Chúng tôi đã sống những ngày như thế

10:02, 17/02/2018

"Chúng tôi đã sống những ngày thanh niên sôi nổi, cháy hết mình như những ngọn đuốc giữa đêm rừng cao nguyên" - ông Nguyễn Trọng Hoàng, người anh cả lực lượng thanh niên xung phong Ðà Lạt chia sẻ trong một ngày cuối đông Ðà Lạt 2017.

“Chúng tôi đã sống những ngày thanh niên sôi nổi, cháy hết mình như những ngọn đuốc giữa đêm rừng cao nguyên” - ông Nguyễn Trọng Hoàng, người anh cả lực lượng thanh niên xung phong Ðà Lạt chia sẻ trong một ngày cuối đông Ðà Lạt 2017. Những người con trai con gái ấy, những mái tóc xanh và đôi mắt rực lửa tuổi trẻ ấy, họ đã sống những ngày như thế, những ngày mà với họ in dấu ấn suốt đời.

Đại đội 3 TNXP Núi Chai
Đại đội 3 TNXP Núi Chai

Hà Giang còn nhớ
 
Không phải khu Hà Giang sầm uất của vùng đất Bảo Lộc hôm nay, Hà Giang trong ký ức của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong những năm 1979 là nơi mà ngày nay được đặt tên là huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Hà Giang là cái tên nông trường tồn tại từ kháng chiến chống Mỹ, nơi bộ đội và nhân dân trồng lúa nuôi quân, giữ bếp hồng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Vùng 3. Hòa bình lập lại, Hà Giang trở thành nông trường, nơi cung cấp lúa gạo cho bà con Lâm Đồng lúc ấy còn vô cùng thiếu thốn lương thực. 
 
Ngày 23 Tết năm Bính Thìn, đúng ngày ông Công ông Táo, 180 chàng trai, cô gái với độ tuổi từ 18-22 lội rừng, vượt sông vượt suối đi bộ từ Đạ Huoai vào Nông trường Hà Giang, lúc đó nằm giáp ranh hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên. Ông Nguyễn Trọng Hoàng nhớ lại, con đường lúc ấy chỉ là đường mòn, người đi sau bước theo vết chân người đi trước, xung quanh và trên đầu là vòm tre xanh ngắt, rậm kín. Qua con sông Đạ Huoai ngăn cách giữa hai huyện, những chàng trai lấy thân mình làm cọc tiêu, để những cô gái vịn bước băng qua con sông tuy không sâu nhưng dòng chảy khá xiết. Đấy là chuyến ra quân đầu tiên của những chàng trai, cô gái tới từ thành phố của mơ mộng, thành phố của tình yêu. Những ngày trần mình dưới cái nắng đồng bằng Vùng 3 đã khởi đầu một giai đoạn không thể nào quên của những chàng trai, cô gái Đà Lạt năm ấy: 1977 - 1984.
 
Thành lập ngày 10/2/1977, bắt đầu từ đội thanh niên xung phong của Khu phố 1 Đà Lạt và vài tháng sau là Thành đoàn Đà Lạt, lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên xung kích Đà Lạt đã tạo nên một giai đoạn sôi nổi, đầy lãng mạn của tuổi trẻ. Trên những công trình thủy lợi Quảng Hiệp (Đức Trọng), thủy lợi Đạ Đờn (Lâm Hà), Nông trường 3/2 (Di Linh), các địa danh Tân Dân, Thiện Chí (Đức Trọng), Tà Nung (Đà Lạt), Đinh Văn (Lâm Hà), Santa Maria (Đạ Huoai), Đạ Sar (Lạc Dương)... đều thấm đẫm mồ hôi, nụ cười, giọt nước mắt của những chàng trai, cô gái Đà Lạt hừng hực sức trẻ. Đà Loan, một xã của huyện Đức Trọng, nơi có đa số người dân Đà Lạt xuống xây dựng kinh tế mới hôm nay là vùng đất bạt ngàn màu xanh cà phê xen lẫn màu ngà của những lớp nhà kính trồng rau hoa. Nhưng Đà Loan những năm 80 của thế kỷ trước còn nằm trong vùng Loan của huyện Đơn Dương, một vùng rừng rậm bạt ngàn cây dầu, không có một bóng người lai vãng. Những chàng trai cô gái thanh niên xung phong là những người đầu tiên hạ cây, xây nhà, bạt đường, ngăn núi, vỡ hoang những mảnh đất đầu tiên đón bà con Đà Lạt xuống gieo những mầm xanh cho Đà Loan no ấm hôm nay. Và còn nhiều những công trình, những địa danh còn vương tuổi trẻ, mồ hôi, nước mắt, xương máu và cả tuổi thanh xuân của những con người hừng hực lửa trẻ ấy.
 
Một buổi hội thảo của sinh viên trong chương trình của sinh viên toàn miền Nam (bên hồ Than Thở)
Một buổi hội thảo của sinh viên trong chương trình của sinh viên toàn miền Nam
(bên hồ Than Thở)

Hào hùng và lãng mạn
 
Lực lượng thanh niên xung phong hình thành trong một giai đoạn rất đặc biệt của Lâm Đồng thời điểm ấy, ông Nguyễn Trọng Hoàng nhớ lại thời điểm đặc biệt với ông và những đồng đội. Khi ấy, Lâm Đồng đứng trước hai vấn đề cấp bách, thứ nhất là thiếu lương thực và thứ hai là tình hình an ninh trật tự, Fulro phức tạp. Nhu cầu cấp bách là tìm đất phù hợp để cư dân Đà Lạt giãn dân, sản xuất lương thực phục vụ nhu cầu thiết yếu. Muốn đưa dân tới sản xuất nơi đất mới cần tạo cơ sở hạ tầng căn bản ban đầu, vậy là lực lượng thanh niên xung phong và sau đó, thanh niên xung kích ra đời. 
 
Ông Nguyễn Trọng Hoàng nhớ lại, thanh niên xung phong thời gian phục vụ trong lực lượng là 2 năm. Các bạn trẻ đều từ 18 - 22 tuổi, ông lúc đó là Bí thư Thành Đoàn Đà Lạt, được coi như tổng chỉ huy lực lượng, người “anh cả” cũng mới 25 tuổi. Thanh niên xung phong tham gia hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ chế độ đãi ngộ gì suốt 2 năm “tại ngũ”. Người cựu thanh niên xung phong chia sẻ: “Khi ấy việc kêu gọi thanh niên tham gia lực lượng hoàn toàn tự nguyện, cũng không có bất cứ lương bổng nào. Chúng tôi tới từng khu phố, kêu gọi các bạn thanh niên tham gia vào lực lượng với tinh thần chính là sự lãng mạn, một cuộc sống cống hiến, rèn luyện và khắc khổ. Chính niềm đam mê, sự lãng mạn, tính phiêu lưu của anh chị em đã đưa họ đứng vào đội ngũ thanh niên xung phong”. Từ năm 1977 tới 1984, 4.000 thanh niên đã đứng trong hàng ngũ thanh niên xung phong Đà Lạt, chia làm nhiều liên đội phục vụ những công trình khác nhau.
 
Lực lượng thanh niên xung phong lúc ấy đã thu hút được rất nhiều thanh niên thuộc các tầng lớp tham gia, từ học sinh sinh viên, đối tượng xã hội, binh lính chế độ cũ… Vào thanh niên xung phong, họ sống với chế độ như trong quân đội, được rèn luyện và cầm súng. Ngoài thời gian lao động, những chàng trai, cô gái chưa phai nét mực trên tay còn cầm súng, trực tiếp chiến đấu với tàn quân fulro lúc đó còn lẩn khuất trong rừng. Ngày đào hào chặt cây san đường, đêm cầm súng nhưng tinh thần anh chị em luôn sáng ngời sức trẻ. Báo tường, thể thao, ca hát, dạy chữ cho nhau..., họ sống như một gia đình lớn. Không thiếu những mất mát hy sinh. Và, cũng không thiếu những niềm vui hạnh phúc. Trong suốt quá trình hoạt động của thanh niên xung phong Đà Lạt, đã có 2 liệt sỹ, 6 thương binh và 6 người tử nạn trong lao động. Còn bệnh tật, thiếu thốn, đói rét là chuyện bình thường, là chuyện rất nhỏ trước những nỗi đau còn vạn lần lớn hơn. Và trưởng thành trong cái nôi như thế, những người trẻ ấy đã có một thời thanh xuân nồng nhiệt không thể lãng quên.
 
Cán bộ chỉ huy liên đội và các đại đội TNXP Tà In
Cán bộ chỉ huy liên đội và các đại đội TNXP Tà In

Ngay từ tuổi 20, nhiều cô gái, chàng trai đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình từ chính những tháng ngày trên công trình thủy lợi, trên công trường phá đá. Chỉ huy với anh em đều là một, cùng làm, cùng ăn, cùng chia sẻ khó khăn với khẩu hiệu “Nhanh, gọn, chính xác”. Nhiều chỉ huy công trình, nhiều chỉ huy tiểu đoàn trẻ măng sau này đã tiếp tục phát triển, trở thành những con người tiếp tục cống hiến cho cộng đồng: Bùi Thanh Long, Trần Duy Việt, Trần Thị Đào hay Cao Duy Hoàng... Ông Nguyễn Trọng Hoàng rất tự hào từ cái nôi thanh niên xung phong Đà Lạt, một lớp thanh niên rắn rỏi, lành mạnh đã hình thành và trở thành những con người chân chính. 
 
Năm 1984, lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ và trở về với đời thường. Nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ, những ký ức của một thời không thể mờ phai. Anh chị em vẫn thường xuyên gặp lại, cùng tới thăm những địa danh còn in dấu chân thanh niên như đồi thanh niên xung phong và những đoạn giao thông hào do anh chị em đào ở Tà Hine, thăm lại những công trình do bàn tay thanh niên xung phong vun đắp. Và, họ giữ được với nhau tình đồng đội chân thành, chia sẻ, gắn bó qua thời gian, qua thăng trầm, xanh mãi như khát vọng ngày đầu tiên đứng dưới lá cờ thanh niên xung phong.
 
DIỆP QUỲNH