vật hiến sinh (con trâu) được chặt hạ để cúng tế thần linh và sau đó chế biến thành các loại món ăn ngon để đãi khách. Đó thật sự là ngày đêm họ ăn uống linh đình, nâng chén rượu cần chúc tụng nhau và hòa mình với những khúc hát “yal yau”, “pơnđik” xen lẫn với những tiếng chiêng, tiếng trống ngân vang thâu đêm, như báo hiệu niềm vui đón mừng năm mới đã về với bản làng cao nguyên.
Tết mừng lúa mới của người K’Ho không chỉ có ý nghĩa là tạ ơn Yàng, mà đây là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, bởi qua lễ hội nhiều nét đẹp được phô diễn.
Già làng K’Brệp ở buôn Kròt Sơk, xã Bảo Thuận cho biết: “Tết hay lễ hội Nhô sa rơpu có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người K’Ho. Thông qua lễ hội này đã góp phần tích cực trong việc lưu giữ và bảo tồn những nét đẹp truyền thống; đồng thời, phác họa một bức tranh toàn cảnh về đời sống sinh hoạt của người K’Ho, từ đời sống tâm linh cho đến các lĩnh vực nghệ thuật, như hội họa, dân ca, dân vũ... Đây là dịp tốt để cho mọi người thể hiện, thi thố tài năng thông qua những bài hát giao duyên, pơnđik - pơnring, đơs long, hát kể sử thi…
Khắp buôn làng đón tết cổ truyền
Những năm qua, thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: định canh, định cư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi…, đời sống vật chất tinh thần của người đồng bào ngày càng được ổn định và nâng lên. Hơn 10 năm trở lại đây, trong việc canh tác lúa nước ở Di Linh, chúng ta không còn bắt gặp những hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, mà thay vào đó là người dân toàn sử dụng máy cày, máy kéo…; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy năng suất lao động được nâng lên đáng kể. Ngoài lúa nước, bà con còn sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: chè, cà phê… Nhờ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nên đến nay kinh tế - xã hội ở các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Di Linh nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà xây kiên cố, cao tầng “mọc” lên khắp buôn làng, thay thế dần những ngôi nhà dài truyền thống, nhà tranh tre, là minh chứng cho sự đổi thay, phát triển.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân đã được nâng lên đáng kể, cùng với sự giao thoa văn hóa và tác động của yếu tố khách quan, người K’Ho ở cao nguyên Di Linh không còn duy trì việc tổ chức tết truyền thống, thay vào đó họ đã tiếp nhận tích cực việc vui xuân, đón mừng Tết Nguyên đán như người Kinh. “Những năm gần đây, mỗi khi tết đến xuân về, đồng bào dân tộc thiểu số ở Di Linh cũng niềm nở đón tết cổ truyền. Ngoài việc quét dọn nhà cửa thật gọn gàng, sạch sẽ, họ cũng gói và nấu bánh chưng; chuẩn bị hoa, mâm ngũ quả để chưng trên bàn thờ trong những ngày tết. Trong 3 ngày tết, người K’Ho cũng dành thời gian đến thăm hỏi và chúc tụng cho nhau” - ông Dacha Bảo ở buôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa cho biết.
LAM PHƯƠNG