
Năm 2018 - Ðà Lạt kỷ niệm 125 năm Bác sỹ Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất cao nguyên này. Dù có nhiều tên gọi, Ðà Lạt vẫn mang ý nghĩa tốt đẹp như kỳ vọng của những người có công kiến thiết nên thành phố: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem (cho người này nguồn vui, cho người khác sức khỏe).
Năm 2018 - Ðà Lạt kỷ niệm 125 năm Bác sỹ Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất cao nguyên này. Dù có nhiều tên gọi, Ðà Lạt vẫn mang ý nghĩa tốt đẹp như kỳ vọng của những người có công kiến thiết nên thành phố: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem (cho người này nguồn vui, cho người khác sức khỏe).
 |
Mùa xuân, hoa mai anh đào nở hồng rực rỡ các tuyến đường, khu dân cư, biệt thự, công sở... Ảnh: D.H |
Hoa ngự trị trong lòng phố
Search google “những mùa hoa ở Đà Lạt” cho ra 2.050.000 kết quả trong vòng 0,54 giây, kết quả là 10 mùa hoa, 12 mùa hoa, 15 mùa hoa... Có những loài hoa góp phần kích cầu mạnh mẽ cho du lịch như: mai anh đào, phượng tím, dã quỳ, ban trắng, hướng dương, cải trắng, tam giác mạch, cỏ hồng, lavender (oải hương), cẩm tú cầu, lá phong, cỏ lau…
Thiên nhiên ưu đãi cho Đà Lạt trong một ngày có 4 mùa: Buổi sáng mát mẻ mùa xuân, buổi trưa nắng ấm mùa hạ, buổi chiều mát dịu mùa thu và buổi tối trời trở lạnh vào đông. Các loài hoa nở biểu trưng theo mùa, bây giờ là mùa mai anh đào hoa nhuộm những mảng hồng cho không gian thành phố thêm ấm áp, lãng mạn. Một anh bạn tiến sĩ giảng dạy ở Trường Cao đẳng Đà Lạt chia sẻ: “Thật kỳ thú, hôm nay đã có 4 mùa trong ngày ở Đà Lạt: Xuân - mai anh đào đã nở, Hạ - phượng tím cũng có, Thu - dã quỳ, mimosa vẫn còn, Đông - hoa ban khoe sắc”.
Đà Lạt đã định hình những con đường hoa như: Trần Hưng Đạo hoa mai anh đào; đường Trần Phú, Quang Trung, Phan Chu Trinh hoa ban trắng; đường Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Thị Minh Khai hoa phượng tím; đường Lê Hồng Phong hoa sò đo cam; đường Trần Quốc Toản (cuối hồ Xuân Hương) hoa mua tím... Các loài hoa này còn xuất hiện khắp các tuyến đường, góc phố, khu dân cư, nhiều cây đã cổ thụ và số mới trồng cũng nhiều nên du khách không phải đi xa mới có thể ngắm được hoa đào, dã quỳ, phượng tím, mimosa... Bên ấp Ánh Sáng, giờ đây, đường Nguyễn Văn Cừ như nhuộm một mảng hồng thắm với thảm hoa hồng ri, cứ luân phiên hết đợt hoa này lại thay bằng đợt hoa mới như: hoa xác pháo, cánh bướm, tam giác mạch...
Gắn liền với hệ thống giao thông đô thị, những con đường hoa là nơi ngự trị của cẩm tú cầu, đỗ quyên, loa kèn, hoa hồng... Đặc biệt là hoa hồng trong dải phân cách nối dài từ đường 3/4, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, vòng xoay Hoàng Văn Thụ, cầu Ông Đạo, vòng xoay Hùng Vương - Khe Sanh. Chỉ có ở Đà Lạt hoa phủ bờ taluy, hoa kết pa nô, ấn tượng là 2 panô hoa đầu đèo Prenn được thay mới với gần 3.500 chậu hoa xác pháo đỏ và souci vàng dòng chữ “ĐÀ LẠT THÀNH PHỐ FESTIVAL HOA VIỆT NAM”; “CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH”; bờ taluy khu B Công viên Trần Quốc Toản trồng xác pháo đỏ tạo thành dòng chữ “ĐÀ LẠT - KẾT TINH KỲ DIỆU TỪ ĐẤT LÀNH”; bờ taluy Nhà nghỉ Công Đoàn kết hoa cúc vàng và taluy tiểu Công viên đường Lê Thị Hồng Gấm - Trần Quốc Toản trồng cẩm tú cầu.
Tại các bùng binh hoa vào dịp Festival Hoa 2017 thành phố đã thay mới 6 tháp hoa với tổng số 6.172 chậu hoa: Tháp Kim Cúc hoa dạ yên thảo hồng; tháp Thủy Tạ hoa dạ yên thảo đủ màu; tháp Hoàng Văn Thụ hoa ngọc thảo cam; tháp Ngã năm Đại học hoa xác pháo đỏ; tháp hoa công viên đầu đèo Prenn cửa ngõ thành phố hoa dạ yên thảo đủ màu; tháp hoa nút giao thông Yersin - Trần Quốc Toản được trang trí mới với mô hình nửa quả cầu hoa.
Công viên Yersin được trang trí hoa bổ sung 1.000 chậu hoa hồng đủ màu; Công viên Trần Quốc Toản được trồng mảng hoa lớn 10.000 túi hoa xác pháo, trồng bổ sung hoa mai anh đào; công viên đầu đèo Prenn trồng hoa hồng ri dọc theo hai bên đường; Công viên trước UBND tỉnh trồng cẩm tú cầu...
Thành phố đã dành một diện tích đất thích đáng cho hoa, với nỗ lực xây dựng, chăm sóc, bảo vệ để tạo ra phúc lợi cho mọi người dân và du khách tham quan, chiêm ngưỡng thông qua việc xây dựng hệ thống công viên và các tiểu công viên công cộng như: Công viên Yersin, công viên Xuân Hương, công viên Trần Quốc Toản, công viên Hoàng Văn Thụ; công viên trước UBND tỉnh, công viên đầu đèo Prenn, công viên Nguyễn Du - Quang Trung, trong vài năm tới sẽ có thêm công viên Phan Chu Trinh...
Bên cạnh những thảm hoa công cộng, vào dịp Festival Hoa thành phố xây dựng các không gian hoa phục vụ miễn phí cho mọi người. Qua 7 kỳ tổ chức Festival Hoa Đà Lạt, ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết: “Không gian hoa xung quanh hồ Xuân Hương là điểm nhấn của toàn bộ lễ hội, các tiểu cảnh nghệ thuật được bố trí tại một nơi thơ mộng giúp du khách đến thưởng lãm cảm nhận được giá trị sống tuyệt vời của thành phố ngàn hoa, nhất là các giống hoa mới trưng bày đã được giới thiệu đến du khách”.
Cư dân sống ở đô thị hoa, hay bất cứ ai đặt chân đến Đà Lạt có ý thức được là mình đã hưởng phúc lợi từ hoa và có ai cân đo đong đếm được thứ phúc lợi này? Để tạo ra nguồn phúc lợi ấy, chỉ tính riêng 5 ngày diễn ra Festival Hoa Đà Lạt 2017, chương trình không gian hoa hồ Xuân Hương đã đầu tư hơn 9,7 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chi 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, ngoài kinh phí thường xuyên, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt dự toán phát sinh hơn 700 triệu đồng chăm sóc hoa, cây xanh phục vụ 5 ngày lễ hội. Và giá trị tinh thần của thành phố Đà Lạt hoa “cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe” to lớn hơn nhiều những con số khô khan.
Như ý nghĩa tên gọi Đà Lạt “cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe” thì những phúc lợi của hoa Đà Lạt ban tặng cho mọi người một cách hào phóng vô tư, có nơi đâu, hoa được tôn vinh, trân trọng như Đà Lạt, nên ai đó vô tình hay hữu ý bẻ một cành hoa sẽ được nhắc nhở. Mùa hoa anh đào này, một bạn trẻ chia sẻ rằng: “Mai anh đào nở rất đẹp tại đường Trần Hưng Đạo. Sáng nay, con vô tình thấy một chị bẻ hoa nên gọi lại thì chị ấy chạy đi luôn. Đây là lợi ích công cộng, con mong mọi người cùng quý khách du lịch cùng bảo vệ và gìn giữ”.
“Nơi chúng mình tìm phút êm đềm”
Để quản lý cây xanh đô thị, UBND tỉnh đã ban hành danh mục quy định 32 loài cây hoa được phép trồng ở đô thị (QĐ 29/QĐ-UBND ngày 28/6/2017) đó là: ban, bụt mọc, bách tán, thông nàng (bạch tùng), bàng, bằng lăng, đa búp đỏ, đa lông, hoàng lan, kim giao, liễu, lộc vừng, long não, muồng vàng chanh, muồng hoa đào, muồng đen, móng bò tím, ngọc lan, sao đen, si, sanh, sưa, tếch, thích, trải bàn (ngân hoa), trắc, thông ba lá, thông nhựa hai lá, thông đuôi ngựa, tùng búp, tùng xà, viết. Đọc hết 32 loài cây trong danh sách này, tôi tự hỏi sao không có những loài cây hoa đặc trưng của phố núi Đà Lạt như mai anh đào, phượng tím, mimosa, hoàng hậu... nhỉ? Quy định nhà nước cũng rất nghiêm, nếu chặt cây xanh đô thị phải xin phép: UBND cấp huyện, thành phố có thẩm quyền cấp phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị với số lượng từ 10 cây trở xuống (không phải là cây quý hiếm, cổ thụ, không có biểu hiện phá hoại làm cây chết); chặt hạ trên 10 cây (không bao gồm cây chết, cây sâu mục, cây nguy hiểm) phải xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Cùng với trục kiến trúc di sản, trục kiến trúc cây xanh đô thị của Đà Lạt cho chúng ta cái nhìn nhiều tầng không gian: Trên cao là rừng thông, tầm thấp hơn thông là những cây hoa độc đáo như: phượng tím, mai anh đào, mimosa, ban...; tầm thấp hơn nữa là các loài hoa dài ngày như: cẩm tú cầu, đỗ quyên, loa kèn... bên trên thảm cỏ xanh là các loài hoa dại, bồ công anh khoe sắc.
 |
Hạnh phúc bên hoa. Ảnh: Phan Nhân |
Điều gì xảy ra nếu Đà Lạt không còn êm đềm, tĩnh lặng, lãng mạn hiện diện trong sương mù, trong con dốc quanh co, trong thấp thoáng cỏ hoa vốn dĩ là đặc trưng của nhịp đập đô thị này qua 125 năm hình thành và phát triển? Điều gì xảy ra nếu Đà Lạt phát triển nóng với nhiều cao ốc, đường sá mở rộng thành xa lộ dày đặc xe cộ, dù rằng cảnh sắc vẫn thơ mộng với thiên nhiên hoa, cỏ, thảm thực vật vẫn còn đó? Cứ tưởng tượng nếu những điều đó xảy ra thì tìm đâu Đà Lạt bây giờ? Bởi thành phố hoa vốn dĩ phù hợp với phong thái con người Đà Lạt là đi không vội, ăn không nhanh, sống không gấp, không gian hoa thanh lọc tâm hồn con người chứ không chỉ có chức năng trang trí đô thị đơn thuần. Chợt nhớ lời thầy giáo của tôi, một tiến sĩ về truyền thông đã từng gắn bó với Đà Lạt viết: “Có lẽ với phố phường Đà Lạt, không có gì thô tục hơn sự vội vã”. Trong sự phát triển đô thị đừng để phá vỡ không gian êm đềm, lãng mạn của thành phố như nhiều người yêu Đà Lạt lo lắng về nguy cơ này. Cảm giác êm đềm là năng lượng sạch, lực hấp dẫn du khách, là trạng thái mong muốn của bất kỳ ai đặt chân lên Đà Lạt chỉ để “tìm phút êm đềm”, khoảng lặng để nghỉ dưỡng, suy nghiệm, sáng tạo, yêu đương...
Nhà thơ Tường Huy chia sẻ: “Trong tôi luôn thấm đẫm một tình yêu Đà Lạt, thành phố muôn xanh dịu dàng hoa cỏ. Bởi vậy, du khách muôn phương đổ về phố núi làm sao họ khỏi ngẩn ngơ trước những màu hoa khoe sắc xen lẫn giữa màu xanh của cỏ hoa mọc trên đồi cao, lũng thấp, nơi phố thị, ngoại ô. Hoa cỏ Đà Lạt làm dịu những niềm đau, nỗi buồn, khiến ta quên đi những lo toan, nhọc nhằn cơm áo, buông bỏ tất cả, mở lòng ra với đất trời Đà Lạt lắng nghe hoa cỏ thì thầm. Phải lắng nghe nghĩa là phải im lặng mới nghe tiếng nói của muôn hoa. Chúng ta hãy nâng niu quý mến cỏ hoa và tiếp tục trồng hoa ở phố, ở đồi, ven đường, trước ngõ, bờ rào, taluy... nghĩa là trồng hoa bất cứ nơi đâu và trồng ngay bây giờ để Đà Lạt mãi màu xanh của cỏ, sắc màu của hoa, đầy sức sống tươi nguyên của phố núi mây ngàn”.
DIỆU HIỀN