Về nguồn thăm Di tích lịch sử Khu VI

09:01, 02/01/2018

Ðược công nhận là di tích lịch sử quốc gia, căn cứ địa Khu VI - Cát Tiên hôm nay còn in dấu tích một thời "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" với những hầm hào, những khu nhà gỗ mục nát cùng thời gian. 

Ðược công nhận là di tích lịch sử quốc gia, căn cứ địa Khu VI - Cát Tiên hôm nay còn in dấu tích một thời “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” với những hầm hào, những khu nhà gỗ mục nát cùng thời gian. Theo chân đoàn cựu chiến binh (CCB) Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn thành phố Ðà Lạt về nguồn thăm căn cứ địa Khu VI, lắng nghe trong mạch đất những xúc cảm về một thời khói lửa, một thế hệ đã sẵn sàng cống hiến tuổi xuân để làm nên chiến thắng.
 
Lãnh đạo huyện Cát Tiên chụp hình lưu niệm cùng Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn thành phố Đà Lạt trong chuyến về nguồn
Lãnh đạo huyện Cát Tiên chụp hình lưu niệm cùng Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn thành phố Đà Lạt
trong chuyến về nguồn

Một bức tranh sơn thủy
 
Chiếc xe chở chúng tôi cùng đoàn CCB Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn từ Đà Lạt về thăm Di tích lịch sử Khu VI Cát Tiên vào một ngày nắng đẹp. 20 CCB đã ở vào độ tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm” từng có một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại gặp nhau với tâm trạng háo hức như ở tuổi đôi mươi. Ngoài ô cửa kính, mảng cao nguyên trời xanh vời vợi trên đầu, những lời ca tiếng hát của họ lúc hào hùng, khi dồn dập làm sống lại một thời đạn bom, những ngày cùng đồng đội ào ào ra trận. Những người đi qua chiến tranh, giờ đây tóc không còn xanh, nhưng lâu ngày gặp nhau, họ cùng nhau nhớ lại những ngày tháng, những trận đánh, đồng đội, những cuộc hành quân, những trận chiến ác liệt và người còn người mất trên tuyến đường Trường Sơn, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và Khu VI. Quãng đường hơn 200 km như ngắn lại, khi mặt trời chưa lên đến đỉnh đầu chúng tôi đã có mặt ở Cát Tiên. Đường từ trung tâm huyện vào Di tích chừng 7 km đã được đổ nhựa đi qua vùng đồi thấp điệp trùng uốn lượn quanh co giữa những quả đồi tròn như những chiếc bát úp nhấp nhô giữa những ruộng lúa xanh mượt. Những ngôi nhà có chái lợp ngói của đồng bào Tày tựa lưng vào đồi quay mặt ra ruộng lúa gợi khung cảnh bình yên, đẹp như tranh. Căn cứ địa Khu VI Cát Tiên hiện ra như một bức tranh với đồng ruộng, kênh mương, hồ nước và rừng tràm. 
 
Đã có những người con gái, con trai xa gia đình khi tuổi chưa đến đôi mươi từng đến chiến đấu ở đây và nằm lại nơi này. Trong màu xanh hôm nay vẫn còn in dấu chân băng rừng vượt suối đến với đồng bào các dân tộc trên khắp dải đất Nam Tây Nguyên và Cực Nam Trung bộ, những người con đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình ở vùng “rừng thiêng nước độc” cho sự nghiệp thống nhất đất nước, cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Trên đỉnh đồi cao nhất, một tượng đài sừng sững đang được xây dựng, nhìn ra xung quanh là toàn căn cứ địa và cánh đồng lúa xanh ngát trải rộng trên diện tích 48 ha thuộc xã Đức Phổ, một phần giáp ranh với xã Phước Cát 2 và Tiên Hoàng. Nhà lưu niệm đã được hoàn thành xây dựng mang dáng dấp kiến trúc truyền thống của đồng bào Mạ bản địa. Đường mòn xưa quanh co dưới chân đồi nối từng khu ở của các cơ quan Khu ủy, cơ quan Bộ Tư lệnh Quân Khu VI được phục dựng với lối đi nhỏ, dần định hình một điểm đến.
 
Về nguồn thăm Di tích căn cứ cách mạng Khu VI - Cát Tiên
Về nguồn thăm Di tích căn cứ cách mạng Khu VI - Cát Tiên

CCB Phạm Hữu Liên từng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn và ngay sau ngày đất nước thống nhất ông là một trong những cán bộ đầu tiên có mặt ở Cát Tiên làm nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy; từng một thời ăn rừng ở rừng trải qua bom đạn và chứng kiến những khó khăn của một thời khai mở vùng đất mới, mái tóc bạc xúc động không nói thành lời. Căn cứ địa năm xưa - Cát Tiên hôm nay đã đổi thay khoác trên mình màu xanh của mồ hôi lao động, đất đã ấm hơn người. Chúng tôi được nghe những câu chuyện đẹp về đức hy sinh và lòng dũng cảm của những đảng viên trung kiên, những cán bộ nằm vùng, cùng dân trồng khoai mì, cùng dân sản xuất, cùng dân chiến đấu. Nước sông Đồng Nai và những vùng đất bằng phẳng là “nguồn sống” chính của căn cứ vừa lao động vừa chiến đấu; những ngọn đồi là nơi che chở cho toàn khu khi địch lùng sục “tìm diệt”. Sự dũng cảm hy sinh, lòng kiên trung của những chiến sĩ cộng sản có sức thuyết phục tập hợp đồng bào các dân tộc đứng lên giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Được nghe những câu chuyện về ý chí kiên cường của đồng bào Mạ một lòng tin yêu Đảng, đi theo cách mạng, càng thấu hiểu sức mạnh của lòng dân, khiến những cựu binh một thời vào sinh ra tử mường tượng ra sự gian khổ của đồng đội cũng phải rưng rưng. 
 
Những chiến công còn in dấu
 
Khu VI (cũ) gồm địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận là địa bàn có vị trí chiến lược về mặt quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là hành lang kết nối giữa Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ. Trong 4 năm, từ 1963 - 1966, Khu ủy Khu VI (cũ) đóng chân trên địa bàn huyện Cát Tiên ngày nay, tuy thời gian không dài nhưng quan trọng nhất tạo đà cho chiến lược kháng chiến của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thời gian đầu năm 1963, Khu ủy Khu VI đã tập trung củng cố và chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm phối hợp với toàn miền Nam chuẩn bị chuyển lên tiến công địch, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng làm chủ, vùng giải phóng. Đông - Xuân năm 1964 - 1965, phong trào cách mạng ở Khu VI có bước phát triển nhảy vọt cả chiều rộng lẫn chiều sâu; quân và dân Khu VI đã chủ động tích cực phối hợp với toàn miền Nam tiến công địch trong chiến dịch Đồng Xoài (hè 1965), góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Mùa khô năm 1965 - 1966, quân và dân Khu VI đã đánh thắng cuộc phản công lần thứ nhất của địch ở chiến trường Khu VI; từ đây liên tục làm thất bại kế hoạch bình định, “tìm diệt” của địch trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966 - 1967), đến mùa khô 1967 - 1968, quân và dân Khu VI đã đẩy mạnh các cuộc tiến công và giành được những thắng lợi to lớn. Từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1968, Đảng bộ, quân và dân Khu VI đã phối hợp với toàn miền đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Không có địa bàn nào không lập được chiến công, không có buôn làng dân tộc nào không có người tham gia kháng chiến. Cộng đồng các dân tộc: Mạ, K’Ho, Stiêng, M’Nông, Chăm... sống trên dải đất Khu VI đã đặt trọn niềm tin theo Đảng, đoàn kết keo sơn, kiên cường, bất khuất, làm nên những chiến công vang dội là minh chứng rõ ràng nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần làm nên mùa xuân đại thắng 1975, thống nhất đất nước. 
 
Toàn cảnh căn cứ nhìn từ Đài tưởng niệm căn cứ Khu ủy Khu VI
Toàn cảnh căn cứ nhìn từ Đài tưởng niệm căn cứ Khu ủy Khu VI

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian làm vật đổi sao rời, dấu tích của một vùng căn cứ địa kháng chiến xưa phần lớn đã bị “đất lở sông bồi”, nhưng dấu tích in trong lòng người thì không thể xóa nhòa. Đằng sau những chiến công của quân và dân Khu VI, còn là câu chuyện nhường cơm sẻ áo, câu chuyện đùm bọc, nuôi giấu cán bộ, phát triển lực lượng cách mạng trong đồng bào nhân dân các dân tộc. Hình ảnh những người cán bộ cách mạng được đến với buôn làng rồi đi vội vã còn in đậm trong tâm trí những người già như mới hôm qua. Trong cuộc chiến đấu ấy, đã có những người con nằm lại nơi này vì bom đạn phản công của kẻ thù, vì sốt rét rừng, máu xương các anh đã hòa vào lòng đất Cát Tiên... Nghiêng mình trước anh linh của những người con đã ngã xuống càng thấy giá trị của hòa bình, càng thấy rõ trách nhiệm phải bảo vệ và gìn giữ cuộc sống thanh bình. 
 
Với ý nghĩa lịch sử to lớn, năm 2009, căn cứ Khu VI Cát Tiên được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Ngay sau đó, di tích đã được đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo, đến nay đã dần hoàn thành những hạng mục cuối. Không chỉ khẳng định công lao to lớn của thế hệ đi trước, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ nối tiếp; Khu di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến Khu VI - Cát Tiên sẽ cùng với Khu di tích khảo cổ Cát Tiên và Vườn quốc gia Cát Tiên hợp thành một quần thể du lịch thu hút các tầng lớp nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, đa dạng sinh học.
 
QUỲNH UYỂN