
Những bông hoa anh đào nở rộ, tiết trời Đà Lạt se lạnh, báo hiệu mùa xuân đã về. Mùa xuân ấy, đến nay đã 50 năm trôi qua, lúc bấy giờ tôi chỉ là một anh lính trẻ lần đầu tiên đi vào chiến dịch. Những kỷ niệm ấy in đậm trong ký ức của tôi trên bước đường theo cha anh đi đánh giặc.
Những bông hoa anh đào nở rộ, tiết trời Đà Lạt se lạnh, báo hiệu mùa xuân đã về. Mùa xuân ấy, đến nay đã 50 năm trôi qua, lúc bấy giờ tôi chỉ là một anh lính trẻ lần đầu tiên đi vào chiến dịch. Những kỷ niệm ấy in đậm trong ký ức của tôi trên bước đường theo cha anh đi đánh giặc.
 |
Đồi Đất Đỏ ngày nay. Ảnh: Võ Trần Phú |
Thực hiện Nghị quyết tháng 12/1967 của Bộ Chính trị, toàn miền Nam gấp rút chuẩn bị bước vào tổng tấn công nổi dậy. Lúc bấy giờ, chúng tôi là những người lính “vừa chạy, vừa xếp hàng, vừa bắn”. Câu ví này có vẻ bông đùa, nhưng thực tế mùa xuân năm ấy, từ cán bộ cấp Khu ủy, Quân khu, xuống đến Tỉnh ủy và cả cán bộ cấp huyện đến du kích ở xã và cán bộ cơ sở bên trong nội đô đều gấp rút chuẩn bị khi có lệnh là lao vào chiến dịch.
Bên kia chiến tuyến, năm 1967, quân đội viễn chinh Mỹ thua đậm trên chiến trường Nam Việt Nam buộc tướng Wesmorelen phải thay đổi chiến thuật từ “tìm diệt và bình định” chuyển hướng sang “giữ và quét”. Nhằm mục đích giữ vững Chiến lược chiến tranh cục bộ trên toàn miền, chúng tăng viện thêm quân, nâng tổng số lên 1,1 triệu lính, trong đó có cả lính chư hầu và ngụy quân; đồng thời cùng lúc tăng cường leo thang chiến tranh bằng không quân đánh phá ra miền Bắc. Chúng cho máy bay chiến lược B52, F101, siêu thanh Con ma, Thần sấm đánh phá những vùng trọng điểm của ta như cầu đường, sân bay, bến cảng và các trung tâm huấn luyện, bãi tập kết vũ khí, khí tài… nhằm chặn bước, khống chế lực lượng miền Bắc tiếp tế cho miền Nam, nhưng cục diện chiến trường vẫn không xoay chuyển.
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta.
Bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch, vị Cha già kính yêu của toàn dân tộc, như một lời hịch truyền vang sông núi, như một mệnh lệnh tối cao của người chỉ huy. Chúng tôi khẩn trương, băng rừng, lội suối, không kể ngày đêm. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đêm 31/1/1968, (tức đêm mùng một Tết Mậu Thân), khi nhân dân Đà Lạt còn chìm trong giấc ngủ, những bước chân rầm rập của quân Giải phóng tiến công vào trung tâm thị xã. Từ các hướng tây bắc, đông nam, tây nam được chia thành nhiều mũi nhỏ chờ đúng giờ G (giờ quy định nổ súng của Quân khu) là các mũi đồng loạt tiến công. Do chưa nắm rõ địa hình, chỉ nhận biết các mục tiêu lớn trên bản đồ, nên trong lúc hành quân, hành tiến có những đơn vị bị thất lạc giữa nội đô. Trước tình hình cấp bách ấy, có những chàng trai, cô gái xung phong dẫn dắt bộ đội luồn lách trong từng con hẻm, từng khu phố nhỏ để tiếp cận các mục tiêu như: Trung tâm Chính trị (Tỉnh đội ngày nay), Tiểu khu Tuyên Đức, Ty Công an… Điển hình như: Chị Cúc (thợ may) ở Đa Thành, ngoài việc dẫn đường, chị còn chỉ điểm từng tên ác ôn đang trà trộn trong đoàn người đi di tản. Bộ Chỉ huy chiến dịch về đóng quân ở nhà mẹ Trần Thị Thêm (tức Năm Mên, sau giải phóng mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng), ở đường Bạch Đằng. Gia đình mẹ Năm Mên những ngày ấy đúng là “vui như ngày tết”. Theo lời kể lại của bà Bùi Thị Sông, hiện ở Phường 7, thành phố Đà Lạt là con dâu của mẹ Trần Thị Thêm, vợ liệt sĩ Võ Văn Túc: “Toàn gia đình, trừ chú Út (lúc này đang ở Núi Voi) tất cả những người trong nhà mỗi người mỗi việc. Ba chồng và chồng tôi lôi từng thanh giường, cánh tủ, ván kê bàn thờ ra để lót hầm, cùng bộ đội tham gia đào chiến hào. Cánh phụ nữ chúng tôi lo nấu cơm, nấu nước, kẻ đưa bánh chưng, bánh tét, dưa hành lên tiếp tế cho bộ đội lên chốt ở đồi Đất Đỏ. Riêng cô Bảy (em chồng) Võ Thị Thừa (tức là Dạ Thảo) hàng ngày được các chú, các anh giao cho công việc tuy nhẹ nhàng nhưng rất nguy hiểm. Chị có nhiệm vụ liên lạc từ Bộ Chỉ huy đến với các cơ sở bên trong nội đô, bằng chiếc xe gắn máy Goben, cô luồn lách qua các con hẻm từ Đa Thành - Đông Tĩnh qua Ngã năm Đại học, xuống Thái Phiên, Sào Nam; ngược suối Cam Ly lên mạn Xuân An, Nhà Bò. Cô Thừa sinh ra và lớn lên ở thị xã này nên thuộc làu những đường tắt, ngõ hẻm. Cô vào sâu bên trong trung tâm thị xã để móc nối với tổ chức cơ sở ở nội đô đưa về nhà má Năm để gặp các ông Huỳnh Minh Nhựt, Mai Xuân Ngọc, Đinh Sĩ Uẩn, Trình Cát…
Trong những ngày mưa bom bão đạn ở cây số 4 và cây số 6, các chị vẫn đi lại giữa lòng địch mặc dù chưa qua một lớp huấn luyện quân sự, chưa một lần cầm súng. Không biết có bao nhiêu công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thương, học sinh, sinh viên đã âm thầm lao vào công việc trong những ngày Tết Mậu Thân, không giấy mực nào kể hết. Sau những ngày hoạt động sôi nổi trong lòng thị xã, chị Cúc, chị Thừa theo bộ đội ra chiến khu. Năm 1969, chị Cúc hy sinh ở Chiến khu Núi Voi; chị Thừa hy sinh năm 1972 ở buôn Con Giàng (xã Tân Thanh - Lâm Hà ngày nay) trong một đợt đi công tác bị địch phục kích bằng mình Claymor khi chúng càn vào căn cứ tỉnh Tuyên Đức.
Những ngày tết năm ấy, ở khu vực Đa Trung, Đa Cát (đường Ngô Quyền), đường Bạch Đằng, Cao Thắng bà con phải đi sơ tán để tránh bom đạn. Địch cho máy bay đánh bom hủy diệt, xóm làng cháy rụi, nhưng có những con người âm thầm, lặng lẽ sống với bộ đội. Những con người ấy đã cùng bộ đội không tiếc nhà cửa, bàn ghế để làm hầm tránh phi pháo địch. Ngoài ra, còn có những cô gái, chàng trai ngày đêm băng qua những con hẻm đến với những căn hầm lo cơm nước cho bộ đội trên chốt ở đồi Đất Đỏ (người dân địa phương gọi là đồi Điện Mẫu), âm thầm tải thương trong đêm về tuyến sau bên đồi Cao Thắng.
Trong một lần gặp lại Thiếu tướng Bùi Minh Hớn, nguyên Đại đội trưởng C810, ông nói: “Có một ông già không biết tên là gì, nhà ở cạnh chùa Linh Quang, thường ngày vẫn đi lên chốt, đêm đến ngủ với bộ đội không chịu về. Mỗi lần như thế cụ mang theo nào là mứt, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt heo cho bộ đội. Cuộc tiến công đến ngày thứ 4 thì lực lượng ta thiếu đạn dược, lương thực chỉ đủ để cầm cự. Mình động viên ông đi về để tránh bom đạn nhưng ông nhất quyết không đi. Trái lại, ông trả lời: “Bao nhiêu năm tôi chờ cách mạng về, nay tôi đã gặp, dù có chết tôi cũng không rời các anh”. Những ngày sau, địch phản công ác liệt, chúng cho máy bay ném bom, các cụm pháo Cam Ly, Tân Lạc, Võ bị bắn tới tấp vào khu đồi Đất Đỏ cây số 4 (Phường 7 ngày nay)”. Còn ông Nguyễn Bá Khuê, nguyên Chính trị viên trưởng C810 cho biết: “Lúc ấy, tôi thấy tình hình quá ác liệt nên bảo bác ấy về đi để tránh bom đạn địch nhưng bác ấy kiên quyết: “Bộ đội sống thì tôi sống, các anh chết thì tôi chết, nhất quyết tôi không về”. Sau chiến dịch, tôi có gặp lại các anh bộ đội ở C810 hỏi về ông già này, nhưng các anh chỉ nói chung chung: “Dù đạn bom ác liệt nhưng cụ ấy vẫn bám trụ với bọn tôi, và chúng tôi cũng không biết cụ tên là gì. Với ý chí kiên cường, lòng dạ kiên trung nên chúng tôi gọi ông là “Ông già chí cốt”. Sau ngày giải phóng tôi trở về cây số 4 để tìm hiểu về “Ông già chí cốt” được biết ông tên thật là Nguyễn Như Lương, gốc miền Bắc, quê Mễ Trì - Từ Liêm, Hà Nội. Tôi gặp chị Nguyễn Thị Kiều, con gái thứ hai của cụ, nhà ở đường Hai Bà Trưng, năm nay đã bước qua tuổi 67. Chị cho biết: “Những ngày Tết Mậu Thân, lúc ấy tôi còn nhỏ, chỉ biết ba có tham gia công tác cách mạng nhưng không biết ba làm những công việc cụ thể gì”. Chị Kiều còn giới thiệu những người cùng thời còn sống, phần lớn đã cao tuổi. Tôi đến đường Bùi Thị Xuân, gặp lại bác Phùng Sang, tết năm nay bác bước qua tuổi 93. Nghe tôi đặt vấn đề về “Ông già chí cốt”, bác Sang vui vẻ nói: “Ông Năm Lương có tên gọi là ông Năm Gật, ông ấy xứng đáng với tên gọi là “Ông già chí cốt”. Ông hoạt động với tôi trong tổ chức “Quyết tử thành”. Từ năm 1946, ông với tôi đã làm bồi ở khách sạn Du Lak. Những kỷ niệm về ông Năm tôi vẫn còn nhớ rất rõ, nhớ nhất là tinh thần kiên trung bất khuất. Lúc ở tù chung tại Lao xá Đà Lạt, địch dùng mọi thủ đoạn, mọi hình thức tra tấn dã man nhưng chúng tôi vẫn không khai báo. Đến ngày thứ bảy, chúng gọi ông lên lấy khẩu cung, ông dõng dạc nói: “Tao có 2 trái lựu đạn giấu ở bờ suối gần Mả Thánh, ngoài ra còn có súng Col 12 và tài liệu”. Chúng cứ ngỡ là ông khai thật nên đưa ông về lục tìm dọc bên bờ suối. Mất cả buổi trời chúng không phát hiện ra gì. Ông đứng lên hiên ngang nói thẳng trước mặt quân thù: “Bọn mày đánh quá đau tao khai bậy, tao làm gì có lựu đạn, có súng, tao chỉ khai liều. Điều cuối cùng, tao chỉ xin chúng mày một phát đạn ân huệ vào đầu để tao chết vì đất nước”. Bọn chúng đành chịu thua, đưa ông về lại nhà lao nhốt vào xà lim.
Mùa xuân năm ấy, sau 11 ngày đêm trụ lại trong lòng thị xã, nhưng do lực lượng quá mỏng, toàn miền không làm chủ được chiến trường. Địch tổ chức phản kích, ta phải rút quân dần ra ngoài ấp Cao Thắng (Phường 7 ngày nay). Địch tăng cường ném bom và cụ Nguyễn Như Lương đã hy sinh.
Đến nay nửa thế kỷ đã đi qua trên cao nguyên ngàn thông với nhiều sắc hoa, những thế hệ hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau luôn nhớ đến công lao của cha anh đã chiến đấu và nằm xuống trên mảnh đất này để có những mùa xuân vĩnh hằng cho quê hương, đất nước thân yêu.
VÕ TRẦN PHÚ