Đón tết cùng lính đảo

09:02, 22/02/2018

Lính Trường Sa ăn tết sớm hơn ở đất liền, nên những cái tết đều trở nên thật đặc biệt. Lính đảo bảo rằng: ngày nào tàu chở hàng tết ra tới đảo, có khách lên thăm đảo thì ngày đó là tết. Cũng có mai, có quất, có bánh chưng, dưa hành, mứt, kẹo…

Lính Trường Sa ăn tết sớm hơn ở đất liền, nên những cái tết đều trở nên thật đặc biệt. Lính đảo bảo rằng: ngày nào tàu chở hàng tết ra tới đảo, có khách lên thăm đảo thì ngày đó là tết. Cũng có mai, có quất, có bánh chưng, dưa hành, mứt, kẹo… nhưng đặc biệt hơn cả, tết sớm nơi đảo xa là những tình cảm ấm áp, thiêng liêng. Chúng tôi đã thật may mắn, khi trong hành trang mang về sau chuyến công tác đến Trường Sa là thật nhiều kỷ niệm khi được cùng lính đảo đón không khí ngày tết. 
 
Những chuyến xuồng đầy tình cảm giữa đất liền và đảo xa. Ảnh: V.Q
Những chuyến xuồng đầy tình cảm giữa đất liền và đảo xa. Ảnh: V.Q
Lính đảo đợi đất liền...
 
Là đợi những chuyến tàu mang hơi ấm từ đất liền ra đảo. Đảo Trường Sa Đông những ngày biển động. Con tàu KN490 chở đoàn công tác đã phải neo gần đó đến tận 4 ngày để đợi sóng yên bớt mới dám hạ xuồng đưa người và hàng hóa từ tàu lên đảo. Ai nấy mặc sẵn áo phao, đứng bên mạn tàu hướng ánh mắt chờ đợi về phía đảo. Trời vẫn mưa và sóng vẫn dữ dội khiến con xuồng nhỏ nhấp nhô mạnh theo nhịp sóng. Tôi đã phải ngồi xoay lưng với đảo để sóng đỡ đập thẳng vào mặt. Căng thẳng và cả một chút lo sợ. Nhưng ngay khoảnh khắc quay lại nhìn vào đảo, thấy xa xa là hình ảnh những người lính mặc áo mưa đứng ở mép sóng, lời chào là những bàn tay đưa lên vẫy, là rạng rỡ những nụ cười, tôi đã phải đặt tay lên tim để đỡ xúc động khi nghĩ rằng, đó là hình ảnh đẹp và ý nghĩa nhất của cuộc hành trình. 
 
Mồ hôi và nước mưa làm ướt áo các chiến sĩ khi mang hàng từ xuồng vào đảo. Nhưng nụ cười vẫn không tắt trên môi, bởi: “Chúng tôi đã đợi tàu từ nhiều ngày nay. Đối với cán bộ, chiến sĩ của đảo, hôm nay là ngày vui nhất của năm. Không khí rộn ràng như đất liền những ngày giáp tết” - Trung tá Trần Minh Đức - Chính trị viên đảo Trường Sa Đông chia sẻ.
 
Nụ cười và những câu chào tràn ngập khắp đảo. Trung tá Trần Minh Đức cho hay: Từ khi hay tin có tàu chở đoàn công tác ra đảo chúc tết, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nôn nao, háo hức mong đợi mấy ngày nay. Nhiều anh em đã mấy năm liền đón tết xa nhà, thèm lắm tình cảm hậu phương, vậy nên các anh coi cuộc gặp gỡ nơi đây như những phút giây sum vầy quý giá cùng gia đình. 
 
Đón những chậu quất từ đất liền, những người lính là những chàng trai tuổi đôi mươi trên đảo háo hức bưng bê, trang trí. Rộn ràng, tất bật và vui vẻ. Trong hội trường, mọi người xúm xít bày mâm cỗ tết với đầy đủ bánh chưng xanh, mứt, kẹo… Giữa hải đảo xa xôi nơi trùng dương, các cán bộ, chiến sĩ cùng quây quần nghe những lời chúc tết từ đất liền, cùng chơi hái hoa dân chủ và cùng hòa lòng mình vào những lời ca, tiếng hát.
 
Tiếng hát của lính đảo cất lên giữa Trường Sa. Ảnh: V.Q
Tiếng hát của lính đảo cất lên giữa Trường Sa. Ảnh: V.Q
Hồn tết cổ truyền trên đảo Trường Sa
 
Tết ở đảo Trường Sa, cũng rộn ràng tất bật như ở đất liền, cũng ồn ào tiếng mổ lợn và quây quần gói bánh chưng. “Trên đất liền có gì thì trên đảo có thứ ấy, đó là phương châm đón tết của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa” - Trung tá Lương Quốc Anh - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa khẳng định. Và để thực hiện được điều đó, họ phải chuẩn bị tết từ rất sớm, từ rau xanh, lợn, gà nuôi trồng được ngay trên đảo, đến lá dong, gạo nếp, đậu xanh... háo hức mong đợi từ chuyến tàu “chở” tết.
 
Những bó lá dong gửi từ đất liền, sau hơn nửa tháng lênh đênh trên tàu mới đến được với đảo Trường Sa. Không còn nhiều lá giữ được màu xanh, nên các chiến sĩ nơi đây thường hay dùng thêm lá bàng vuông để gói bánh... Vừa nâng niu những ngọn lá dong hiếm hoi còn tươi xanh, Trung úy Lê Văn Quyền vừa chọn thêm những chiếc lá bàng vuông thật đẹp để gói bánh. Anh vui vẻ đùa rằng: Bánh chưng gói lá bàng vuông là một “đặc sản” chỉ có ở Trường Sa, mang hương vị riêng của biển cả, vừa là sự linh hoạt của lính đảo, vừa thể hiện sức sống bất diệt trên vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng. 
 
Chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ở thị trấn Trường Sa ngồi nhìn ba mẹ gói bánh chưng một cách chăm chú, háo hức và thích thú. Chị Nguyễn Bình Phương Ái ở hộ dân số 3 nói rằng: Những hộ dân ở đây cố gắng cùng nhau duy trì việc gói bánh chưng mỗi ngày tết đến, vừa tạo không khí ấm áp, sum vầy như ở đất liền, vừa là cách để dạy cho tụi nhỏ ở đảo biết về những phong tục cổ truyền trong ngày tết của dân tộc. Cậu bé Nguyễn Quốc Duy mới 6 tuổi cũng lăng xăng đòi lau lá dong phụ mẹ, cũng háo hức trang trí cành mai trước nhà phụ bố. Với em, tết đã đến ngay từ những ngày này.
 
Đêm giao thừa, quân và dân thị trấn Trường Sa tập trung về hội trường giao lưu văn nghệ. Những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt khi các bạn nhỏ hát vang bài hát “Quê em ở Trường Sa”, khi các chị trên đảo duyên dáng múa trong tà áo dài, hay khi các anh lính đảo trở nên trẻ trung, sôi động trong điệu dân vũ. Những trò chơi cũng được tổ chức, cũng rộn ràng, vui vẻ và náo nức như bất cứ ngày hội vui nào ở đất liền. Binh nhất Phạm Quang Tiến lần đầu tiên ăn tết ở đảo xa đã tâm sự rằng: “Không khí tưng bừng và vui vẻ trên đảo từ các chiến sĩ cùng người dân khiến tôi có cảm giác như mình đang được sống trong tình cảm của một gia đình lớn. Ấm áp và thân tình”.
 
Cũng giống như ở đất liền, ngày đầu năm, quân và dân thị trấn Trường Sa cùng đi chùa lễ Phật. Trong không gian thoảng mùi hương ấm cúng và tiếng chuông chùa vang vọng, ai nấy nguyện cầu những điều riêng không nói ra. Nhưng tôi tin rằng, bên cạnh những lời cầu riêng cho bản thân và gia đình, những con người ở đây còn có một lời cầu chung cho đất nước: bình an và vẹn toàn.
 
Các em nhỏ quây quần cùng ba mẹ gói bánh chưng. Ảnh: V.Q
Các em nhỏ quây quần cùng ba mẹ gói bánh chưng. Ảnh: V.Q
“Đất liền cứ an tâm đón tết...”
 
“... Ở đây đã có chúng tôi!” - lời nhắn nhủ ngắn gọn của Trung tá Đỗ Xuân Chung, Chính trị viên phó đảo Trường Sa tới đất liền khiến ai nấy trong đoàn công tác không khỏi bùi ngùi xúc động. Bởi trong hành trình đến với các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã được nghe thật nhiều câu chuyện về thật nhiều cái tết xa nhà của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Ai cũng có một chút ngậm ngùi, mắt thoáng đỏ hoe khi kể về cô con gái nhỏ ở nhà, về người vợ một mình lo toan mọi việc những ngày giáp tết. Nhưng sau tất cả, các anh lại xốc lại tinh thần, vững vàng tay súng để thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng nơi mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
 
Như Đại úy Trần Văn Phương - Chính trị viên đảo Đá Đông B - người đã có nhiều năm gắn bó với những cái tết ở điểm đảo chìm này, tâm sự rằng: “Lính đảo chìm, nhất là những chiến sĩ trẻ lần đầu tiên đón tết xa nhà thường có những phút yếu lòng vì nhớ nhà. Thế nên chúng tôi luôn cố gắng vững vàng tư tưởng cho các đồng chí. Tết đến, mặc dù ở xa, nhưng những bữa cơm tất niên trên đảo cũng có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh nên bộ đội cũng cảm thấy đầm ấm và ý nghĩa lắm, như đang ở nhà ăn tết với gia đình”.
 
Những điều suy tư trong phút giây giao thừa là không thể tránh khỏi đối với những người con đang làm nhiệm vụ xa gia đình, xa đất liền. Nhưng những khoảnh khắc ấy thường qua nhanh, bởi như Trung tá Đỗ Xuân Chung đã nói rằng: “Đang làm nhiệm vụ canh giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nên chúng tôi luôn luôn xác định tư tưởng vui xuân không quên nhiệm vụ, đảm bảo cho đất liền được đón tết bình yên, vui vẻ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu”.
 
Thiêng liêng biết mấy khi ngay vùng phên dậu của đất nước, lại được nghe những giai điệu: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…”. Lời bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” đã từng không biết bao lần cất lên, hòa trong sóng biển trên boong tàu KN490 suốt cuộc hành trình, trên các điểm đảo khi đoàn công tác được gặp gỡ, được lắng nghe câu chuyện của những người lính chấp nhận những mùa xuân xa cha mẹ già, xa vợ con…, kề vai đồng đội ở lại đón tết, nắm chắc tay súng giữ đảo, giữ biển, cho đất nước trọn vẹn những mùa xuân.
 
VIỆT QUỲNH