
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ðơn Dương đã mạnh dạn dùng nguồn kinh phí tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội cuối năm 2017 để hỗ trợ cho một hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ka Ðô mua sắm 3 phương tiện sinh kế gồm: máy bơm thuốc trừ sâu, cuộn ống dây tưới và một cuộn ống tải nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm động viên khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ðơn Dương đã mạnh dạn dùng nguồn kinh phí tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội cuối năm 2017 để hỗ trợ cho một hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ka Ðô mua sắm 3 phương tiện sinh kế gồm: máy bơm thuốc trừ sâu, cuộn ống dây tưới và một cuộn ống tải nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm động viên khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
 |
Chị Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng khen đơn vị Xuất sắc năm 2017 của Hội LHPN tỉnh. Ảnh: A.N |
Chị Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho biết: Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế phải dựa trên tinh thần phát huy nội lực, chủ động sáng tạo, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giảm nghèo bền vững, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại. Đồng thời, Hội phát huy vai trò hỗ trợ định hướng để hình thành ý tưởng kinh doanh; hỗ trợ với tinh thần “Trao cần câu hơn xâu cá” bằng hình thức hỗ trợ các phương tiện sinh kế để hội viên phụ nữ nghèo sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sản xuất từ mô hình sản xuất cá thể sang tập thể, từ sản xuất thủ công tốn sức lao động sang mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít tiêu hao sức lao động, từ đó mang lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong năm 2017, Hội đã vận động thành lập 1 tổ hợp tác rau, hoa tại thị trấn Thạnh Mỹ.
Hội LHPN huyện xác định khâu bắt đầu cho hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đối với đại đa số hội viên ở vùng canh tác nông nghiệp chủ yếu là tiếp tục duy trì, triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ hiệu quả như: “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Tổ hùn vốn, tổ tiết kiệm”... Qua một năm triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã tạo nên những bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ Đơn Dương. Với mô hình xây dựng mái ấm tình thương, trong năm 2017, Hội LHPN cấp xã, thị trấn trong huyện đã vận động xây dựng được 7 mái ấm cho 7 hội viên phụ nữ nghèo, từ chỗ có được mái ấm khang trang giúp chị em có nhiều động lực, phấn khởi hơn trong việc cố gắng sản xuất phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.
Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” là phong trào được Hội cơ sở duy trì nhằm thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác, thực hành tiết kiệm giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Năm 2017, các Hội phụ nữ cơ sở đã phát động nuôi 90 con heo đất ngay từ đầu năm và tổ chức hội thi Heo đất đẹp. Vào dịp đặc biệt kỷ niệm Ngày truyền thống Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN xã Lạc Xuân tổ chức hội thi Heo đất đẹp đã khui 15 con với số tiền 22 triệu đồng để hỗ trợ xây mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; Hội LHPN xã Ka Đơn khui 11 con heo đất tiết kiệm được 7 triệu đồng đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc của xã cùng chung tay xây dựng mái ấm cho phụ nữ nghèo. Hội phụ nữ các xã khác cũng đã sử dụng tiền khui heo đất tiết kiệm giúp cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn mượn vốn quay vòng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
Với mô hình “Hỗ trợ phương tiện sinh kế” trong năm 2017, Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “An sinh xã hội” tặng 5 phương tiện sinh kế cho 5 hội viên phụ nữ nghèo. Đến nay, Hội LHPN huyện nắm tình hình các hộ được hỗ trợ đều đang sử dụng tốt các phượng tiện sinh kế để phát triển kinh tế gia đình.
Thực hiện phương châm của Hội: “Hướng về cơ sở”, Hội LHPN các xã, thị trấn trong huyện xây dựng mới một số mô hình hoạt động hiệu quả như: “Tổ phụ nữ tương thân tương ái” với hình thức tiết kiệm đóng góp tiền hàng tháng để hỗ trợ chị em trong tổ có nguồn vốn tiết kiệm phát triển kinh tế và giải quyết khi gặp khó khăn; mô hình “Tổ phụ nữ kế hoạch nhỏ” với hình thức vận động cán bộ, hội viên toàn xã và vận động các chủ quán kinh doanh để đặt các phương tiện thu gom các chai lọ cũ có thể tái chế gom về bán ve chai, số tiền thu được từ việc này sẽ mua phương tiện sinh kế hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo và duy trì mô hình “Hỗ trợ tủ bánh mì” cho hội viên nghèo có nhu cầu.
Để hỗ trợ đồng vốn cho hội viên phát triển kinh tế, khởi nghiệp; Hội LHPN huyện đã giúp chị em tiếp cận nguồn vốn tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như chị Ka Đế, hội viên phụ nữ thôn Suối Thông A, xã Đạ Ròn trước đây chỉ biết trồng lúa theo thói quen canh tác cũ mang lại thu nhập rất thấp, đời sống bấp bênh, sau khi được cán bộ Hội hướng dẫn, chị đã chuyển hướng kinh doanh buôn bán nhỏ, xin làm công nhân công ty bò sữa, từ kinh nghiệm có được chị mạnh dạn sử dụng vốn vay tín chấp ngân hàng để chuyển từ trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò sữa cho thu nhập cao, đời sống gia đình ngày càng ổn định.
Hội LHPN huyện tiếp tục vận động hội viên tham gia “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” để hỗ trợ chị em hộ nghèo là đối tượng khó khăn nhất có nguồn vốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, từ nguồn quỹ này, Hội LHPN huyện đã giải ngân cho 5 xã giúp cho 47 hội viên với số vốn 270 triệu đồng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Hội tiếp tục vận động vào quỹ này được hơn 70 triệu đồng để tiếp tục giải ngân trong năm 2018.
AN NHIÊN