
(LĐ online) - Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH tại cuộc họp tổng kết năm 2917 và triển khai nhiệm vụ 2018 tại Đà Lạt chiều 19/01, các chỉ tiêu và hoạt động về công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đều đạt so với kế hoạch, tuy nhiên vẫn còn ở mức chậm.
(LĐ online) - Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH tại cuộc họp tổng kết năm 2917 và triển khai nhiệm vụ 2018 tại Đà Lạt chiều 19/01, các chỉ tiêu và hoạt động về công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đều đạt so với kế hoạch, tuy nhiên vẫn còn ở mức chậm.
 |
Người nghèo ở Đam Rông được hỗ trợ bò nuôi |
Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh vẫn còn trên 12.100 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,91%, giảm 1,28% (năm 2016 có gần 16.000 hộ chiếm tỷ lệ gần 5,20%); trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên 8.000 hộ, chiếm 11,56%, giảm 3,15% (năm 2016 trên 10.100 hộ, chiếm gần 14,72%).
Riêng huyện 30a – Đam Rông, trong năm 2017, đã giảm được 7,74% nhưng vẫn còn lại một tỷ lệ khá cao với gần 27,50%.
Đặc biệt, đối với các hộ cận nghèo mức độ giảm chỉ ở mức không đáng kể, năm 2017 giảm ở mức 0,46% và hộ người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 0,12%; huyện nghèo Đam Rông giảm gần 3%, còn lại trên 22,40% (năm 2016 tổng số hộ cận nghèo trên toàn tỉnh trên 16.460 hộ, hộ cận nghèo người DTTS là gần 7.700 hộ).
Một trong những vấn đề nổi cộm, thu hút được nhiều sự quan tâm tại hội nghị lần này, chính là vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo đó, Sở LĐTB&XH chịu trách nhiệm đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, tuy nhiên thực tế hiện nay hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại địa phương chỉ dạy nghề nông nghiệp; các nghề phi nông nghiệp như xây dựng, cơ khí, cơ, hàn, điện tử, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại …đều không làm được và cũng không đăng ký trong hoạt động, vì vậy việc triển khai dạy nghề phi nông nghiệp hiện nay diễn ra hết sức khó khăn.
Năm 2017, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên toàn tỉnh là 29.000 người, đạt 100% kế hoạch năm, tuy nhiên lại giảm 226 người so với cùng kỳ năm 2016. Số lao động tham gia xuất khẩu là trên 600 người, đạt trên 100% kế hoạch (tăng 4 người so với năm 2016), tuy nguồn lao động nhiều và dồi dào, nhưng phần lớn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đòi hỏi tay nghề cao.
Ông Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sắp tới ngành LĐTB&XH tỉnh cần phải đặc biết chú trọng, tập trung vào những vấn đề như: thực hiện đầy đủ, chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo để trong quá trình phát triển không ai bị bỏ lại ở phía sau; tăng cường hơn nữa việc tạo ra nguồn lực lao động, đào tạo nghề cho người lao động, triển khai một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, bằng mọi cách phải tìm cách tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển ; giám sát chặt chẽ hơn nữa việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động ở các vấn đề như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp …để người lao động có được những điều kiện thuận lợi nhất, yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Tuấn Linh