Những "người bạn nhỏ" của lính đảo xa

08:02, 02/02/2018

Trong hành trình đến với Trường Sa, đến với điểm đảo nào, chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh và âm thanh vừa quen thuộc, vừa thân thương của đất liền ngay giữa sóng nước trùng khơi, khi ở đâu cũng có mười mấy chú chó ùa ra, vẫy đuôi rối rít và thi nhau sủa vang như một lời chào.

Trong hành trình đến với Trường Sa, đến với điểm đảo nào, chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh và âm thanh vừa quen thuộc, vừa thân thương của đất liền ngay giữa sóng nước trùng khơi, khi ở đâu cũng có mười mấy chú chó ùa ra, vẫy đuôi rối rít và thi nhau sủa vang như một lời chào. Giữa mênh mông biển trời, những chú chó ở Trường Sa không chỉ mang trong mình hình bóng thân quen nơi đất liền mà theo thời gian, chúng dần trở thành những cận vệ trung thành, những người bạn gắn bó thân thiết của người lính ở nơi hải đảo xa xôi.
 
Lính đảo chăm sóc những chú chó ở đây bằng tất cả tình thương yêu. Ảnh: V.Q
Lính đảo chăm sóc những chú chó ở đây bằng tất cả tình thương yêu. Ảnh: V.Q

"Những ngày đầu ra đảo, nhớ nhà, nhớ đất liền, nhờ có những chú chó để chăm sóc, để cho ăn và nghe tiếng sủa mỗi ngày mà em cảm thấy như Trường Sa và đất liền được nối gần hơn” - Trung sỹ Lương Thế Anh ở điểm Đá Đông B đã bắt đầu câu chuyện như vậy, khi anh ngồi kể cho chúng tôi nghe về những chú chó nơi này.
 
Gần một năm gắn bó với điểm đảo, với những “người bạn” đặc biệt này, Thế Anh đang tranh thủ những ngày cuối trước khi về đất liền để chăm sóc cho đàn chó con vừa mới ra đời - với sự chăm chút và yêu thương. Chiều ở Đá Đông B, nắng vàng và gió lộng. Không có những bóng cây râm mát như ở đất liền, những chú chó ở đây tự tìm bóng mát ở chân những khu nhà. Thấy có khách tới thăm đảo, gần 20 chú chó trên đảo... đua nhau sủa.
 
Đại úy Trần Văn Phương - Chính trị viên điểm B đảo Đá Đông vừa dẫn chúng tôi đi thăm đảo vừa nói: “Đừng sợ, chó trên đảo không cắn ai đâu, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận, vì nó cũng mong có người ra thăm đảo như con người đón đợi bạn ra thăm”. Anh Phương cho biết, chó nuôi trên đảo chủ yếu là chó nhà được lính đảo mang từ đất liền ra nuôi ở các đảo, sau đó giữa các đảo lại trao qua đổi lại với nhau, đều là những giống chó thuần chủng, tuy nhỏ bé nhưng rất khôn ngoan, lanh lợi. Quanh năm sống trên những cụm bê tông này nên đàn chó ở đây cũng “thèm hơi” đất liền không kém những người lính đang chăm chúng. Vì vậy mà khi có đoàn khách ra thăm, chúng muốn ùa tới để “hít hà”, dù toàn những người xa lạ.
 
Chó ở Trường Sa đều được lính đảo đặt tên, bằng những cái tên gần gũi và dễ nhớ, là Đốm, là Nâu, là Đen, là Mập,... dường như đều xuất phát từ những gì thật dễ nhận diện của màu lông hay ngoại hình. Ôm một chú chó vào lòng, Lương Thế Anh tâm sự: “Nó tên là Gấu. Hồi chúng em mới ra nhận nhiệm vụ, ở đảo đã có một số chú chó rồi. Mới đầu, chúng em tranh nhau để được cho những “người bạn” này ăn. Chuyện lính đảo nhường phần sữa ít ỏi mang ra từ đất liền cho chó mỗi khi tụi nó ốm đã không còn là điều lạ. Bây giờ, khi đi đánh cá hay đi tuần tra, chúng em hay gọi các bạn ấy đi cùng. Khi rảnh rỗi, chúng em lại lôi mấy chú xuống tắm biển và tổ chức các cuộc thi bơi”. 
 
Ở điểm đảo Đá Tây A, binh nhất Dương Văn Vinh kể rằng: “Ở đảo, mỗi khi chào đón một chú chó ra đời, chúng em cũng cũng háo hức y như chào đón một đứa cháu nhỏ của mình. Khoảng 2 tháng trước, con Đốm và con Vàng sinh, chúng em đã thu gom những mảnh gỗ có sẵn trên đảo và dạt từ biển vào để đóng chuồng cho nó ở. Những chú cún còn yếu, chúng em nhường phần sữa của mình pha cho chúng uống. Nay nhìn các bạn ấy khỏe mạnh, chúng em vui lắm. Có tiếng chó sủa cũng khiến đảo đỡ buồn và trở nên rộn ràng hơn”. 
 
Nếu như chó ở trong đất liền chỉ phải đối mặt với trộm hoặc tranh giành lãnh địa với đồng loại thì ở đây chúng còn phải đối mặt với những kẻ thù còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh của mình, chúng chưa bao giờ làm anh em lính đảo thất vọng. “Cùng là tiếng sóng xô bờ đánh “oạp” nhưng chúng biết rõ cái nào là do sóng, cái nào là do người tạo ra. Ở với người lính, nó cũng rất có kỷ cương, nề nếp, cũng có con đầu đàn để “chỉ huy” toàn bộ những con còn lại. Mỗi khi anh em đi tuần kiểu gì cũng có vài con chạy theo. Có chúng nó vừa vui lại vừa yên tâm” - Văn Vinh cho biết.
 
Mỗi lần đoàn công tác hoàn thành việc gửi gắm tình cảm của “đất liền” và chia tay những người lính hải quân ở mỗi đảo để tiếp tục di chuyển đến những hòn đảo khác, mọi người lại lưu luyến vẫy tay chào nhau. Và những lúc đó, bao giờ cũng có hình ảnh những chú chó lặng lẽ nối đuôi nhau chạy ra tận mép nước, đăm đắm nhìn theo khi xuồng rời đi.
 
Ở đảo Trường Sa Đông, rất nhiều người trong đoàn công tác đã rơi nước mắt, khi nghe mọi người trên đảo bàn nhau ngày mai phải nhốt hết chó trên đảo lại, vì sợ chúng sẽ chạy theo những chiến sĩ, không cho các anh về khi các anh ra tàu rời đảo sau một năm hoàn thành nhiệm vụ. Và khi chứng kiến sự quyến luyến của những chú chó và lính đảo trong ngày chia tay, chúng tôi mới hiểu được, vì sao khi nhìn thấy tấm ảnh những chú chó ở Trường Sa lưu luyến với con người, anh Hoàng Hải Lý (Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, Khánh Hòa) lại viết nên những dòng thơ làm cay mắt bao người:
 
“Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây
 Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm 
Sóng thì to, nước biển kia rất mặn 
Mày cứ bơi, tao sao thể cầm lòng...”.
 
VIỆT QUỲNH