Kơ-nia tỏa bóng

09:02, 19/02/2018

Cây Kơ-nia "bóng ngả che ngực em, bóng tròn che lưng mẹ", biểu trưng nghĩa tình thân thương và sức sống mãnh liệt của người Tây Nguyên. Tôi đi trong hình dung ấy khi trở lại huyện Ðam Rông, nhớ thương, thân thuộc và tự hào…

Cây Kơ-nia “bóng ngả che ngực em, bóng tròn che lưng mẹ”, biểu trưng nghĩa tình thân thương và sức sống mãnh liệt của người Tây Nguyên. Tôi đi trong hình dung ấy khi trở lại huyện Ðam Rông, nhớ thương, thân thuộc và tự hào…
 
Cây Kơ-nia, biểu tượng của sức mạnh và thân thiết của người Tây Nguyên. Ảnh: M.Đ
Cây Kơ-nia, biểu tượng của sức mạnh và thân thiết của người Tây Nguyên. Ảnh: M.Đ

Chùm rễ ngoàm chặt đất nơi các triền núi Tây Nguyên, cây Kơ-nia lừng lững trước khí hậu và thời tiết khắc nghiệt của đại ngàn. Và Kơ-nia Tây Nguyên mãi mãi đi theo năm tháng, rất đỗi thân thương khi trở thành nhân vật thẩm mĩ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Anh từ 60 năm trước và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc sau đó. Với tôi, hình ảnh Kơ-nia càng thấm sâu đến lạ. Trong hơn 20 năm qua, cây Kơ-nia ở sân Trường Tiểu học Đạ Nhing, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông luôn ám ảnh tôi. Đầu năm 2018 quay lại, nó vẫn sừng sững, cành lá sum suê hơn, dù có những lúc tưởng phải đổ sập vì tác động của môi trường. Một cơ duyên khác, để tôi lần đầu tiên tận tay sờ lên những hạt Kơ-nia. Đó là thời gian khoảng gần 20 năm trước, khi gặp được nghệ nhân đúc bạc người dân tộc Churu ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, anh Ja Tuất. Cũng từ bài viết của tôi, lần đầu tiên hình ảnh “người đúc bạc sót lại giữa buôn làng” Ja Tuất chính thức xuất hiện trên mặt báo. Tiếng tăm của anh sau đận ấy nổi như cồn vì có hàng chục nhà báo viết, sản phẩm nhẫn bạc (Srí) của anh cũng không bó hẹp trong cộng đồng dân cư của vùng mà “thông quan” đến khắp nơi. Người dân buôn làng bảo, Ja Tuất là người duy nhất được Yàng (vị Thần quyền uy nhất trong folklore dân tộc Tây Nguyên) chọn nối nghiệp để giữ nét văn hóa đặc sắc và diệu kỳ của đồng bào không bị thất truyền. Sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn, kết tinh từ nguyên liệu “bạc thịt”, hun đúc bởi than củi Kasiu, phân trâu đực lực lưỡng, bùn đất góc thung lấy lúc mặt trời mọc, sáp ong, lá dứa, nước bồ kết… Tôi mua một chiếc nhẫn do anh chế tác. Ja Tuất chọn cho tôi chiếc nhẫn trống, gọi là Srí Kră, lớn hơn chiếc nhẫn cưới của dân tộc Kinh một tý, mặt có núm tròn và chia thành 6 cạnh ôm lấy hạt Kơ-nia màu đỏ, bên trái khắc chữ “TuTra” ghi dấu nơi xuất xứ. Không là những chiếc nhẫn trang sức bằng vàng to bản được đính viên đá quý lấp lánh kềnh càng mà rất nhiều đấng nam nhi đeo, chiếc nhẫn nhỏ bằng bạc với đồng bào Churu là trang sức nhưng quan trọng hơn là vật thiêng trong lễ cưới. Nó là sức mạnh huyền bí, vun đắp tình yêu, ma lực ràng buộc để không ai dám bước qua lời nguyền thủy chung. Với tôi, nó theo mình giữa dòng đời, từ giữa phố thị, lên rừng sâu Tây Nguyên hay vượt biển rộng Trường Sa… Srí Kră đã trợ lực cho tôi theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, và là kỷ vật tri âm tri kỷ, chất chứa những giá trị tinh thần của đại ngàn…
 
*
**
 
Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, huyện nghèo duy nhất của tỉnh Lâm Đồng giáp hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Gần 20 năm trước, tôi dò dẫm vào vùng đất này khi còn chưa thành lập huyện mới, 8 xã còn là những vùng xa nhất, sâu nhất của hai huyện Lâm Hà và Lạc Dương. Từ Ngã ba Bằng Lăng vào xã Đạ Tông, chúng tôi dầm cả ngày trời, dặt dẹo qua sình lầy vây bủa, run rẩy dưới mưa xéo rát mặt, mò mẫm lựa đường tránh dòng nước xiết xoắn cuộn, những tảng đá trơn mứt giữa dòng suối mà đi. Giờ thì Đam Rông sáng lên từ mỗi góc nhìn, nhất là từ khi “ra ở riêng”, thành một huyện mới, ngày 12/11/2004.
 
Là cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, Đam Rông khoáng đạt thức giấc vươn vai lực lưỡng. Quốc lộ 27, Tỉnh lộ 722 mềm mại uốn qua những vành đồi, luồn bên những khóm nhà xinh xinh. Nhựa hắc-ín lân rân giữa trời hanh săn se ngọt giọt nắng chiều. Những nhịp cầu kiên cố như là câu chuyện huyền thoại kết nối yêu thương. Nhiều chiếc ô tô tải chất ngất những bao quả cà phê no nắng đi ra hay trĩu nặng vật liệu xây dựng xuôi vào. Cà phê lên ngôi. Lớp lớp các thảm hạt trùi trũi vùm lên giữa những sân phơi; tầng tầng nhấp nhô hoa bung trắng gối vụ bên các triền đồi. Đời “Cà” - đời Người. Sự tiếp nối diệu kỳ một đời sống ấm no của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và Tây Bắc trên đất hứa…
 
Làng mới dân tộc H’Mông định cư định canh. Ảnh: M.Đ
Làng mới dân tộc H’Mông định cư định canh. Ảnh: M.Đ

Chúng tôi qua con suối mùa khô bằng chiếc cầu kiên cố sang vùng Đạ Nhinh. Óng ánh lung linh hạt nắng nhảy múa. Trẻ con tồng ngồng thỏa thích vung tóe nước bên những tảng đá trùng trục phơi nắng. Lũ bò vàng thảnh thơi gặm cỏ... Tôi gặp lại cô giáo Dương Mai Oanh, Hiệu phó phụ trách Trường Tiểu học Đạ Nhinh. Người con địa linh nhân kiệt huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh này càng rắn rỏi, giữ nguyên cốt cách chân chất và mạnh mẽ đất sông La. Bước lên tam cấp ngôi trường hai tầng, ký ức lam lũ xưa cũ hiện về với tôi. Hồi đó, trường chỉ là phòng học vách ván, nền đất, tiểu học và mầm non phải thay nhau học chung. Bụi đỏ sau cơn gió mạnh thổi thốc trộn hòa “hoa nắng” giữa phòng. Một lần khác, ngày áp Tết Nguyên đán, cùng Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Ngọc và Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nguyễn Thị Minh vào chúc tết nhà trường. Oanh cho biết: Toàn thể nhà trường thống nhất quyết định không sử dụng tiền tiết kiệm chi tiêu trong năm thưởng tết cho cán bộ, giáo viên mà dành lại để mua sắm đồ dùng dạy và học. Hôm nay vào, Oanh khoe: “Mấy năm nay có tết rồi nhà báo ạ. Trường được quan tâm rất nhiều của các cấp, các ngành nên đã cơ bản đầy đủ, các cô cũng có mấy trăm tiền tiêu tết”. Tranh thủ dạo mấy vòng trường, quả thật tươm tất quá. Hai khối nhà hai tầng, phòng học nào cũng có quạt và máy chiếu… Anh Phạm Văn An - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh lần đầu đến không tưởng tượng được đây là trường vùng sâu, vùng xa, ngạc nhiên mãi về sự khang trang, sạch đẹp và hết mực ngăn nắp của nhà trường. Không ngạc nhiên sao được, nhà trường có 267 học sinh, 100% đều dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên nhưng huy động ra lớp trong độ tuổi đạt 98% và năm nào cũng đạt chuẩn phổ cập. Vị thế của trường như chính cây Kơ-nia đang tỏa bóng mát sum suê giữa sân. Với quan niệm tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên, nơi nào có cây Kơ-nia tỏa bóng là nơi đó có thần linh, không chỉ che bóng mát, nghỉ ngơi mà còn là nơi tâm tình của con người. 
 
Trường Tiểu học Đa Nhinh khó khăn nhất như giới thiệu của Trưởng phòng Giáo dục huyện Trần Phú Vinh với tôi đạt được như thế thì dĩ nhiên toàn ngành Giáo dục huyện Đam Rông ngày càng gặt hái những thành tích là điều dễ hiểu. Toàn huyện hiện có 34 trường trực thuộc với 9 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 10 trường THCS; tỷ lệ tuyển sinh đầu cấp đều đạt 100% với tổng số 13.459 học sinh thuộc 474 lớp học; chỉ bậc THCS duy trì sĩ số 98,5% vì có 47 em bỏ học còn đều duy trì 100%. Anh Vinh cho biết chất lượng giáo dục của toàn huyện sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018 như sau: giáo dục mầm non đều đạt 100% các tiêu chí; Bậc Tiểu học từ hoàn thành đến hoàn thành tốt ở môn Tiếng Việt gần 91%, môn Toán hơn 89%; bậc THCS hạnh kiểm đạt 92% khá và tốt, học lực đạt hơn 40% khá, giỏi và yếu, kém 9%...   
 
*
**
 
Khi mặt bằng giáo dục nâng lên rõ như vậy, dĩ nhiên sự chuyển biến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện sẽ là những niềm vui. Gọi điện Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện để nắm thêm thông tin. Ha Hai vốn là cựu sinh viên sư phạm của tôi, một cán bộ dân tộc K’Ho thành đạt, có chân trong Ban Thường vụ Huyện ủy. Đúng như vậy, kết thúc năm 2017, huyện Đam Rông đạt nhiều chỉ tiêu thật phấn khởi. Tổng giá trị sản xuất đạt 100,14%, tăng 13,16% so với năm 2016; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội 711.508 triệu đồng, bằng 95% kế hoạch, tăng 33% so cùng kỳ; thu ngân sách 33.785 triệu đồng, đạt 135%... Cùng đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,54%, vượt kế hoạch 0,2%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 27,83%, giảm 7,38% so với năm 2016; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 15,58%; có 96% hộ dân được sử dụng điện; gần 91% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 6/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; xã Đạ R’sal đạt chuẩn nông thôn mới 19/19 tiêu chí; duy trì độ che phủ rừng đạt 63,9%;… 
 
Xa rời Đam Rông về phố thị, niềm vui trong tôi vẫn dâng đầy cảm xúc tươi mới và thật dễ chịu! Ba xã Đầm Ròn óng ánh ánh tơ của những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng dâu nuôi tằm. Trẻ em râm ran tung tăng trên những nẻo đường nhựa, đường bê tông trong hương cà phê dịu dàng dâng đầy trong nắng ấm… Năm bản lề thực hiện Nghị quyết III Đảng bộ huyện, sức bật Đam Rông như cây Kơ-nia bền vững… 
 
Đam Rông - Đà Lạt tháng 1/2018
 
Bút ký: MINH ÐẠO