Vùng quê "vàng tặc" đến nông thôn mới

09:02, 19/02/2018

Con đường đến xã nông thôn mới của mỗi địa phương khác nhau. Và với đặc thù riêng như xã Ða Quyn thì càng trở nên khó khăn, vất vả gấp bội phần. Bởi để xây dựng thành công xã NTM từ vùng đất "vàng tặc" hoành hành là cả một quyết tâm rất lớn của Ðảng bộ, chính quyền, sự hỗ trợ tích cực của cấp trên và sự đồng lòng, hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.  

Con đường đến xã nông thôn mới (NTM) của mỗi địa phương khác nhau. Và với đặc thù riêng như xã Ða Quyn thì càng trở nên khó khăn, vất vả gấp bội phần. Bởi để xây dựng thành công xã NTM từ vùng đất “vàng tặc” hoành hành là cả một quyết tâm rất lớn của Ðảng bộ, chính quyền, sự hỗ trợ tích cực của cấp trên và sự đồng lòng, hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.  
 
Liên kết trồng hoa lay - ơn lấy củ giống và ớt sừng trâu tại xã Đa Quyn. Ảnh: H.K.G
Liên kết trồng hoa lay - ơn lấy củ giống và ớt sừng trâu tại xã Đa Quyn. Ảnh: H.K.G

Một thời... “vàng tặc”
 
Đi một vòng quanh xã, chứng kiến những “tàn tích” của một thời “vàng tặc” hoành hành còn lưu lại, Bí thư Đảng ủy Hồ Đăng Thành gợi nhớ về “K vàng đi dễ, khó về”, mà trọng tâm là các thôn Ma Bó, Chơ Ré, Tou neh của xã Tà Năng, nay được mở rộng thành 8 thôn của xã Đa Quyn. Từ những năm 1990 trở về trước, theo tiếng gọi của “xái vàng”, hàng ngàn người từ miền Trung, thậm chí cả miền Bắc, miền Nam, lũ lượt kéo về Tà Năng để tìm kiếm cơ hội đổi đời từ “vận may” đào được vàng nằm sâu trong lòng đất. Kéo theo đội quân đào đãi, khai thác là đội quân phục vụ cũng hùng hậu không kém, mang theo bao tệ nạn tràn vào “vùng đất hứa”. Cũng có người được “vận may” mỉm cười trở nên giàu có, về quê hương tận hưởng sung sướng, có người ở lại vùng đất Tà Năng làm “đại ca”, “đầu nậu”, rồi dấn sâu vào “cơn lốc” khát vàng trở thành những kẻ “tội đồ”, hoặc những con người nham hiểm với biết bao mưu mô, chước quỷ. Và cũng có không ít người bị “thân tàn, ma dại” sau bao năm ngụp lặn trong sự nhếch nhác của những căn chòi tạm bợ, hoặc trong những hầm sâu được chống đỡ qua loa có thể sập bất cứ lúc nào. Trước thực tế đó, UBND tỉnh và huyện có nhiều phương án và chỉ đạo lực lượng vũ trang, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng chục, hàng trăm đợt ra quân truy quét. Mặc dù rất kiên quyết, nhưng tình hình trong các khu vực khai thác vàng vẫn hết sức phức tạp, an ninh trật tự chỉ vãn hồi được một thời gian ngắn đâu lại vào đó, trở thành những “điểm nóng”. Không còn cách nào khác, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thành lập Công ty Khai thác vàng Lâm Đồng. Từ đó, nạn “vàng tặc” đỡ hoành hành hơn, nhưng an ninh, trật tự, an toàn xã hội (ANTTATXH) vẫn diễn biến phức tạp. Thậm chí, lợi dụng lúc “vàng tặc” bớt hoành hành, một số cơ quan, đơn vị lấy danh nghĩa san ủi mặt bằng đã huy động một lực lượng lớn phương tiện máy đào, máy húc và công nhân khai thác vàng với quy mô lớn. UBND tỉnh, UBND huyện Đức Trọng lại phải tổ chức giải tỏa, tình hình mới tạm lắng dịu. Tuy nhiên, dù không còn là “điểm nóng” như những năm 1990 trở về trước, nhưng ở thời điểm thành lập xã Đa Quyn năm 2009, dư âm của “vùng đất hứa” K65, K66, K67, K68, K69… với những kẹp vàng, kẹp xái… nằm sâu trong lòng đất vẫn có sức cám dỗ nhiều đối tượng muốn đổi đời thông qua việc đào đãi, đầu nậu, nên vùng đất Đa Quyn, hay còn gọi là “vùng K vàng” chưa bao giờ thật sự yên tĩnh. Đây đó, trong các cánh rừng sâu, trong những khu vườn của người dân, “vàng tặc” vẫn lén lút đào đãi, khai thác, mỗi khi công tác tuần tra, kiểm soát lơi lỏng thì nguy cơ “vàng tặc” lại bùng phát bất cứ lúc nào. 
 
Trong giờ học tại Trường THCS Võ Thị Sáu ở xã Đa Quyn. Ảnh: H.K.G
Trong giờ học tại Trường THCS Võ Thị Sáu ở xã Đa Quyn. Ảnh: H.K.G

Hiển hiện vùng nông thôn mới
 
Với đặc thù là xã khu vực III, đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 83%, khi mới được thành lập hộ nghèo chiếm tỷ lệ lên đến 38,9%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm tới gần 98%, đất đai một thời bị nạn đào đãi vàng xới tung, cày nát, khó cải tạo để tổ chức sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, trình độ dân trí thấp, năng lực đầu tư của địa phương và người dân hết sức hạn chế, nên năm 2011, triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đã đặt xã Đa Quyn trước một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, khắc nghiệt. Trước thực tế đó, Đảng ủy, UBND xã Đa Quyn có chủ trương: Kết hợp đồng bộ nhiệm vụ xây dựng NTM với nhiệm vụ bảo đảm ANTTATXH trên địa bàn, nhằm tạo sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau. Xây dựng NTM để người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, không còn tâm lý “đổi đời” thông qua đào đãi, khai thác vàng trong lòng đất. Ngược lại, làm tốt công tác ANTTATXH, ngăn chặn có hiệu quả nạn “vàng tặc”, nhằm giữ sự bình yên của cuộc sống, bảo vệ tài nguyên môi trường, chống xói mòn, bạc hóa đất đai sản xuất. Muốn làm được việc đó, những năm qua, ngoài nỗ lực hết mình trong công tác lãnh, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, Đảng ủy, UBND xã Đa Quyn đã chỉ đạo Mặt trận, phối hợp với các đoàn thể chính trị, xã hội trong xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân, khi họ hiểu rằng: Từ bỏ những tập tục, thói quen lạc hậu trong đời sống tinh thần, trong sản xuất, không nghe theo kẻ xấu đi đào đãi vàng trái phép, mà nghe theo chính quyền địa phương, tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng NTM chính là con đường đi đến ấm no hạnh phúc. Để người dân tin theo, làm theo, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn theo phương thức cầm tay chỉ việc, xã Đa Quyn phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng tổ chức nhiều cuộc hội thảo về kỹ thuật trồng trọt, phân bón, về giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Cùng với đó, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của tỉnh, của trung ương, của các nhà doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và lồng ghép nhiều chương trình dự án khác nhau để huy động vốn xây dựng NTM. Đối với người dân, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên chính quyền địa phương không đặt nặng vấn đề đóng góp vốn, mà vận động đóng góp sức lao động, tình nguyện hiến đất để xây dựng đường GTNT, nhà văn hóa, công trình phúc lợi… Bằng cách làm đó, Đa Quyn đã huy động tổng nguồn vốn xây dựng NTM được gần 6,3 tỷ đồng. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm của địa phương từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu học tập, đi lại, khám chữa bệnh, sinh hoạt của người dân. Điều đáng vui mừng hơn, là từ một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu, đến nay trên địa bàn xã Đa Quyn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao như mô hình liên kết giữa người dân với doanh nghiệp trong trồng cây mac mac, cho thuê đất trồng lay dơn lấy củ giống, hoặc tổ chức nuôi heo, nuôi trâu, bò, gà vườn thương phẩm... Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Đa Quyn đã giảm xuống còn 9,45%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS còn 81,1%. Thu nhập bình quân của người dân cũng đã đạt mức 31,1 triệu đồng/người/năm và đang có cơ hội nâng cao khi sản xuất, chăn nuôi không ngừng phát triển và dịch vụ, thương mại bắt đầu có mặt.
 
Thi công đường GTNT bê tông xi măng tại xã Đa Quyn. Ảnh: H.K.G
Thi công đường GTNT bê tông xi măng tại xã Đa Quyn. Ảnh: H.K.G

Mặc dù đã ở “ngưỡng cửa” xã NTM, nhưng theo Bí thư Hồ Đăng Thành, Đa Quyn hiện vẫn còn nhiều gian nan, vất vả trong việc duy trì, nâng cao chất lượng 17 tiêu chí đã đạt được và tiếp tục thực hiện 2 tiêu chí còn lại là GTNT và VSMT-ATTP. Trong đó, cam go nhất là tiêu chí VSMT-ATTP do đặc điểm của bà con DTTS không có thói quen dọn dẹp vệ sinh tại các khu công cộng, không quan tâm làm chuồng trại nuôi nhốt động vật và nhà vệ sinh gia đình, cũng như chưa nhận thức được tầm quan trọng của ATTP. Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng đứng trước những tàn tích của một thời “vàng tặc hoành hành” như những vết thương trên cơ thể hiện đang liền da, lành thịt, Bí thư Hồ Đăng Thành tự tin khẳng định: Từ vùng quê bị “vàng tặc” hoành hành, đến vùng quê NTM là một chặng đường gian nan, vất vả. Nhưng tin rằng cuối năm 2018, Đa Quyn sẽ được công nhận xã đạt chuẩn NTM, mở ra một tương lai đầy hứa hẹn của “vùng đất hứa” năm xưa.
 
HOÀNG KIẾN GIANG