
Trong ký ức của người phu phen làm đường thuở ấy - có lẽ là người duy nhất sống đến ngày hôm nay - như còn nguyên vẹn những ngày gian khó mở đường lên Ðà Lạt. Ông đã sống gần trọn thế kỷ nơi miền sơn nguyên Lâm Viên, chứng kiến biết bao sự đổi thay của đô thị này khi mà Ðà Lạt bước vào tuổi 125 thành hình, phát triển.
Trong ký ức của người phu phen làm đường thuở ấy - có lẽ là người duy nhất sống đến ngày hôm nay - như còn nguyên vẹn những ngày gian khó mở đường lên Ðà Lạt. Ông đã sống gần trọn thế kỷ nơi miền sơn nguyên Lâm Viên, chứng kiến biết bao sự đổi thay của đô thị này khi mà Ðà Lạt bước vào tuổi 125 thành hình, phát triển.
 |
Cuộc sống viên mãn của cụ Phạm Văn Hùng bên người vợ của mình. Ảnh: H.Y |
Tuyến đường từ Tháp Chàm - Phan Rang lên thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt, phải leo qua con đèo bốn, năm lớp đường chồng lên nhau, xứng danh với tên gọi Ngoạn Mục (Sông Pha) đẹp nhất nhì cõi Việt. Rồi như thể chưa đặng đừng lại phải tiến lên cao hơn, mang trong nó đầy rẫy sự khao khát, thách thức sức người bởi con đèo D’Ran quanh năm phủ bóng sương mù mới tới vùng đất Trạm Hành, Cầu Đất - Đà Lạt, cao 1.600 m so với mực nước biển. Từ đây mở ra cả một cao nguyên trập trùng đồi núi, hoang sơ, tĩnh tại dưới chân Lang Biang hùng vĩ mà định ra Đà Lạt ngày nay. Và còn đâu đấy bóng dáng những người khai mở, lập đường từ những ngày đầu xa lắc xa lơ trăm năm xưa cũ.
Sơn nguyên hoang sơ buổi đầu
Bánh xe thời gian quay chậm chậm ngược lại quá khứ qua miền ký ức của phu đường - cụ ông Phạm Văn Hùng, năm nay đã bước sang tuổi 102… Từ khi tỉnh Lâm Viên được thành lập năm 1916 và tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập vào năm 1920, chính quyền thực dân Pháp vừa tập trung xây dựng Đà Lạt thành trung tâm nghỉ dưỡng của người Pháp ở Đông Dương, vừa tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế ở vùng Nam Tây Nguyên giàu có này. Và để thực hiện những điều đó thì những cuộc viễn chinh xây dựng đường sá ghê gớm nhất được thiết lập, triển khai mở lối đến nơi đây.
Cụ Hùng kể, trên đường đi lên cao nguyên Lang Biang chốn rừng thiêng nước độc, nơi mà thần chết đang chờ đợi, từng đoàn người dân đi tạp dịch hoặc đi phu phen được trưng tập từ nhiều miền trên đất nước. Khi ấy, lương thực thiếu thốn, có ngày không có lấy một hạt cơm vào bụng, bệnh tật triền miên do khí hậu cao nguyên nắng gió, mưa dầm khắc nghiệt, họ đã bỏ trốn từng đoàn, hoặc nổi dậy chống lại cai đường. Và mỗi khi như thế, sẽ bị lính Pháp áp giải đàn áp ghê rợn, xác họ rải dọc đường theo dấu vết tuyến đường đi qua để răn đe, cảnh báo cho những ai có tư tưởng chống lại hoặc bỏ trốn khỏi công việc làm đường cực nhọc. Trưng tập đi phu là một hình thức bóc lột sức lao động trá hình của chế độ thực dân thời ấy, còn công việc làm đường bộ và đường sắt lên Đà Lạt thật sự như lao động khổ sai, xiết bao đắng cay của người bản địa trong đó có ông. Không biết bao lớp thanh niên bị bắt lên làm phu đường, cứ men theo đường rừng, làm từng đoạn, từng đoạn, đường làm tới đâu thông xe tới đó cho đến khi hoàn thành.
Nhọc nhằn phu phen
Một hệ thống cấp bậc phức tạp hình thành trên các công trình dự án nhằm vận hành, kiểm soát, cai trị những người bị bắt đi lao dịch mà đến nay ở cái tuổi trăm năm có lẻ cụ Hùng còn nhớ như in. Ngày ấy, buổi sáng đi làm thì buổi tối phải nấu nước trước chớ không buổi sáng lỡ thò tay vào nước là tay cứng đờ không làm được gì, lạnh đến như thế đấy. Sáng ra mới 6 h khi sương mù còn dày đặc, lạnh tím tái mà các cai thầu đã bắt phu đường ra làm trong khi trên người vài mảnh vải mỏng che thân. Nhiều người chết vì lạnh và đói, lúc ấy chỉ có su su và củ chuối để ăn. Rồi như thể nhớ lại phận mình khi đó, cụ Hùng trầm tư: “Thời kỳ vào làm đường tôi bị chúng hành hạ đánh đập khủng khiếp lắm. Cái tay của quan Tây to bằng chân mình mà nó đấm đá túi bụi trên thân thể thiếu ăn gầy khô. Lúc ấy, tôi chỉ biết co mình lại để đỡ bớt đau và chờ đợi bọn chúng rủ lòng thương mà đừng đánh nữa… Cụ Hùng kể, có trường hợp anh culi đang làm đường, một quan Tây qua hỏi bằng tiếng Pháp (đại ý là mày có thấy con ngựa của tao đâu không, mày lấy con ngựa của tao à), anh ấy không biết tiếng Pháp bèn nói ui (trong tiếng Pháp có nghĩa là dạ) vậy là chúng lôi ra giếng nước ngay gần đây bắn chết. Lại có phu đường vì không chịu nổi tiết trời giá lạnh lỡ ăn cắp một đôi vớ của quan Pháp đã bị chặt đứt lìa đôi bàn tay khiến cho nhiều phu đường sợ hãi. Một khi đã đi phu dịch thì số người đi thì nhiều, số người trở về rất ít nên không biết bao mồ hôi, xương máu rơi trên những nẻo đường xuyên rừng hoang sơ lên cao. Vào thời điểm đó, không chỉ người Việt tút tận miền Bắc, miền Trung nhập cư là lực lượng chính làm phu đường mà còn có cả những dân phu người dân tộc thiểu số cao nguyên tham gia san lấp, phá đá xây dựng tuyến đường lên Đà Lạt.
Lúc ấy, tôi không biết số lao động người dân tộc bản địa và người Việt từ miền Bắc, Trung vào là bao nhiêu, chỉ biết rằng đông lắm, họ cứ chết dần, chết mòn trong đói rét và bệnh tật. Thiếu lao động, người Pháp lại tiếp tục chiêu mộ thêm phu đường để làm đường bộ và tuyến xa hỏa răng cưa tương lai lên khu an dưỡng Lang Bian. Họ không chỉ bị ép buộc mọi người bằng vũ lực, mà ngay cả phương tiện của dân như xe bò của họ cũng bị trưng dụng.
Thoắt đã trăm năm
Tôi đi lần vào Cư xá hỏa xa (TP Đà Lạt) ngày xưa ở Trạm Hành. Khung cảnh vẫn đó, vẫn ngôi nhà dành cho những người hỏa xa mới thấy sự phi thường của những phu đường ngày ấy. Trong điều kiện lao động khổ sai, những phu đường một thuở bằng mô hôi, nước mắt ly hương đã tạo ra công trình phi thường tuyến đường bộ (QL 27) và đường sắt răng cưa nối Tháp Chàm với Đà Lạt.
Theo sử liệu, tuyến đường sắt lên Đà Lạt, đã phải mất nhiều thời gian để thành hiện thực so với kỳ vọng của những nhà quy hoạch thuộc địa. Với cái giá của nhiều sinh mạng bản địa, và sau vài lần trì hoãn như vậy, tuyến đường sắt đã nhích dần hơn về phía Đà Lạt nhưng mới chỉ tới xóm Gòn (cách Đà Lạt 83 km) vào năm 1912, tới Khrongpha (Sông Pha) vào năm 1926, sau đó là Belle - vue (Eo Gió) năm 1927, và Arbre Broyé (Trạm Hành) năm 1930. Và mãi đến tận 1938 tuyến đường sắt mới được khai thông hoàn toàn với ga Đà Lạt.
Chính cái nơi được kỳ vọng sẽ trở thành nơi dành để chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho người Âu Châu, lại đang gây nên nỗi ám ảnh, nỗi đau khổ khủng khiếp cho những người lao động bản địa. Vậy nên nói như cụ ông Phạm Văn Hùng: “Cách thức xây tuyến đường đến với thành phố mộng mơ, không hề mộng mơ một chút nào, thậm chí còn là địa ngục đối với người lao động bản địa thời kỳ đó”.
Để tạo điều kiện cho việc xây dựng đường từ Phan Rang lên đến cao nguyên Lâm Viên, các gia đình công nhân từ miền Bắc và miền Trung sẽ được đưa vào các khu vực đang thi công, để tổ chức thành các làng mạc dọc theo con đường tương lai, từ đó mà hình thành nên trấn D’Ran, các khu làng mạc Trạm Hành, Xuân Trường… Cùng với sự tái định cư là hàng loạt đợt di cư ép buộc đã được tiến hành. Cụ Hùng tâm sự, quê ông ở tận Quảng Nam, một làng quê bom đạn, chiến tranh, nghèo đói bao trùm, ngày ấy thực dân Pháp trưng tập đi phu với nhiều điều hứa hẹn nên đã tham gia. Sau đó săn tìm nhiều tay nghề khác nhau để phục vụ lợi ích của thực dân, phong kiến. Những ngày mới đặt chân vào đây, vùng Trạm Hành chỉ là vùng rừng núi hoang vu không một bóng người, xung quanh là rừng già. Sợ nhất là ban đêm, không ai dám đặt chân ra ngoài bởi ở đây toàn lợn lòi, hùm, beo, cọp xung quanh nhà, trời về đêm thì lạnh thấu xương.
Sau khi tuyến đường được hoàn thành, nhiều phu đường sống sót xin vào làm công nhân cho các đồn điền của người Pháp. Cụ Hùng nhờ biết tiếng Pháp nên ông cũng xin một chân công nhân ở Sở trà Cầu Đất để làm với cuộc sống vô vàn khó khăn. Những ngày tháng đó ông gặp người phụ nữ có cuộc sống cùng khổ như mình nên nảy sinh tình cảm rồi lấy nhau. Ban ngày, ông vào Sở trà của Pháp làm việc kiếm tiền nuôi sống gia đình, ban đêm phải ở rừng để hạ cây khai hoang đất để sản xuất. Thuở ấy, dụng cụ khai phá còn thô sơ, chỉ có cưa tay để hạ cây, có khi cả ngày trời tôi mới hạ nổi một cây. Và, phải mất hàng tháng trời tôi mới có thể khai phá được một khoảnh đất nhỏ mà đất thì đâu có hề bằng phẳng để trồng cây, muốn có miếng đất vài trăm mét phải sử dụng đôi bàn tay nỏ đá ra thành từng cục sắp xếp kè bờ rồi ban đất ra để dọn đất trồng bắp, đậu, su su. Sau khi thu hoạch xong, chúng tôi phải gánh bộ hàng nông sản xuống tận vùng Đơn Dương để bán, lấy tiền mua gạo ăn.
Mỗi lần nhìn quê hương Đà Lạt phát triển, tôi nhớ lại quá khứ đau buồn, nơi bao lớp người Việt lao khổ ở vùng Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) và Thanh - Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An) bị dồn buộc đi làm culi cho Tây trên cung đường này hay trong những đồn điền… Những làng ấp người Việt lưu lạc trôi theo phận đời phu mở đường buổi nào nay vẫn còn lưu dấu ở sông Pha, Dran, Phát Chi, Trạm Hành… như là chứng tích của một thời cơ cực mở lối lên Đà Lạt.
Cuộc sống vất là vậy, nhưng giờ đây cụ Hùng rất tự hào rằng: “Sống từng ấy năm, trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống, càng về già tôi càng trân trọng những gì mà đôi bàn tay, sức lực mình đã làm nên. Vì thế tôi luôn dạy con cháu biết trân trọng những gì cha ông đã gầy dựng, bởi những con người bám đất, lập làng và những giọt mồ hôi, nước mắt của họ đổ xuống đã biến vùng đất chỉ toàn đồi dốc, rừng núi hoang sơ xưa kia nở hoa, kết trái và trở nên trù phú nổi tiếng như hôm nay - TP Đà Lạt - trung tâm du lịch quốc gia và mang tầm quốc tế”.
Thoắt đã trăm năm, cụ Hùng đón mùa xuân này khi đã bước sang tuổi 102 cùng người vợ gắn bó cùng ông trải qua những đắng, cay, ngọt, bùi, thủy chung cũng đã bước sang 92 tuổi,… Hơn 1 thế kỷ trôi qua, chứng kiến bao cuộc đổi thay của quê hương, đất nước mà phần lớn thời gian ông sống tại thành phố Đà Lạt. Đà Lạt bước vào năm 2018 tròn 125 năm hình thành và phát triển, đối với ông bà chỉ có ước nguyện duy nhất mong cho cuộc sống con cháu, người dân Đà Lạt ngày càng sung túc, an bình.
Ký sự: HOÀNG YÊN