
Có một loài cỏ được mệnh danh là cỏ "thần kì" với tên gọi Vetiver (tên khoa học là Vetiveria zizanioides). Không chỉ là nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng mang tính thương mại mà trên hết, loại cỏ dễ trồng, có hương thơm dễ chịu Vetiver được biết đến với tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn, phục hồi đất ô nhiễm...
Có một loài cỏ được mệnh danh là cỏ “thần kì” với tên gọi Vetiver (tên khoa học là Vetiveria zizanioides). Không chỉ là nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng mang tính thương mại mà trên hết, loại cỏ dễ trồng, có hương thơm dễ chịu Vetiver được biết đến với tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn, phục hồi đất ô nhiễm... Và tác dụng “thần kì” ấy đã rung động những trái tim yêu cuộc sống để đưa cỏ đến nhiều miền đất rộng lớn, phát huy công năng...
 |
Tiến sỹ Ngô Thị Thúy Hường giới thiệu thêm về công dụng của cỏ Vetiver từ sản phẩm Ecovetiver cùng Đại sứ Hoa Kỳ. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những con thú nhồi cỏ với hương thơm nhẹ thu hút sự chú ý của người dân, du khách khi đến với Festival Hoa Đà Lạt 2017 giữa muôn vàn các sản vật. Giới thiệu về mặt hàng ấy, trái tim Nguyễn Viết Hồng như ấm lên giữa tiết trời giá buốt bởi sản phẩm từ loại cỏ có rễ dài từ 3 - 4 m do anh và cộng sự hợp tác trồng, sản xuất được hiện diện giữa vùng đất an lành. Và giờ đây, loại cỏ được thế giới dành nhiều thiện cảm đã cùng anh bén rễ xứ sở Đà Lạt mộng mơ...
Giấc mơ hương cỏ
Vốn tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, sau hơn 10 năm làm việc trong ngành Ngân hàng với những ngọt bùi cho mưu sinh và cả những căng thẳng tiếp nối để nghiên cứu các ứng dụng hiện đại, Hồng rời thủ đô Hà Nội, “phượt” ra Phú Quốc xả hơi, định hình hướng đi mới. Trong thời gian ấy, anh đã cùng ngư dân nuôi vịt biển, tìm thấy sự thoải mái về tinh thần. Quay lại Hà Nội, Hồng kinh doanh các sản phẩm từ nông sản sạch.
 |
Nguyễn Viết Hồng ở xứ sở mộng mơ. Ảnh: H.Y |
Viết Hồng nhớ lại: “Thời gian còn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, tôi có được tiếp cận các tài liệu về cỏ Vetiver trong các dự án bê tông xanh Quốc lộ 1 nhằm hạn chế sạt lở, giữ và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp. Đến khi tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nông dân, chứng kiến những thiệt hại trong sản xuất do yếu tố thiên nhiên và sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...; tôi nhớ tới loài cỏ Vetiver đã tiếp cận 5 năm trước đây. Thông qua Hiệp hội Cỏ Vetiver Việt Nam; tôi đưa cỏ về Hà Nội cho một số hộ nông dân ngoại ô rồi tiếp tục đưa cỏ lên Yên Bái. Các sản phẩm đem lại sinh kế từ Vetiver như thú nhồi cỏ, xà bông hương cỏ, gối cỏ... ra đời; từ tác dụng diệt khuẩn, đem lại hương thơm tự nhiên... đã được người tiêu dùng chú ý”.
Với Đà Lạt, vào giữa năm 2017, khi tham gia một dự án du lịch tại khu vực hồ Tuyền Lâm, Nguyễn Viết Hồng đã trồng thử nghiệm Vetiver và cỏ phát triển tốt. Sống trong không gian Tuyền Lâm xanh mát, hệ sinh thái tuyệt vời, anh ước ao một Đà Lạt trong tương lai vẫn giữ nguyên được vẻ dịu ngọt, vẫn là những mảng xanh mải miết, ước mình được gắn bó dài lâu với nơi này. Anh càng thấy mình cần góp sức nhân rộng Vetiver cho Đà Lạt - một xứ sở lãng mạn, đồng thời cũng là địa bàn cao nguyên dễ bị sạt lở.
Cải tạo thiên nhiên, kiến tạo sinh kế
Trên trang cá nhân của Nguyễn Viết Hồng - người sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Eco Farm Mekong đăng nội dung về dự án cho vay cỏ giống. Đã có nhiều nông hộ liên hệ và Viết Hồng tặng hai bạn trẻ ở Lâm Hà cùng một bạn trẻ ở Đà Lạt những món quà là các gốc cỏ về trồng. Vấn vương hương cỏ, Nguyễn Viết Hồng tiếp tục tìm cách phát triển Vetiver.
Như một mối duyên, trong những ngày lưu lại Đà Lạt, Viết Hồng đã gặp chàng giáo viên trẻ giảng dạy Anh ngữ Nguyễn Minh Tuấn. Hiện sống tại khu vực Trại Hầm, Phường 10, giữa bạt ngàn thiên nhiên rộng rãi, chàng giáo viên 9x xuất thân từ gia đình làm nông đã thấy bị hấp dẫn từ những dự án cùng Vetiver của Viết Hồng. Với Tuấn, biết bao taluy có nguy cơ sạt lở sau những trận mưa hay các mảng loang lổ ở những góc rừng sau khi bị khai thác khiến anh chạnh lòng. Trực tiếp tìm đọc các tài liệu nước ngoài, biết thêm tác dụng của cỏ “thần kì” càng thôi thúc Tuấn nhận 1.500 gốc cỏ được Hồng chuyển từ Hà Nội vào cắm rễ trên đất Đà Lạt.
 |
Minh Tuấn nhân giống Vetiver trên đất Đà Lạt. Ảnh: H.Y |
Loại cỏ này có nguồn gốc từ Nam Ấn Độ; hiện nay, cỏ Vetiver được Ngân hàng Thế giới phát triển rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Một hàng cỏ trưởng thành có thể giảm tới 70% nước chảy bề mặt và tới 90% bùn đất rửa trôi; bởi vậy có tác dụng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai như: lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất dốc... Một số ứng dụng quan trọng khác là bảo vệ và xử lý môi trường; làm giảm nhẹ ô nhiễm đất và nước; xử lý nước thải, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trong đất.
Ở Lâm Đồng, từ năm 2010, với sự hỗ trợ từ Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp đã trồng Vetiver dọc suối Đạ Quay cũng như các ao, hồ, bể xử lý nước thải nhằm hấp thụ các chất ô nhiễm và kiến tạo những mảng xanh. Muốn đưa cỏ về với nông dân rộng rãi hơn, Nguyễn Viết Hồng đang có kế hoạch từng bước mở rộng nguồn cỏ giống để cùng tạo hệ sinh thái bền vững và mang lại sinh kế.
Tác giả Dick Grimshaw - người sáng lập và Chủ tịch Mạng lưới Vetiver Quốc tế (TVNI) đã nhận định, không có nhiều loài cây vừa độc đáo, đa năng, vừa kinh tế, hiệu quả, thân thiện với môi trường, lại đơn giản như cây cỏ Vetiver.
Lan xa Vetiver
Từ năm 2014 - 2016, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Ngô Thị Thúy Hường (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) thực hiện đề án nghiên cứu khả năng giảm nhẹ ô nhiễm chất độc hóa học / Dioxin của cỏ Vetiver tại khu vực Sân bay Biên Hòa. Đây là dự án cấp Bộ, được Chính phủ Việt Nam tài trợ thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua nghiên cứu ban đầu cho thấy, cỏ Vetiver có thể hấp thụ cao chất độc hóa học thông qua bộ rễ, nhờ đó giảm nhẹ ô nhiễm trong đất. Với kết quả đó, tháng 8 năm 2017, nghiên cứu trên giành được một khoản tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Quan hệ Đối tác Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu (PEER) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án được tài trợ này sẽ nghiên cứu sâu hơn về cơ chế cỏ Vetiver đã xử lý ô nhiễm Dioxin trong đất bằng cách nào, như thế nào và bản thân Vetiver đóng vai trò gì cũng như sự hỗ trợ, kết hợp của hệ vi sinh vật trong vùng quyển rễ sẽ có vai trò gì trong quá trình xử lý ô nhiễm Dioxin?
 |
Sản phẩm thú nhồi cỏ Vetiver. Ảnh: H.Y |
Rộn ràng với thông tin này, Nguyễn Viết Hồng liên hệ với Tiến sỹ Ngô Thị Thúy Hường để tìm hiểu nhiều hơn và chuyển tới Đại sứ Hoa Kỳ những con thú nhồi cỏ với thương hiệu Ecovetiver thông qua Tiến sỹ Thúy Hường. Những ngày đầu năm 2018, Tiến sỹ Thúy Hường đã thực hiện được mong muốn ấy. Chị chia sẻ: “Hai sự kiện, một chủ đề, với hai Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam (cựu Đại sứ Ted Osius và tân Đại sứ Daniel Kritenbrink - PV), ở hai thời điểm khác nhau. Sự kiện thứ nhất về trao Dự án xử lý Dioxin bằng công nghệ sử dụng thực vật (cỏ Vetiver). Sự kiện thứ hai về vấn đề xử lý ô nhiễm Dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam, cùng nhau khép lại quá khứ đau buồn để cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tại sự kiện thứ hai này, mình có dịp giới thiệu một công dụng tuyệt vời khác của cỏ Vetiver, cây cỏ thần kỳ, đó là sản phẩm của Ecovetiver, một mô hình trồng cỏ (Vetiver) gắn liền sinh kế và sinh thái, được chia sẻ với Ngài đại sứ Kritenbrink. Hy vọng các công dụng kỳ diệu của cây cỏ này sẽ được mọi người biết đến ngày một rộng rãi hơn và ủng hộ cho sự nhân rộng của nó!”.
Niềm vui vỡ òa, Viết Hồng như gửi gắm qua sản phẩm này một ước mơ về hàn gắn quá khứ để mong muốn nỗ lực nhiều hơn cho hiện tại tốt đẹp. Còn ước mơ khác về “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” vẫn cháy bỏng trong Viết Hồng và anh đang thực hiện các dự án thương mại để xây ước mơ lâu dài cho các dự án sinh thái. Trước Hồng, đã có những nghiên cứu, ứng dụng Vetiver cho các miền đất và anh hòa vào dòng chảy ấy - vừa kế thừa, vừa tiếp nối, vừa mang trong mình nhiều ấp ủ một cách thực tế để Vetiver đem đến những tác dụng tích cực cho các vùng đất, trong đó có vùng đất lành Đà Lạt...
HẢI YẾN