Trên trục di sản Đông - Tây

09:02, 21/02/2018

Hình thái và bản sắc đô thị Ðà Lạt được quyết định bởi hai nhân tố kiến trúc và cảnh quan đô thị đặt trong sự phát triển tiếp nối vừa phải bảo tồn kiến trúc văn hóa, vừa kế thừa phát triển trong quá trình xây dựng đô thị.

Hình thái và bản sắc đô thị Ðà Lạt được quyết định bởi hai nhân tố kiến trúc và cảnh quan đô thị đặt trong sự phát triển tiếp nối vừa phải bảo tồn kiến trúc văn hóa, vừa kế thừa phát triển trong quá trình xây dựng đô thị. Và một trong những định hướng được xác quyết theo Quyết định “Quy hoạch chung thành phố Ðà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ đấy là trục di sản Ðà Lạt.
 
Trục đường Trần Hưng Đạo - Trần Phú với ý tưởng thiết kế đô thị năng động, hiện đại và sang trọng mang màu sắc ấm nóng, tươi sáng. Ảnh: X.Trung
Trục đường Trần Hưng Đạo - Trần Phú với ý tưởng thiết kế đô thị năng động, hiện đại và sang trọng
mang màu sắc ấm nóng, tươi sáng. Ảnh: X.Trung

Trong xu thế phát triển chung của đô thị, việc xác định rõ phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn và bảo tồn để phát triển như thành phố Đà Lạt sẽ gặp phải không ít trở ngại, thách thức trong quá trình đầu tư, quản lý, xây dựng. Nhưng với lợi thế của một đô thị có một không hai về mặt cảnh quan môi trường, lịch sử văn hóa và di sản kiến trúc đặt ra vấn đề cần phải bảo tồn để phát triển nhằm tạo nên diện mạo của một đô thị có cá tính, bản sắc riêng và mang tính đặc thù không chỉ trong nước mà cả khu vực nhiệt đới của thế giới. Một đô thị di sản kiến trúc - mà Đà Lạt từng sở hữu đứng ngang hàng với nhiều đô thị nổi tiếng trên thế giới - sẽ là cách tiếp cận nhanh nhất hội nhập sâu với thế giới bên ngoài. Theo như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính “Quỹ vật chất của các đô thị Việt Nam không lớn lắm. Chỉ có Huế và Đà Lạt là hai thành phố có thể xem là những đô thị di sản”. Và Đà Lạt tuy là một thành phố trẻ song là thành phố nghỉ dưỡng duy nhất Việt Nam có một “cơ thể” kiến trúc trọn vẹn mang diện mạo kiến trúc của Pháp… Do vậy, không gian đô thị Đà Lạt cùng với những công trình kiến trúc nằm trong tổng thể tự nhiên, địa hình, cảnh quan làm nên “hệ giá trị đặc trưng” có một không hai của thành phố này. 
 
Vậy hình hài của trục di sản được thiết kế về mặt đô thị đảm bảo các yếu tố bảo tồn kiến trúc hiện hữu, gìn giữ không gian cảnh quan và dẫn dắt sự phát triển trong khu vực hoạch định mang sắc thái ra sao khi được “chi tiết hóa thiết kế đô thị trục di sản” đến từng công trình, hàng rào… Theo đơn vị tư vấn, phạm vi và nội dung nghiên cứu “thiết kế trục di sản Đông - Tây” thành phố Đà Lạt bao gồm các trục đường Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương (bắt đầu từ khu vực Lăng Nguyễn Hữu Hào cho đến giao cắt giữa đường Trần Quý Cáp và Hùng Vương) với tổng chiều dài 6,5 km, diện tích khu vực nghiên cứu rộng khoảng 260 ha. Từ đó có thể hình dung, ngoài các tuyến đường chính mà trục di sản Đông - Tây đi qua, không gian nghiên cứu của đề án thiết kế đô thị này còn bao trùm lên các tuyến đường chạy song song và các tuyến đường nhánh trong khu vực. Từ đấy xác định các công trình điểm nhấn, giải pháp thiết kế đô thị cho từng phân khu trên trục di sản như màu sắc chủ đạo, định hình kiến trúc, hệ thống cây xanh cảnh quan… và các giải pháp phát triển đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản trong nó. 
 
Có thể nhận thấy các công trình điểm nhấn, công trình di sản kiến trúc nằm trên trục di sản và không gian nghiên cứu có nhiều công trình, kiến trúc độc đáo gắn liền với lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Lạt. Đấy là Dinh I, Dinh II, Nhà ga xe lửa Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng, Khách sạn Dalat palace, Nhà thờ Con Gà, Chùa Giác Hoa, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt… cùng các biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc trong khu vực mà đáng chú ý nhất là khu bảo tồn biệt thự cổ Cadasa Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, các công trình hành chính của tỉnh cùng với quảng trường trung tâm nằm bên hồ Xuân Hương thơ mộng và một hệ thống công viên cây xanh như Công viên Yersin, Trần Hưng Đạo, Xuân Hương, Quang Trung… xen cấy bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp mang lại không gian đô thị đặc sắc so với phần còn lại của Đà Lạt. Từ các công trình, không gian nêu trên có thể nhận thấy hoạt động xã hội trong trục di sản cũng phong phú và đầy màu sắc, từ hoạt động nông nghiệp, tham quan du lịch, lưu trú, thương mại… đến học tập, tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng. Qua đánh giá các yếu tố hiện trạng sử dụng đất, giao thông, kiến trúc, cây xanh và hoạt động xã hội… phần nào nói lên “một thực thể sống với đầy đủ những giá trị về vật chất lẫn tinh thần” trong khu vực trục di sản đi qua. Trên cơ sở ấy các nhà tư vấn đưa ra ý tưởng thiết kế đô thị nhằm bảo đảm “công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, con người nơi đây hòa quyện với nhau tạo nên một nơi chốn hài hòa, đa dạng và giàu tình cảm”. Một nơi chốn “bình yên, thân thuộc để trở về” trong sự chuyển mình phát triển thành phố nhưng luôn giữ “vẻ phong lưu, lãng mạn và đầy hoài niệm”. 
 
Yếu tố tiên quyết phải làm sao giữ gìn phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể trên trục di sản Đông - Tây. Nghĩa là bảo tồn, tôn tạo những cái đã có, phát triển tiếp nối những cái mới trong sự kế thừa gắn kết với cảnh quan thiên nhiên, đòi hỏi các “thao tác” tạo hình, tổ chức không gian, khởi dậy hoạt động và giác quan của con người về không gian sống đó. Đấy là chuỗi không gian chứa đựng nhiều ý nghĩa, mang lại những cảm xúc thật đặc trưng, khác biệt chỉ có ở Đà Lạt. Thử hình dung “chuỗi không gian” đô thị của trục di sản đi từ sự “giản dị, bình yên, thân thuộc” của Lăng Nguyễn Hữu Hào, thác Cam Ly, hoạt động sản xuất rau hoa, chợ Nam Thiên… chuyển tiếp qua khung cảnh “hiện đại, nhộn nhịp, năng động” với Trung tâm Hành chính tỉnh, quảng trường, siêu thị, trung tâm thương mại… cho đến không gian “hoài niệm, sang trọng, quý phái, lãng mạn, kỳ bí” với hệ thống biệt thự, dinh thự, bảo tàng… tạo nên sự đặc trưng, đặc biệt của trục di sản Đông - Tây, Đà Lạt. Đồng thời gắn với những không gian ấy là 4 chức năng tương ứng với 4 phân đoạn trên trục di sản, bao gồm: Đoạn 1 với chức năng du lịch di sản, canh nông, dã ngoại, thương mại dịch vụ mang tính chất yên bình, thân thuộc, mang màu sắc đô thị trung tính; đoạn 2 với chức năng lưu trú, dịch vụ du lịch cao cấp và trung bình, mang tính chất năng động, hiện đại, đa dạng và đoạn 3 với chức năng hành chính, giáo dục, công viên cây xanh mang tính chất năng động, lịch lãm, đồng nhất cùng mang màu sắc đô thị ấm nóng, tươi sáng; đoạn 4 với chức năng du lịch di sản, du lịch cảnh quan, lưu trú, thương mại dịch vụ cao cấp mang tính chất lãng mạn, hoài niệm có màu sắc đô thị đậm đà, cổ điển. Đi cùng với các phân khu chức năng, tính chất hoạt động và sắc màu đô thị, các giải pháp về mặt giao thông kết nối các không gian theo hướng thân thiện với môi trường cũng được đặt ra. Kể cả các giải pháp kỹ thuật đến từng chi tiết cụ thể về tạo hình, biểu tượng, màu sắc… đối với điểm nút giao thông; hay điểm dừng chân sử dụng các vật liệu, thiết bị đô thị đến lựa chọn các loại hoa tạo cảnh quan; hoặc cổng ngõ, hàng rào, mặt đứng công trình, tượng trang trí… đều được đề ra một cách cụ thể. 
 
Tựu trung, mỗi đoạn đường trong trục di sản Đông - Tây đều có những đặc điểm và màu sắc riêng biệt, từ không gian đến công trình, hoạt động của con người. Do đó, việc khoanh vùng bảo tồn kiến trúc, cảnh quan và chỉnh trang công trình được tập trung chú ý. Bên cạnh danh mục các công trình di sản đã được thành phố Đà Lạt xác định, còn xem xét đề xuất bổ sung thêm nhằm hướng đến mục tiêu “bảo tồn được các giá trị vật thể (kiến trúc, chiều cao công trình) và phi vật thể (góc nhìn, khung cảnh, cảm xúc) vốn có trên trục di sản gắn liền với thúc đẩy tiềm năng phát triển của khu vực, kiến tạo một tổng thể hài hòa cho toàn bộ trục di sản Đông - Tây. 
 
Với những nội dung được đề cập trên, việc thiết kế đô thị trục di sản Đông - Tây thành phố Đà Lạt tập trung vào giải quyết các cấn đề cải tạo, chỉnh trang, xây mới mặt đứng các tuyến phố chính; đồng thời đề xuất chỉnh trang một số công trình tạo điểm nhấn trên trục di sản. Qua đó, góp phần hoàn chỉnh cảnh quan đô thị khu vực, làm cơ sở để Đà Lạt quản lý về quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng trong tương lai. 
 
Và trên bình diện hình thái đô thị, việc lập thiết kế đô thị mới chỉ là bước đầu tạo “khuôn khổ” cho một tầm nhìn vật chất của khu vực đô thị được đề cập đến nhằm mang lại những giá trị đặc trưng, nền nếp, khác biệt về một không gian sống đầy sức hút. Theo GSND.KTS Trần Ngọc Chính: Phục hội giá trị trục di sản trên cơ sở tạo ra sự năng động, hấp dẫn như hình thành một hệ thống các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng cao cấp tại các cụm biệt thự trên trục đường. Phục hồi và nâng cao giá trị cảnh quan của trục di sản bằng cách giảm diện tích giao thông dành cho không gian đi bộ; bảo tồn và thiết lập các điểm và góc nhìn cảnh quan trên trục di sản, đặc biệt là góc nhìn từ trục di sản về phía núi Lang Biang. Và bảo tồn các biệt thự, các công trình kiến trúc có giá trị khác trên cơ sở bảo tồn giá trị đặc trưng kiến trúc các vùng của Pháp; đồng thời với bảo tồn các mảng rừng tự nhiên còn lại trong khuôn viên di sản. Còn TS.KTS Lê Quang Minh thì cho hay: Ứng xử với kiến trúc di sản vừa phải tế nhị, bởi nó rất nhạy cảm với xã hội và vừa phải cẩn trọng cả với nghệ thuật. Vì theo con đường mang tính tiếp nối với di sản thì phải biết kiên nhẫn thuyết phục ý thức mang tính thời đại… và đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ của cả cộng đồng đô thị. 
 
XUÂN TRUNG