
Xứ lạnh, ảnh hưởng từ di sản kiến trúc Pháp, cuộc sống đi lên nên nhà ở tại thành phố hoa Ðà Lạt xây dựng ngày càng đẹp.
Xứ lạnh, ảnh hưởng từ di sản kiến trúc Pháp, cuộc sống đi lên nên nhà ở tại thành phố hoa Ðà Lạt xây dựng ngày càng đẹp.
 |
Khu nhà ở Khu qui hoạch dân cư An Sơn. Ảnh: V.T |
“Ốc đảo” thanh bình
Nếu ở Đà Lạt này có một khu dân cư nào đẹp, đó ắt hẳn phải là khu quy hoạch mới An Sơn tại Phường 4 - Đà Lạt.
Ấn tượng nhất với tôi ở khu phố An Sơn này là nhiều ngôi nhà mới rất đẹp đang mọc lên trong một khu vực có cảnh quan thiên nhiên bao quanh vô cùng tuyệt mỹ. Chạy dọc theo đỉnh đồi, đường sá rộng rãi, tráng nhựa phẳng phiu, các dãy nhà ngăn nắp (ít nhất là cho đến thời điểm), hầu như toàn bộ các ngôi nhà trên cao này luôn có tầm nhìn khoáng đạt, trải dài dưới chân đồi, đôi bên là một thung lũng xanh tươi với rừng thông, các khu vườn rau, với rất nhiều nhà lồng trồng rau hoa đêm đêm bừng sáng ánh điện.
Và rừng. Rừng thông xanh ngắt bao quanh khu dân cư. Thành phố với tiếng ồn như đã bỏ lại sau lưng ở đâu đó phía bắc, để lại nơi đây sự tĩnh lặng trầm mặc của núi rừng. Cả phía nam khu quy hoạch là rừng thông, rừng còn nguyên, chưa thấy dấu vết chặt phá loang lổ. Tận trong sâu nhất của khu phố này là một dãy nhà xây mới tuyệt đẹp trên một con đường nhựa lượn vòng cung trước nhà. Ở đây rừng ngay trước mặt nhà, leo lên tầng lầu mở cửa sổ có cảm giác như chạm tay vào màu xanh của núi rừng.
Ở đó, trong dãy nhà sâu phía trong, có một công viên nhỏ thanh bình bên bìa rừng với các ghế đá tĩnh lặng. Tôi thử ngồi lên chiếc ghế đá này để ngắm hoa, ngắm dãy nhà bắt nắng sáng sớm và ngắm rừng. Rất nhiều loại hoa được trồng ven nhà nơi đây, hoa tuôn nở trước nhà, hoa nở trong công viên nhỏ đủ để tô điểm cho khu phố vốn đẹp này lại càng thêm đẹp.
Đột nhiên tôi nghe tiếng chim rừng, những con sáo sậu bay thành bầy như tranh cãi ồn ào rồi bay đi, vẳng vọng tiếng chim cu gù trong nắng. Trong buổi sáng lộng gió đó, trời rực xanh với chút lành lạnh cần có của một Đà Lạt tháng chạp, tôi chợt nghĩ nếu có thiên đường ở đâu đó, thiên đường ắt hẳn sẽ cũng giống nơi đây.
Bỏ phố lên rừng
Trong ốc đảo thanh bình sâu bên trong khu quy hoạch An Sơn đó, ông Thân Trọng An, một trong những chủ nhà nơi đây mời tôi vào nhà tham quan.
Năm nay đã 78 tuổi, ông An trước đây vốn là một thầy giáo dạy học, tự nhận là một người “lập dị” bỏ phố vào sống với rừng. Nhà ông trước đây vốn ở một con đường tấp nập kề trung tâm Đà Lạt - đường Phạm Ngũ Lão, đầy các hàng quán, khách sạn, nhà nghỉ, đông đúc người lui tới. Ông An thích chỗ ở mới này vì sự thanh bình, vào đây ông và con chọn mua một mảnh đất chừng 200 m
2 xây một biệt thự song lập cùng nhà bên, còn dư tiền bán nhà, vợ chồng người con mua một chiếc xe hơi chạy ra phố đi làm hằng ngày.
Ngôi nhà ông ở được thiết kế rất hợp lý, gồm 1 trệt, 1 lầu, 1 áp mái, tầng trệt có phòng khách, buồng ngủ nhỏ và bếp, trước nhà có khoảng sân nhỏ trồng cỏ và hoa, bên hông nhà là chỗ đậu xe hơi cùng các luống hoa, tầng lầu có 2 buồng ngủ cho vợ chồng và con cái của người con trai, tầng áp mái là phòng thờ với sảnh nhỏ. Trong phòng nhỏ dưới tầng trệt của mình, ông An kê chiếc giường nhỏ, các kệ sách vây quanh, trong đó có nhiều cuốn tự tay ông viết. Ông vốn là người làm gia phả có tiếng tại Đà Lạt.
Nhưng người giáo già này không chỉ đọc sách, ông còn thích làm việc ngoài trời, thích trồng hoa, trồng cây cảnh. Hầu như toàn bộ công viên công cộng này tự tay ông làm nên, chỉ huy động mọi người trong khu phố đóng góp mua vật liệu để ông làm, mỗi ngày một ít... Trong khu quy hoạch An Sơn đó còn có rất nhiều người từ phương xa lên đây, một trong số đó là vợ chồng ông Nguyễn Văn Sáng, 65 tuổi và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 64 tuổi, vợ ông. Vốn là người Sài Gòn, làm việc lâu năm cho một cơ quan sản xuất, đến khi về hưu ông bảo chẳng tha thiết gì với thành phố lớn ấy nữa vì khói bụi, ô nhiễm, đông đúc, ồn ào... Ông bà đã đi nhiều nơi nhằm tìm một chỗ thanh bình, sạch sẽ để sinh sống. Trước khi chuyển hẳn lên đây xây nhà, vợ chồng ông từng thuê nhà ở gần nửa năm tại Đà Lạt rồi mới quyết định.
“Trong một chừng mực nào đó mà nói, Đà Lạt dường như hội đủ tất cả các điều kiện cho việc chọn một nơi để ở sau khi về hưu như vợ chồng tôi, từ khí hậu ôn hòa, môi trường trong lành, nhà cửa đẹp đẽ, người dân thân thiện, hiền hòa, hàng xóm tử tế, thức ăn phong phú, hàng quán sạch sẽ…”, ông Sáng suy nghĩ.
Biệt thự nhỏ trong khu An Sơn này ông Sáng xây cách đây 2 năm. Lúc đó, các con của ông cũng đều có nhà, căn nhà nhỏ dưới TP Hồ Chí Minh ông bà bán đủ tiền để mua đất, gần 200 m
2, xây nhà khoảng gần 1 tỷ đồng. Nhà có 2 tầng, mỗi tầng rộng trên 60 m
2, có 1 phòng khách, nhà bếp, 3 buồng ngủ có hệ thống nhà vệ sinh riêng trong phòng, mái ngói, đồ đạc trang trí đơn sơ nhưng tinh tế.
“Trên này rất dễ xây nhà đẹp vì các kiểu nhà nơi đây rất Tây, hợp với xứ lạnh, kiến trúc sư ở đây cũng thiết kế nhà rất đẹp, nhiều kiểu để chọn. Tôi cả đời dưới đó sống nhà phố kiểu ống nên lên đây phải xây một căn nhà đẹp và cũng vì chung quanh nơi này nhà ai cũng đẹp nên mình xây không đẹp coi sao đặng” - ông Sáng cười vui.
Nhưng nét nổi bật của ngôi nhà này chính là hoa, hoa từ trước ngõ, trong khuôn viên với sân trước, bên hông nhà ra đến khoảng vườn trồng lan nhỏ phía sau, hoa tràn vào phòng khách, lan ra ban công.
Cho những ngôi nhà mơ ước
Biệt thự, hiểu một cách đơn giản, chỉ là một ngôi nhà riêng, không chung đụng với ai, chung quanh có không gian, có khoảng trống, có ánh sáng, có đất trống chung quanh làm sân, trồng hoa, trồng cỏ hay chỉ để tạo cho ngôi nhà bề thế. Đó có thể là một ngôi nhà biệt lập, nhà song lập hay nhiều hơn.
Chỉ cần làm một vòng quanh Đà Lạt sẽ thấy không biết bao nhiêu ngôi nhà mới đang mọc lên tại thành phố này trong những năm gần đây, trong đó có không ít là các biệt thự đẹp. Có thể kể đến nhiều khu vực có nhà đẹp như vùng Thái Phiên - Phường 12, vùng Vạn Thành - Phường 5, Khu quy hoạch Ngô Quyền - Phường 6, khu Đa Thiện - Phường 8... Những biệt thự này, hầu hết là nhà riêng để ở, đi kèm sân vườn, cây cảnh, hồ nước, thảm cỏ, đất trồng hoa. Càng ra xa phố càng thấy nhiều biệt thự xây lớn.
 |
Một trong nhiều biệt thự mới (khu vực Lữ Gia, Phường 9) được người dân xây dựng thời gian gần đây. Ảnh: Chính Thành |
Để xây được một biệt thự, theo ông Lê Tứ, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Lâm Đồng, cần có 2 điều kiện: đất đai và đủ năng lực tài chính. “Nhà ở là một nhu cầu, một mong muốn gần như của tất cả của mọi người, đất đai nhà cửa là tài sản không chỉ để ở, ở cho đẹp, cho tiện nghi mà còn để lại cho con cháu, là nơi thờ phụng tổ tiên, ông bà nên được chăm chút rất cẩn thận”.
Nhờ phong cảnh tươi đẹp, được thừa hưởng một di sản kiến trúc nhà ở giá trị từ thời Pháp, đặc biệt trong những năm gần đây kinh tế phát triển nên nhà cửa ở Đà Lạt theo ông Tứ, đã ngày càng thêm đẹp và tiện nghi. Không chỉ ở Đà Lạt, nhiều nơi trong tỉnh cũng thi nhau xây biệt thự.
Theo nhiều kiến trúc sư, có thể thấy rõ tác động của kiến trúc Pháp lên lối xây dựng hiện nay tại Đà Lạt và nhiều vùng trong tỉnh. Tuy nhiên, với xu thế toàn cầu hóa, các mẫu nhà từ khắp nơi trên thế giới cũng xuất hiện tại Đà Lạt.
“Khi có một mảnh vải tốt, thông thường chúng ta phải tìm được ông thợ may giỏi. Tương tự khi có đất, có tài chính, chủ nhà thường tìm các kiến trúc sư có uy tín vẽ nhà cho mình” - ông Tứ cho biết. Trong một nghĩa nào đó, biệt thự chính là mảnh đất màu mỡ cho các kiến trúc sư tung hoành, thể hiện được tài năng của mình, có sự phối hợp nhịp nhàng với chủ nhà để ra được một ngôi nhà ưng ý.
Điều cần lưu ý với những người xây nhà mới trong đó có biệt thự rằng, theo nhiều kiến trúc sư, đừng quá chạy theo mốt, trang trí quá cầu kỳ rất dễ lỗi mốt, khi xây nhà cần lưu ý đến yếu tố phù hợp với địa hình, cảnh quan chung quanh, chú ý đến việc tận dụng ánh sáng, tiết kiệm năng lượng, chú ý đến chất lượng môi trường sống trong nhà.
Còn với người viết, Đà Lạt rõ ràng rất cần thêm những khu quy hoạch đẹp như An Sơn hơn nữa. Chung quanh Đà Lạt có rất nhiều những khu đất có thể phát triển thành nhà ở xen lẫn trong rừng thông với phân định rõ ràng và cam kết giữ rừng. Chỉ cần có qui hoạch tốt, có đường sá thì dù xa cũng thành gần, vấn đề là chỉ ở cách làm.
VIẾT TRỌNG